- Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Dự kiến khoảng 43,69 triệu USD cho mỗi kilomet
- Giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam sẽ thấp hơn máy bay để cạnh tranh
Với tốc độ 350km/h, thân thiện với môi trường, các chuyên gia cho rằng lợi ích mà đường sắt tốc độ cao đem lại rất lớn, là bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), căn cứ năng lực tài chính quốc gia, các yếu tố kỹ thuật và nhu cầu thực tế của đất nước, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao cần sớm được thực hiện.
Triển khai đầu tư đường sắt cao tốc Bắc-Nam vào năm 2027
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, với nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP; dự kiến thời điểm triển khai xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn. Bộ GTVT cũng nêu rõ 5 vấn đề cần thiết cho việc sớm đầu tư đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC).
Cụ thể, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch. Trong nhiều văn kiện, Đảng và Nhà nước đã xác định mục tiêu đầu tư xây dựng ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam nhằm tạo tiền đề quan trọng để đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao như nhiều quốc gia trên thế giới.
Hai là, tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hành lang kinh tế Bắc - Nam có vai trò quan trọng bậc nhất của cả nước; kết nối các hành lang Đông - Tây, các cực tăng trưởng để tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội.
Với ưu thế vận tải khối lượng lớn, nhanh, tin cậy, thuận tiện, ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam sẽ “rút ngắn” khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, góp phần giảm áp lực tập trung dân số, quá tải hạ tầng ở các đô thị lớn đang gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; tái cấu trúc, phân bố lại đô thị, dân cư, mở ra không gian phát triển kinh tế, khai thác có hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất; thúc đẩy phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Cùng đó là đảm bảo nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức, góp phần giảm chi phí logistic.
Trên cơ sở số liệu điều tra vận tải, lợi thế, chi phí vận tải của từng phương thức, cập nhật các quy hoạch và sử dụng mô hình dự báo tiên tiến để tính toán, kết quả cho thấy hành lang Bắc - Nam có nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách lớn nhất; quy hoạch phát triển đường sắt trên hành lang Bắc - Nam đã định hướng trên hành lang quy hoạch có cả 5 phương thức vận tải.
Dự báo nhu cầu vận tải bằng đường sắt đến năm 2050 cần đảm nhận khoảng 18,2 triệu tấn hàng và khoảng 122,7 triệu lượt khách. Với nhu cầu vận tải này, tuyến đường sắt hiện hữu sau khi cải tạo, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa; tuy nhiên, nhu cầu vận tải hành khách sẽ thiếu hụt lớn. Theo kinh nghiệm thế giới, để giải quyết nhu cầu vận tải lớn về hành khách việc lựa chọn đầu tư tuyến ĐSTĐC là thích hợp, hiệu quả.
Tiếp đến, việc đầu tư là nhằm tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ. Việc đầu tư tuyến ĐSTĐC tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD; tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD, phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD và hàng triệu việc làm.
Nếu được chuyển giao công nghệ thích hợp, Việt Nam có khả năng phát triển công nghiệp đường sắt, trong đó: làm chủ công nghiệp xây dựng; từng bước làm chủ và nội địa hóa về chế tạo toa xe, hệ thống cấp điện động lực, hệ thống thông tin - tín hiệu; tự chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và sản xuất một số linh kiện thay thế cho ĐSTĐC. Do đó, việc phát triển ĐSTĐC là tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.
Cuối cùng là phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Theo nghiên cứu của Hiệp hội đường sắt quốc tế, ĐSTĐC là phương thức vận tải bền vững, an toàn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên; đồng thời, do tuyến ĐSTĐC phần lớn đi trên cao nên góp phần hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế chia cắt cộng đồng. Tuyến ĐSTĐC sử dụng năng lượng điện là giải pháp tối ưu chuyển đổi phương thức vận tải để đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26. Bên cạnh đó, tuyến đường sắt hiện hữu bị hạn chế khổ giới hạn nên việc đầu tư ĐSTĐC có thể vận chuyển các loại hàng hóa đặc chủng phục vụ quốc phòng, an ninh, hình thành thêm trục dọc cơ động khi có tình huống khẩn cấp.
