Đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Công khai tối đa từng phương án

Muốn tranh luận có hiệu quả, phải công khai minh bạch mọi thông tin chi tiết, cụ thể từng phương án.

Phải công khai tối đa các thông số kỹ thuật về dự án

Lựa chọn đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam theo phương án của Bộ KH-ĐT (làm đường sắt tốc độ 200 km/h, tổng vốn đầu tư dự án này khoảng 26 tỷ USD) hay chọn phương án của Bộ GTVT (phương án tàu tốc độ 350 km/h với tổng vốn 58,7 tỷ USD) là hiệu quả, tối ưu nhất vẫn đang được tranh luận sôi nổi. Trong bối cảnh nhiều chuyên gia đường sắt quốc tế lên tiếng gợi ý phương án đầu tư thì cũng có những mong muốn để doanh nghiệp trong nước thử sức với dự án này.

duong sat cao toc bac nam cong khai toi da tung phuong an
Đường sắt tốc độ cao của Pháp. (Nguồn: TTXVN)

Từ góc nhìn cá nhân, PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH.KTQD Hà Nội đánh giá, đây là dự án có quy mô, nguồn vốn lớn, có tầm quan trọng chiến lược trong phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, việc đưa các phương án ra tranh luận sẽ giúp lấy được ý kiến đầy đủ từ phía công luận, chuyên gia, các nhà đầu tư tiềm năng cho dự án này. Tuy nhiên, muốn tranh luận có hiệu quả, phải công khai minh bạch mọi thông tin về dự án.

Theo ông Cường, việc công khai không chỉ đợi đến khi xây dựng tờ trình thì mới công khai mà cần thiết phải công khai ngay từ khi hình thành ý tưởng cho tới khi xây dựng ý tưởng, đến những báo cáo, đánh giá chi tiết, cụ thể liên quan tới dự án.

"Công khai chỉ tốt hơn chứ không xấu đi. Ở khâu nào cũng vậy, công khai sẽ giúp có được những đánh giá toàn diện, giúp quá trình xem xét, thẩm định, lựa chọn dự án chính xác hơn, tránh những sai lầm không đáng có khi quyết định đầu tư.

Quan trọng hơn, công khai, minh bạch còn cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong công tác phòng, chống tham nhũng, minh bạch hóa trong lĩnh vực đầu tư công", PGS Hoàng Văn Cường nói.

Tuy nhiên, khi nhìn lại diễn biến của vụ việc, vị chuyên gia nhận thấy có rất nhiều ý kiến tranh luận được đưa ra nhưng trên nền thông tin còn mờ nhạt, không cụ thể, mọi thông tin về dự án mới chỉ đang dừng ở mức là tổng vốn đầu tư, tốc độ vận hành mà chưa có thêm những thông số kỹ thuật chi tiết, vì thế, tranh luận hay lựa chọn phương án nào ở thời điểm này đều rất cảm tính.

Do đó, vị PGS cho rằng, cần phải công khai tiếp những thông số kỹ thuật cơ bản về dự án như: Cơ sở nào để đưa ra các phương án đầu tư theo đề xuất, độ tin cậy và tính chính xác của các phương án như thế nào? Vì sao tốc độ 200 km/h thì vốn là 26 tỷ USD và vì sao 350 km/h thì phải cần tới 58,7 tỷ USD? Các phương án trên so với tổng vốn đầu tư đã chuẩn xác chưa? Liệu có thể tăng hoặc giảm trong quá trình thực hiện nữa không? Nếu tăng hoặc giảm thì tăng bao nhiêu, giảm bao nhiêu?

"Các bộ ngành muốn có được góp ý tốt thì phải công khai những cơ sở để đưa ra những con số này. Khi đó những ý kiến đóng góp sẽ tốt hơn, có giá trị cao hơn", ông Cường nói.

Tiếp theo, phải công khai về tốc độ vận hành 350km/h, là tốc độ nào? Đây là tốc độ bình quân cả tuyến hay tốc độ cao nhất, tốc độ của từng đoạn? Khi có được thông tin như vậy sẽ xác định được hiệu suất hoạt động thực tế có cần phải sử dụng tới tốc độ đó hay không?

Vấn đề tiếp nữa, phải công khai năng lực vận tải của từng phương án như thế nào? Khả năng đáp ứng vận tải khách, vận tải hàng hóa của từng phương án là bao nhiêu? Điểm chênh khác biệt giữa hai phương án là gì?

Tiếp đến là phải công khai chi phí vận hành. Cần làm rõ chi phí vận hành thường xuyên của từng phương án cụ thể là bao nhiêu? Giữa phương án 350 km/h với 200 km/h chi phí vận hành chênh nhau là bao nhiêu? Khả năng cân đối giữa nguồn vốn bỏ ra với khả năng thu hồi vốn của từng phương án như thế nào?

"Nếu có đầy đủ các thông tin như vậy thì việc đưa ra tranh luận sẽ có cơ sở hơn, xác thực hơn", ông Cường nhắc lại.

