Đường sắt trên cao đầu tiên của Thái Lan thành "mộ đá", bỏ hoang suốt 20 năm

Sau 20 năm, tuyến đường sắt trên cao Hopewell luẩn quẩn mãi trong vòng 'xây – dừng', trở thành nỗi buồn của người dân Thái Lan.

Cách đây hai thập kỷ, dự án Hopewell (theo tên nhà thầu chính Hopewell Holdings) – hay còn gọi là Hệ thống đường sắt và đường bộ trên cao Bangkok (BERTS) từng được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn cho hệ thống giao thông công cộng ở thủ đô Bangkok. Thế nhưng dự án này lại không diễn ra như những gì người dân Thái Lan mong đợi.

Hopewell đã để lại cho thủ đô Bangkok một hàng dài các cột bê tông nham nhở, được ví như tàn tích của đô thị La Mã cổ đại hay công trình tượng đài cự thạch Stonehenge.

Đường sắt trên cao đầu tiên của Thái Lan thành 'mộ đá', bỏ hoang suốt 20 năm - 1
Việc xây dựng dự án Hopewell bắt đầu từ năm 1990.

Kỳ vọng Hopewell

Tháng 11/1990, chính quyền Thái Lan giao cho tập đoàn Hopewell xây dựng và vận hành "siêu dự án" giao thông trên cao nối sân bay Don Mueang (sân bay quốc tế duy nhất của Bangkok vào thời điểm đó) với trung tâm Bangkok.

Theo thỏa thuận, Thái Lan phải có thêm một công trình trên cao dài 60 km bao gồm đường cao tốc đến sân bay Don Muang, tuyến đường sắt chính (dành cho tàu hỏa thông thường), tuyến đường sắt hạng nhẹ (dành cho tàu điện), đi kèm với đó là hệ thống trung tâm thương mại.

Giá trị của dự án ước tính 80 tỷ baht (3,2 tỷ USD) vào thời điểm đó.

Ngay sau khi được phê duyệt, Hopewell bắt tay vào việc xây dựng các hạng mục đầu tiên dù mặt bằng chưa được giải phóng còn báo cáo về tính khả thi vẫn chưa thực sự thuyết phục. Siêu dự án còn liên tục bị trì hoãn bởi loạt bất ổn chính trị và cả nạn tham nhũng.

Đường sắt trên cao đầu tiên của Thái Lan thành 'mộ đá', bỏ hoang suốt 20 năm - 2
Quá trình xây dựng Hopewell tiến triển chậm đến mức nó bị đặt biệt danh là “Dự án bảy thế hệ”.

Vòng luẩn quẩn "xây – dừng"

Kể từ năm 1990, việc xây dựng dự án bắt đầu chậm do các vấn đề về thu hồi đất và không có báo cáo tiến độ rõ ràng. Dự án hai lần bị đình chỉ do các bất ổn chính trị ở Thái Lan và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra lần lượt vào năm 1992, 1997.

Trong suốt 7 năm, tuyến đường sắt mới được hoàn thành khoảng 10%. Quá trình xây dựng Hopewell tiến triển chậm đến mức nó bị đặt biệt danh mỉa mai là “Dự án 7 thế hệ”. Các cột đã hoàn thiện trong 10% đó vẫn gây chướng mắt cho người dân thủ đô Thái Lan cho đến ngày nay.

Vào tháng 1/1998, vòng luẩn quẩn trì hoãn của Hopewell kết thúc khi chính phủ Thái Lan quyết định hủy bỏ dự án này. Chủ tịch tập đoàn Hopewell Gordon Wu cho rằng dự án thất bại là do sự bất ổn chính trị của Thái Lan, còn các quan chức chính phủ lại đổ lỗi cho tập đoàn Hopewell thiếu vốn.

Đối với nhiều người Thái, “Stonehenge của Thái Lan” là một tượng đài đắt giá, biểu tượng cho sự kém cỏi, kèm đó là 532 cột bê tông chạy dọc khắp thủ đô Bangkok.