Kiến nghị phương án đầu tư tuyến ĐSTĐC với tốc độ thiết kế 350km/h
Để lựa chọn phương án đầu tư, Bộ GTVT đã chỉ đạo tư vấn nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, cẩn trọng. Từ các đánh giá của các đơn vị liên quan, lãnh đạo Bộ GTVT cũng kiến nghị đầu tư tuyến ĐSTĐC với tốc độ thiết kế 350km/h; chiều dài khoàng 1.541km; đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hoá. Tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD. Dự án cũng đặt mục tiêu: Trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 10/2024; khởi công cuối năm 2027; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035.
Hình thức đầu tư sẽ là áp dụng hình thức đầu tư công. Vốn từ ngân sách Trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc... Trong bước tiếp theo sẽ xác định cụ thể nguồn vốn; đồng thời, trong quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.
Bộ GTVT đề nghị phương án tổ chức khai thác sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu vận tải từng thời điểm, đối tượng phục vụ, bảo đảm khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong Dự án, đề xuất tổ chức khai thác chủ yếu với 2 loại tàu (tàu dừng ở một số ga chính, tàu dừng đan xen ở tất cả các ga); khi có nhu cầu sẽ điều chỉnh biểu đồ chạy tàu để vận tải hàng hóa, phục vụ quốc phòng an ninh. Về phương án tổ chức quản lý: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là đơn vị tiếp nhận quản lý, vận hành và khai thác kết cấu hạ tầng toàn tuyến; được giao toàn bộ phương tiện, thiết bị để khai thác và chịu trách nhiệm trả nợ chi phí đầu tư phương tiện, thiết bị.
Bộ GTVT cũng nêu rõ: Kết quả tính toán của tư vấn đối với nhóm yếu tố có thể định lượng (tiết kiệm thời gian đi lại, giảm chi phí khai thác do thu hút lượng vận tải từ các phương thức khác, giảm chi phí logistics, giảm tai nạn, giảm lượng CO2 phát thải,...) cho thấy dự án khả thi về mặt kinh tế.
Trong thời gian xây dựng, tính toán cho thấy góp phần tăng GDP bình quân cả nước khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm so với kịch bản không đầu tư dự án. Sau khi đưa ĐSTĐC vào khai thác, theo kinh nghiệm thế giới hiệu quả tích cực đến kinh tế - xã hội là rất lớn. Đồng thời, đây là phương thức vận tải xanh, là giải pháp hữu hiệu để thực hiện các cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Về tài chính: Các lợi ích kinh tế trực tiếp và gián tiếp rất lớn nhưng không thể tính toán vào nguồn thu và hiệu quả tài chính dự án. Tương tự mô hình các nước trên thế giới, dòng doanh thu tính toán hoàn vốn cho dự án chủ yếu từ vận tải, khai thác thương mại. Về bảo đảm quốc phòng, an ninh, tuyến ĐSTĐC tạo thêm một trục dọc để cơ động tác chiến trong trường hợp có tình huống khẩn cấp; đảm bảo mục tiêu, yêu cầu về kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh theo yêu cầu của Bộ Chính trị.
Vé được chia 3 mức để phù hợp khả năng chi trả của người dân
Theo dự thảo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tổng mức đầu tư dự án này khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí xây dựng và thiết bị (hơn 974.000 tỷ đồng). Giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc -Nam dự kiến bằng 75% mức trung bình vé máy bay hàng không giá rẻ và phổ thông.
Vé được chia 3 mức để phù hợp khả năng chi trả của người dân, nhu cầu và mức độ tiện nghi khác nhau. Trong đó, mỗi km vé hạng nhất dự kiến là 0,18 USD (khoang VIP), hạng hai 0,074 USD và hạng ba là 0,044 USD. Như vậy, chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh dài 1.541km, vé hạng nhất khoảng 6,9 triệu đồng; hạng hai là 2,9 triệu và hạng ba là 1,7 triệu đồng.