- NSƯT Chiều Xuân và NSND Trọng Trinh đóng phim điện ảnh “Em và Trịnh”
- Vì sao phim "Trịnh Công Sơn" đột ngột rút khỏi rạp chiếu?
- Nhan sắc diễn viên đóng Dao Ánh, người tình đẹp nhất của Trịnh Công Sơn
Trở thành từ khóa hot trong tháng 6 và gây nhiều luồng tranh luận cả khen lẫn chê từ khi ra rạp, “Em và Trịnh” (cùng phiên bản “Trịnh Công Sơn”) tạo nên hiện tượng quan tâm trong công chúng, thổi bùng lên đời sống điện ảnh trong nước.
“Trịnh Công Sơn” ra rạp chỉ 7 ngày
Thực hiện tác phẩm điện ảnh hư cấu dựa trên cuộc đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với mức độ đầu tư lên đến 50 - 60 tỷ đồng, bộ phim được đặt nhiều kỳ vọng khi có những con số thống kê khá ấn tượng. Đó là 5 năm lên ý tưởng, 1 năm casting (tuyển diễn viên), 2 năm nghiên cứu tác phẩm, 1 năm dựng phim hậu kỳ, 30 ca khúc (của Trịnh Công Sơn) được hòa âm mới, 40 diễn viên nổi tiếng tham gia, 3.000 diễn viên quần chúng, 78 bối cảnh trải dài suốt 3 thập niên trong phim, 700 bộ phục trang cho các nhân vật, hơn 1.000 giờ ghi hình…
“Em và Trịnh” có thể được xem là bộ phim tiểu sử ca nhạc (music biopics) đầu tiên của Việt Nam, được hư cấu dựa trên một nhân vật có thật và chứa nhiều bài hát được công chúng yêu thích. Không nằm ngoài dự đoán, bộ phim nhận được nhiều đánh giá trái chiều từ những người đã và vẫn yêu mến vị nhạc sĩ nổi tiếng lẫn các tình khúc bất hủ của ông.
Nhà sản xuất và phát hành tung ra 2 bản phim có độ dài khác nhau là “Em và Trịnh” (136 phút) và “Trịnh Công Sơn” (95 phút), song trùng lặp nhiều đoạn phim. Điều này gây ra sự ngộ nhận, khó chịu và phản ứng từ không ít khán giả. Kết quả phim “Trịnh Công Sơn” ngừng chiếu tại rạp kể từ ngày 17-6 như một động thái sửa sai, tuy chậm nhưng cần thiết. “Quy luật thị trường, phim nào chiếu tốt sẽ trụ rạp và phim nào ít được lựa chọn hơn sẽ nhường suất cho phim còn lại” - nhà sản xuất lý giải trong thông cáo chính thức gửi đến các báo.
Điều đáng tiếc là phiên bản “Trịnh Công Sơn” thậm chí được nhiều người đánh giá cao hơn cả “Em và Trịnh” do tập trung khai thác giai đoạn tuổi trẻ của cố nhạc sĩ và có phần tìm tòi, đào sâu sự tài hoa nhưng cô độc và tinh thần phản chiến, ca ngợi hòa bình, hòa hợp dân tộc của Trịnh Công Sơn. Dù tất cả nàng thơ, bóng hồng đều “bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, song đã giúp những tình khúc Trịnh Công Sơn lần lượt ra đời với tình cảm tinh khôi đầy khát khao, trong trẻo, lẫn phảng phất nỗi đa sầu, đa cảm, sự chiêm nghiệm xa xăm. Có lẽ đối với ông, tình yêu với âm nhạc và cái đẹp mới chính là tình yêu vĩnh hằng nhất. Diễn viên Hồng Ánh bày tỏ: “Còn một đôi chỗ chưa thật ưng lắm để phải nói giá như, nhưng thật sự tôi yêu bản phim “Trịnh Công Sơn” vô cùng”.
Quá nhiều khen chê “Em và Trịnh”
Trong khi đó, “Em và Trịnh” là phiên bản dài có tuyến truyện Trịnh Công Sơn thời thanh xuân lẫn lúc về già, với đường dây kịch bản hồi tưởng thông qua mối quan hệ giữa một Trịnh Công Sơn trung niên (do NSƯT Trần Lực thể hiện) cùng “nàng thơ” người Nhật là Michiko Yoshii (Nakatani Akari đóng).