Trong hai thập kỷ tiếp theo, “tượng đài” đắt đỏ này trở thành nơi trú ẩn cho chim, trong khi những nghệ sĩ graffiti đường phố thể hiện kỹ năng hội họa.

Đường sắt trên cao đầu tiên của Thái Lan thành 'mộ đá', bỏ hoang suốt 20 năm - 3
Vẫn còn hàng dài cột trụ dở dang từ sân bay Donmuang tới Bangkok, gây mất mỹ quan thủ đô.

Cuộc chiến pháp lý hơn một thập kỷ

Trước khi bước vào quá trình phân xử năm 2004, cả chính quyền Thái Lan lẫn Hopewell đều yêu cầu bồi thường và đòi quyền đối với không gian dự án. Hopewell đòi bồi thường 56 tỷ baht (hơn 1,7 tỷ USD) trong khi Cục Đường sắt Nhà nước Thái Lan (SRT) đòi 200 tỷ baht (6,1 tỷ USD).

Vào tháng 11/2008, Ủy ban Trọng tài yêu cầu SRT và Bộ Giao thông vận tải phải bồi thường 11,8 tỷ baht (359,9 triệu USD) cho Hopewell vì “chấm dứt hợp đồng theo cách không công bằng”.

11 năm tiếp theo, hai bên lần lượt kháng cáo để hướng đến phán quyết có lợi cho mình. Kết quả là các cơ quan nhà nước phải trả cho Hopewell khoản bồi thường cộng với lãi suất 7,5% mỗi năm, lên tới 25,4 tỷ baht (774,8 triệu USD).

Để tránh bồi thường, SRT tố Hopewell vượt quá giới hạn sở hữu hợp pháp tại nước ngoài nhưng không thành, yêu cầu xét xử lại cũng không được chấp thuận.

Đường sắt trên cao đầu tiên của Thái Lan thành 'mộ đá', bỏ hoang suốt 20 năm - 4
Đến nay việc dỡ bỏ các cột đá từ dự án Hopewell vẫn chưa hoàn thành.

Tháng 6/2013, việc phá dỡ “Stonehenge của Thái Lan” được triển khai và dự kiến ​​hoàn thành muộn nhất là vào tháng 3/2014, tin này đã làm dấy lên hy vọng cho người dân thủ đô Bangkok về việc dẹp bỏ một “tàn tích” mà họ cho là đáng hổ thẹn.

Chúng (những cột đá) giống như nỗi xấu hổ của đất nước đối với người nước ngoài và các thế hệ tiếp theo của chúng tôi”, tài xế Taxi tại Bangkok Surasak Meesombat cho biết.

Tuy nhiên, đến nay việc dỡ bỏ vẫn chưa hoàn thành. Vẫn còn hàng dài cột trụ dở dang từ sân bay Donmuang tới Bangkok.

Để khắc phục triệt để vấn đề, các cơ quan chính phủ Thái Lan đề xuất tận dụng phần còn lại của dự án để xây một phiên bản “Hopewell thu nhỏ”. Tập đoàn Hopewell đã bày tỏ quan tâm và ủng hộ dự án này. Tuy nhiên, chính phủ không thông qua việc khởi động lại dự án vì lý do Hopewell "không còn là nhà thầu đủ năng lực".

TRẦN TRANG

Ngày 15/11, đường sắt chính thức mở bán vé tàu Tết Nhâm Dần 2022 Ngày 15/11, đường sắt chính thức mở bán vé tàu Tết Nhâm Dần 2022
Các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đang được triển khai như thế nào? Các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đang được triển khai như thế nào?
Những điều cần biết để đi lại thuận tiện với đường sắt Cát Linh - Hà Đông Những điều cần biết để đi lại thuận tiện với đường sắt Cát Linh - Hà Đông

/ vtc.vn