Phải nghĩ tới một nền công nghiệp đường sắt

Nêu quan điểm về hai phương án đang gây tranh cãi, ông Cường cho rằng lựa chọn phương án nào còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Thứ nhất, nếu so sánh hai phương án mà thấy cả hai phương án đều có khả năng thu hồi vốn như nhau, thời gian thu hồi vốn như nhau, khả năng chuyên chở cũng tương đương nhau, chỉ có sự khác nhau cơ bản nhất về chi phí và tốc độ. Trong trường hợp này, rõ ràng các cơ quan quản lý phải tính tới phương án vốn thấp nhưng hiệu quả tổng thể lại tương đương.

Ở đây cũng phải tính tới các yêu cầu về năng lực tài chính, trình độ tiếp cận công nghệ, sự tương thích của hệ thống hạ tầng xã hội... đối với dự án như thế nào?

Nếu lựa chọn phương án tốc độ cao, nguồn vốn lớn nhưng không có nguồn nhân lực kỹ thuật cao thì sẽ thế nào? Hơn nữa hệ thống đường sắt đô thị hiện tại có thích ứng được hay không?

Bên cạnh đó, bản thân nghành công nghiệp đường sắt Việt Nam có khả năng phát triển nhảy vọt, đủ sức đáp ứng được yêu cầu phát triển của một dự án có kỹ thuật hiện đại với tốc độ vận hành ở mức 350kh/h hay không? Kỳ vọng đầu tư hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam tốc độ cao nhưng hàng năm phải nhập khẩu máy móc, thiết bị, nhân lực phục vụ cho quá trình vận hành dự án hay sẽ phải tính tới việc xây dựng, phát triển một ngành công nghiệp đường sắt riêng, đáp ứng được các yêu cầu cơ bản nhất cho ngành đường sắt?

Nên nhớ, Việt Nam chưa giàu, nếu cái gì cũng phải đi nhập chi phí sẽ rất lớn, nguồn lực trong nước khó có thể đáp ứng được.

"Trong tương lai Việt Nam nên nghĩ tới việc xây dựng một nền công nghiệp đường sắt cơ bản. Việt Nam có nhiều lợi thế với tuyến đường sắt quốc gia có chiều dài tới 1.500km, lại là nước có dân số đông, nhiều siêu đô thị, hệ thống tàu điện ngầm trong tương lai sẽ phát triển rất mạnh mẽ. Nhìn từ hướng này, thị trường tiêu thụ cho ngành đường sắt nội địa là rất lớn. Nếu không phát triển mà lại chấp nhận đi nhập công nghệ, kỹ thuật từ các nước để vận hành đường sắt trong nước thì nguy cơ phụ thuộc là hiện hữu.

Tuy nhiên, khi mọi điều kiện còn chưa sẵn sàng có lẽ nên lựa chọn một phương án có mức đầu tư, tốc độ vận hành và trình độ kỹ thuật phù hợp, tương xứng với nhu cầu phát triển nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu vận tải cũng như điều kiện hạ tầng xã hội hiện nay", ông Cường nêu quan điểm.

Ở khả năng thứ hai, nếu lựa chọn phương án có tốc độ thấp nhưng chi phí tính ra tương đương với tốc độ cao thì không có lý do gì lại không chọn một phương án tốc độ cao hơn, kỹ thuật hiện đại hơn.

"Tôi nghe thông tin phía Bộ GTVT cho rằng, giữa phương án 200km/h với phương án 350 km/h không chênh nhau nhiều về chi phí. Nếu tính ra, từ phương án tốc độ thấp hơn sang phương án tốc độ cao hơn chi phí chỉ tăng thêm từ 10-16%. Nếu đây là thông tin đủ tin cậy thì rõ ràng nên xem xét lựa chọn một sản phẩm cao cấp hơn", ông Cường bày tỏ.

Từ những phân tích nói trên PGS Hoàng Văn Cường cho rằng, thời gian để dự án trình lên Quốc hội không còn nhiều, dự kiến tháng 5/2020, yêu cầu công khai các thông số kỹ thuật chi tiết liên quan tới dự án thời điểm này là rất cần thiết. Khi có đủ cơ sở, lập luận rõ ràng, công khai, phương án trình sang Quốc hội sẽ càng có lợi.

duong sat cao toc bac nam cong khai toi da tung phuong an

10 tỷ USD xây tuyến đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ

Tuyến đường dài hơn 173 km với 14 ga và hai trạm khách đi qua sáu tỉnh thành: Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền ...

duong sat cao toc bac nam cong khai toi da tung phuong an

Tuyến đường sắt nghìn tỷ đồng vắng bóng tàu

Dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân dừng thi công từ năm 2011 khiến nhiều nhà ga vắng khách và hàng chục tấn ...

duong sat cao toc bac nam cong khai toi da tung phuong an

Chuyên gia Anh gợi ý về đường sắt cao tốc cho Việt Nam

Việt Nam nên đầu tư vào đường cao tốc 350 km/h để thể hiện tham vọng phát triển kinh tế mạnh mẽ.

duong sat cao toc bac nam cong khai toi da tung phuong an

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Tốc độ 200 km/h khả thi hơn tốc độ 350 km/h?

Nhiều chuyên gia cho rằng với tiềm lực kinh tế hiện nay, việc đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam tốc độ thiết kế ...

  • Hoài An

/ baodatviet.vn