Nguyên tắc trong hợp đồng BT là tài sản công đối ứng cho nhà thầu phải theo tiến độ của dự án nhưng nhiều nơi lại đang làm sai điều này.
Ngày 17/4/2019, trước vấn đề tuyến đường BT nối Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên (nối Minh Khai với Vành đai 2,5) chưa làm xong nhưng thông tin rao bán căn hộ, đất đối ứng đã được quảng cáo rầm rộ, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Khoa Công trình, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, cả chủ đầu tư và nhà thầu đã làm sai về nguyên tắc.
Ông Thám phân tích, trong các hợp đồng BT, cơ quan chức năng được xác định có vai trò là chủ đầu tư, còn doanh nghiệp là nhà thầu. Nguyên tắc của hợp đồng BT là khi dự án được làm xong thì chủ đầu tư mới dùng tài sản công đối ứng lại hoặc đối ứng theo từng giai đoạn, phụ thuộc vào tiến độ của dự án.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng bàn giao đất đối ứng cùng với thời điểm dự án BT được chấp thuận khiến cho tình trạng "cầm đèn chạy trước ô tô" diễn ra phổ biến.
Hàng loạt các dự án BT bị chậm tiến độ còn phần đất đối ứng thì lại được các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai, rao bán để thu về khoản lợi nhuận khổng lồ. Đây không phải do doanh nghiệp thiếu năng lực, việc thi công dự án BT gặp khó khăn mà chẳng qua là "điều gì có lợi cho bản thân hơn thì làm trước".
"Không chỉ có dự án đường BT nối Minh Khai với Vành đại 2,5 mà rất nhiều dự án BT khác của TP. Hà Nội hay trên cả nước cũng đang ở trong tình trạng như thế. Đây là do các cán bộ khi ký hợp đồng với doanh nghiệp đã làm sai nguyên tắc.
Mà nguyên tắc là thứ bất di bất dịch, cũng được quy định rất rõ trong pháp luật nên người ký hợp đồng không thể nói là không biết việc này. Ở đây có khả năng kẽ hở để cho doanh nghiệp có cơ hội để luồn lách cố tình bị bỏ quên" - PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói thẳng.
Ông Thám cho rằng, đối với những dự án BT đang triển khai mà chậm tiến độ, còn đất đối ứng đã được bán hết thì cơ quan chức năng cần phải kiên quyết xử lý, dùng các biện pháp kỹ thuật để ép doanh nghiệp phải thực hiện xong dự án BT đúng tiến độ.
PGS.TS Nguyễn Đình Thám đưa ra phương án: "Với những dự án BT như đường nối Minh Khai với Vành đại 2,5 thì cơ quan chức năng nên yêu cầu doanh nghiệp dừng rao bán, nhận kỳ kết hợp đồng mua bán, thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ nếu như chưa làm xong đường BT. Bên cạnh đó, cơ quan các cấp nên không cấp sổ đỏ hay giấy tờ gì liên quan đến các giao dịch ở những khu đất đối ứng của dự án.
Điều đó chắc chắn sẽ tạo sức ép để các doanh nghiệp phải nhanh chóng thực hiện đường BT. Đó cũng là cách để khắc phục kẽ hở trong chính sách thực hiện dự án đầu tư BT trong nhiều năm qua".
Nguy cơ hai lần thất thoát?
Bàn về vấn đề này, GS. TSKH Đặng Hùng Võ cũng chỉ ra thực trạng hiện nay quy định về các dự án BT có nhiều lỗ hổng, đơn cử như quy định đất trả cho các dự án BT có thể giao đồng thời với việc thực hiện công trình hạ tầng.
Điều đó dẫn đến việc không ít các dự án BT nhiều năm chậm tiến độ, dang dở còn quỹ đất đối ứng giao cho chủ đầu tư thì được đưa vào xây dựng kinh doanh ngay.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòa - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, thuộc Kiểm toán Nhà cho rằng, với cơ chế quản lý các dự án BT hiện nay sẽ dễ dẫn đến việc tài sản công bị 2 lần thất thoát.
Ông Hòa phân tích, hầu hết tại các dự án BT hiện nay, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, tự giám sát, quản lý hoặc thuê tư vấn quản lý, nghiệm thu...
Cơ quan quản lý nhà nước chỉ giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp theo hợp đồng. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý mới thuê tổ chức tư vấn có đủ năng lực để hỗ trợ thực hiện việc giám sát.
"Như vậy, không chỉ nguy cơ thất thoát về quá trình đầu tư xây dựng công trình BT khi chỉ định thầu và nhà đầu tư được quyết định tất cả từ thi công đến giám sát…, việc đổi đất lấy hạ tầng với giá trị chênh lệch từ đất đai là nguy cơ thất thoát thứ 2" - ông Hòa nói.
Xe hổ vồ chở 'vàng trắng' chạy rầm rập ngày đêm, băm nát tuyến đường huyết mạch ở Nghệ An
QL48 - tuyến giao thông huyết mạch nối các huyện miền Tây xứ Nghệ đi QL1, từ xưa đến nay vốn được mệnh danh là ... |
Tuyến đường nào ở Hà Nội có không khí ô nhiễm nhất?
Theo Tổng cục Môi trường, nồng độ bụi mịn vượt giới hạn cho phép chủ yếu tập trung tại các khu vực đang diễn ra ... |