Đức đánh giá mối đe dọa bởi chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo ở quốc gia này vẫn cao khi các nhóm cực hữu tìm cách lan truyền tư tưởng cực đoan trong bối cảnh Trung Đông bất ổn.
Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser cho biết, các cơ quan tình báo Đức đã “liên lạc rất tốt” với các cơ quan an ninh ở Áo, nơi một âm mưu khủng bố nhằm vào buổi biểu diễn âm nhạc của ca sĩ nổi tiếng người Mỹ Taylor Swift bị ngăn chặn.
Khi đề cập đến những mối đe dọa nghiêm trọng của chủ nghĩa khủng bố, Bộ trưởng Nancy Faeser nhận định, Đức cũng là mục tiêu của các tổ chức thánh chiến, đặc biệt là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhánh ISPK nguy hiểm nhất hiện nay, theo hãng tin DW (Đức).
Sau cuộc họp với cơ quan tình báo nội địa Đức (BfV) tại thành phố Cologne, Bộ trưởng Nancy Faeser cũng tiết lộ muốn đẩy mạnh năng lực mới của các cơ quan an ninh quốc gia này.
BfV cho biết, sau khi xung đột bùng phát tại Dải Gaza, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhánh của tổ chức này, cũng như các lực lượng Hamas và Hezbollah, đã cố gắng thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan ở châu Âu thông qua mạng Internet.
Lo ngại trước những rủi ro cao, Phó chủ tịch BfV Sinan Selen nhấn mạnh, các cá nhân và nhóm nhỏ bị ảnh hưởng bởi những thông tin cực đoan lan truyền trên mạng và có thể được hỗ trợ thực hiện kế hoạch khủng bố.
Áo trước đó đã cung cấp thông tin về vụ tấn công nhằm vào buổi trình diễn âm nhạc của ca sĩ Taylor Swift. Lực lượng an ninh đã bắt giữ hai nghi phạm và thu giữ chất nổ cùng vũ khí liên quan.
Omar Haijawi-Pirchner, người đứng đầu Tổng cục An ninh Công cộng (DSN) cho biết, nghi phạm chính trong vụ việc là người Áo gốc Bắc Macedonia đã tuyên thệ trung thành với tổ chức khủng bố IS.
Những kẻ cực đoan Hồi giáo đã thực hiện một số vụ tấn công ở Đức trong thập kỷ qua. Vụ tấn công đẫm máu nhất cho đến nay xảy ra vào tháng 12-2016 tại một khu chợ Giáng sinh ở Berlin, khiến 12 người thiệt mạng.
https://hanoimoi.vn/duc-canh-bao-nguy-co-khung-bo-van-cao-674582.html