- Chị gái liệt sĩ Gạc Ma: Trước khi ra đảo em viết thư, nào ngờ là lần cuối...
- Đổi bia mộ liệt sĩ 'chưa biết tên': Giám đốc Sở LĐTB&XH Quảng Trị nói gì?
Trong Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương bình - Liệt sĩ và trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022 diễn ra tại Nghệ An vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận và trao Bằng Tổ quốc ghi công đối với 387 liệt sĩ trong cả nước. Trong đó, có 1 liệt sĩ hi sinh từ năm 1931...
Gần một thế kỉ khắc khoải chờ đợi
Trong đợt trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022 diễn ra tại Nghệ An vào trung tuần tháng 7 vừa qua, trường hợp liệt sĩ Phạm Khánh (SN 1869), quê ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có lẽ là trường hợp hi hữu. Tính đến thời điểm được công nhận là liệt sĩ, cụ Phạm Khánh đã hi sinh 91 năm. Suốt 91 năm qua, sự hi sinh của cụ vẫn luôn là một ẩn số. Tuy nhiên, bằng sự tận tâm, tận lực của những người làm công tác chính sách với quyết tâm không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước, ẩn số cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của liệt sĩ Phạm Khánh cuối cùng cũng được giải mã.
“Sau 91 năm kể từ ngày hi sinh, công lao của ông nội tôi cũng đã được công nhận”- ông Phạm Bá Tiến (SN 1960), trú xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, Nghệ An, là cháu nội liệt sĩ Phạm Khánh rưng rưng chia sẻ khi đón nhận tấm Bằng Tổ quốc ghi công được trao bởi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Ông Tiến kể, theo các cụ cao niên cho biết, năm 1930, dù đã 61 tuổi nhưng cụ Phạm Khánh vẫn xung phong tham gia đội Tự vệ đỏ, bảo vệ người dân đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, tham gia biểu tình chống thực dân Pháp, bảo vệ chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cuộc biểu tình bị thực dân Pháp đàn áp, sau đó, cụ Phạm Khánh bị bắt rồi đày đi biệt tích. Gia đình cũng mất liên lạc với cụ từ đó.
Ròng rã suốt nhiều năm qua, gia đình đã cất công tìm kiếm thông tin về quá trình hoạt động cách mạng và hi sinh của cụ Phạm Khánh nhưng không có kết quả.
Năm 2020, gia đình nhận được thông tin từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về trường hợp hi sinh của ông Phạm Khánh. Từ nguồn thông tin được biết: Có một tập tài liệu bằng tiếng Pháp còn lưu giữ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ - Bộ Công an thì cụ Phạm Khánh bị giặc bắt giam và đưa vào nhà lao Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, có số tù 749. Tại đây, cụ bị địch tra tấn dã man nhưng không khai thác được thông tin gì. Bị giam cầm trong điều kiện khắc nghiệt cùng với những trận đòn tra tấn của kẻ thù, ngày 27/9/1931, cụ Phạm Khánh đã hi sinh trong nhà lao.
Từ nguồn thông tin quý báu cùng với sự hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông Phạm Bá Tiến đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với cụ Phạm Khánh.
Xúc động hơn, đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), ông Phạm Bá Tiến đại diện gia đình được vinh dự đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công đối với ông nội của mình - cụ Phạm Khánh, do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao.
Nâng niu tấm bằng Tổ quốc ghi công của ông nội trên tay, ông Phạm Bá Tiến rưng rưng chia sẻ: Sau hơn 91 năm khắc khoải với biết bao chờ đợi, hi vọng rồi lại thất vọng, cuối cùng gia đình tôi cũng có ngày hôm nay. Tôi rất tự hào khi được đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công của ông nội tôi - liệt sĩ Phạm Khánh. Đây là tấm Bằng vinh danh, ghi công những đóng góp hi sinh của ông nội với nền độc lập tự do của dân tộc.
Gian nan hành trình tìm kiếm hồ sơ
Dưới đây là câu chuyện cảm động không kém hành trình gần 1 thế kỉ sau khi hi sinh mới được công nhận liệt sĩ. Vượt gần 1.450 km để có mặt tại buổi lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công tại Nghệ An, ông Nguyễn Văn Nhân (SN 1974), trú xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre là thân nhân của liệt sĩ Đinh Công Gấm, cho biết: Khi ông ngoại tôi hi sinh, mẹ tôi còn chưa ra đời.
Mặc dù thế, ông Nguyễn Văn Nhân luôn tự hào bởi mình được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, trong đó có liệt sĩ Đinh Công Gấm. Cuộc đời chiến đấu anh dũng của người cảm tử quân được truyền tụng qua những câu chuyện kể nối tiếp của nhiều thế hệ trong dòng tộc. Ông vì thế mà cũng được nuôi lớn trong mạch nguồn cách mạng. Thời điểm đó, ông Đinh Công Gấm mới 24 tuổi, trong không khí phong trào chống thực dân Pháp và chế độ phong kiến lan rộng khắp cả nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thanh niên Đinh Công Gấm tiên phong gia nhập đội Cảm tử quân của xã Đại Điền.
Ngày 10/1/1946, khi địch tiến quân đánh chiếm trung tâm quận lỵ Thạnh Phú đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của Tiểu đội cảm tử quân xã Đại Điền. Tuy nhiên những người lính du kích với vũ khí thô sơ đã bị quân địch được trang bị vũ khí hiện đại, hỏa lực mạnh đẩy lùi. Cả tiểu đội 9 người đã chiến đấu và anh dũng hi sinh.
Người cháu của liệt sĩ Đinh Công Gấm cho biết thêm: Tên của ông tôi được khắc trên bia tưởng niệm của xã nhưng không được công nhận chính thức là liệt sĩ. Hòa bình lập lại, chúng tôi bắt đầu công cuộc tìm kiếm thông tin để làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối cho ông chú, nhưng sự việc xảy ra quá lâu, những người biết hoặc chứng kiến sự việc đã quá già hoặc qua đời khiến việc công nhận gặp nhiều khó khăn.
Thật may bởi những năm gần đây, được sự hỗ trợ từ chính quyền các cấp cũng như ngành Lao động, Thương binh và xã hội, quá trình hoạt động cách mạng, chiến đấu và hi sinh anh dũng của ông tôi đã được làm sáng tỏ. Vì thế hành trình tìm kiếm sự ghi nhận của Tổ quốc đối với sự hi sinh của liệt sĩ Đinh Công Gấm mới hoàn tất sau 76 năm khắc khoải.
Tại lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công năm 2022, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Kết quả hôm nay chính là hành động thiết thực, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, nén tâm nhang của thế hệ đi sau, của chúng tôi - những người làm công tác thương binh liệt sĩ đối với 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng thời cũng là nghĩa cử, là hành động xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm sâu nặng của những người đang được thụ hưởng nền hoà bình, độc lập, tự do ngày hôm nay với anh linh các liệt sĩ và gia đình, thân nhân các liệt sĩ.