Có nhiều lời khen về quay phim, thiết kế hình ảnh, phục dựng bối cảnh quy mô, đặc sắc, âm nhạc xuyên suốt, tạo được cảm xúc hoài niệm trong lòng khán giả. Những khung hình đẹp kiểu “mưa vẫn mưa bay trên từng tháp cổ” tạo nên không gian nghệ thuật trong phim, hớp hồn nhiều khán giả dù họ có thể dễ dàng nhận ra sự sắp đặt và mang tính minh họa dạng… MV (music video). Một số diễn viên cũng được ghi nhận là diễn xuất tốt trong “Em và Trịnh” như Bùi Lan Hương (vai Khánh Ly), Hoàng Hà (vai Dao Ánh), Nakatani Akari (vai Michiko)…
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều lời không hài lòng về cách xây dựng hình tượng Trịnh Công Sơn với nhiều “nàng thơ” của ông. Việc khắc họa chân dung nhạc sĩ có lượng công chúng hâm mộ lớn là điều rất khó khăn, hệt như đu dây trên ngọn dao 2 lưỡi. Và xem ra, bộ phim “Em và Trịnh” đã không thể “đội đá vá trời” để làm hài lòng tất cả số đông. Cả Alvin Lu si tình lẫn Trần Lực bảnh bao phong độ đều không thuyết phục hoàn toàn được công chúng với màn diễn xuất cho nhân vật chính Trịnh Công Sơn ở 2 giai đoạn cuộc đời.
Sự “chemistry” (cách đánh giá sự phối hợp diễn xuất ăn ý) giữa Trần Lực/ Trịnh Công Sơn và Nakatani Akari/Michiko không thật sự giao hòa. Tiêu biểu là cảnh quay “ngôn tình” Trịnh và Michiko cùng nhảy bậc thang ở Đà Lạt buổi hoàng hôn lấy cảm hứng từ cảnh quay xuất sắc của bộ phim “La La Land” (đạo diễn Damien Chazelle, 2016) cho thấy rõ sự chênh lệch tuổi tác giữa 2 người.
“Em và Trịnh” là bộ phim “ôm đồm” nhiều chủ đề, nhiều tuyến nhân vật dẫn đến sự lắp ghép rời rạc, hời hợt. Âm nhạc với rất nhiều ca khúc hay được xem là ưu điểm của phim, song ưu điểm cũng chính là khuyết điểm. Vì bản nhạc nào hầu như cũng phải “xếp hàng như nhà binh” vang lên trong phim gấp gáp, vội vàng nên làm giảm/hụt cảm xúc người xem. Cách giải quyết gấp gáp vì thời lượng quá dài dẫn đến màn kết phim khá đột ngột, chưa tạo được chiều sâu lắng đọng. Nhiều khán giả cảm thấy hụt hẫng âu cũng là điều dễ hiểu bởi “những nội dung đầy tham vọng cùng danh sách ca khúc thì thời lượng bộ phim phải tầm 4 tiếng may ra mới có thể tải hết được” - một khán giả bình phẩm trên mạng xã hội.
Phải ghi nhận rằng, chính từ sự chia 2 thái cực khen - chê của dư luận mà “Em và Trịnh” ngày càng thu hút hơn lượng người xem đến rạp. Trong tuần đầu tiên đã đạt doanh thu tiền vé hơn 52 tỷ đồng (tính đến ngày 18-6). Ở tuần thứ hai “thống lĩnh” rạp chiếu, bộ phim cần đạt doanh thu ít nhất tương tự để hoàn vốn chi phí sản xuất. Đây là một dịp để đo lường sức lôi kéo khán giả ra rạp xem một tác phẩm điện ảnh Việt Nam. Vì hiện nay 70% khán giả xem phim ngoài rạp ở độ tuổi 15 - 25, được đánh giá là không “mặn mà” lắm với một bộ phim sắc màu hoài niệm, bối cảnh xưa và ít cao trào như “Em và Trịnh”.