Vượt nhiều khó khăn trở ngại trong lần đầu thi đấu quốc tế, duathlon Việt Nam làm nên lịch sử với tấm HC đồng của Nguyễn Thị Phương Trinh.
Việt Nam thuộc nhóm đầu Đông Nam Á về điền kinh và đua xe đạp. Nhưng duathlon - hai môn phối hợp, gồm chạy 10 km, đạp xe 40 km và chạy 5 km - là môn hoàn toàn mới, và thể thao Việt Nam vẫn chưa có đội tuyển quốc gia tính đến giữa năm 2019. Chính vì thế, tấm HC đồng SEA Games mà Nguyễn Thị Phương Trinh đoạt được ở nội dung nữ tại Subic sáng 2/12 được ví như một kỳ tích, nằm ngoài dự kiến của ban huấn luyện trong lần đầu đội tuyển duathlon Việt Nam đem chuông đi đánh xứ người.
"Tôi hạnh phúc, chưa bao giờ hạnh phúc đến vậy", Phương Trinh cười tươi và khoe tấm HC đồng khi trả lời VnExpress sau lễ nhận huy chương tại Subic. "Ở nội dung nữ, các VĐV chủ nhà Philippines và Thái Lan rất mạnh. Bản thân tôi thì mới lần đầu thi đấu quốc tế ở nội dung này, nên tôi cũng xác định sẽ cố gắng hết sức trước khi vào cuộc. Tấm HC đồng này, vì thế, là kết quả ngọt ngào".
Phương Trinh mừng chiếc HC đồng cùng các thành viên đội tuyển duathlon Việt Nam tại Subic Bay sáng 2/12. Ảnh: Trang Phan. |
Thực tế trên đường đua sáng nay cho thấy Phương Trinh đã trải qua rất nhiều khó khăn. Trong 10km chạy đầu tiên, VĐV xuất thân từ môn xe đạp cố gắng bám nhóm đầu, nhưng dần rớt lại và chỉ kết thúc phần thi ở vị trí thứ sáu. Sang 40km đạp xe, Phương Trinh tận dụng triệt để sở trường để vươn lên top ba. Cô cùng VĐV Thái Lan Sonsem Pareeya thay nhau bám đuổi người dẫn đầu - VĐV chủ nhà Monica Torres, và kết thúc phần thi ở vị trí thứ hai trong 11 VĐV tranh tài.
Tuy nhiên, trong 5km chạy bộ cuối cùng, Sonsem đã vượt lên thứ nhì. Chung cuộc, Monica Torres - người được truyền thông Philippines mệnh danh là "Bà hoàng Duathlon" - đoạt HC vàng với kết quả 2 giờ 8 phút 44 giây, nhanh hơn Sonsem nhận HC bạc với thành tích 2 giờ 11 phút 18 giây, còn HC đồng thuộc về Phương Trinh, với thông số 2 giờ 14 phút 20 giây.
"SEA Games là sân chơi của các VĐV chuyên nghiệp. Đội tuyển duathlon chúng tôi thì mới được thành lập và chỉ tập trung tập luyện từ gần 5 tháng qua. Nên trước khi lên đường dự đại hội lần này, đội tuyển chỉ xác định đây là dịp để học hỏi, cọ xát và tích lũy kinh nghiệm. Tất nhiên, chúng tôi cũng có tính toán và đặt mục tiêu vào top 5 hoặc top 6 cho Phương Trinh. Vì thế, tấm HC đồng là kết quả ngoài mong đợi", người quản lý của đội tuyển duathlon Phạm Minh Quang chia sẻ với VnExpress.
Phương Trinh trong phần thi chạy 5km cuối nội dung duathlon cá nhân nữ tại Subic Bay sáng 2/12. Ảnh: Minh Quang. |
Việt Nam chưa có điều kiện lý tưởng để phát triển triathlon (ba môn phối hợp - bơi đạp chạy) và duathlon. Bản thân ban huấn luyện đội tuyển, khi xây dựng lực lượng cho SEA Games, gặp rất nhiều khó khăn vì nguồn VĐV quá hiếm. VĐV xuất sắc ở từng môn - bơi, đạp, chạy - thì nhiều, nhưng ít người đáp ứng được yêu cầu toàn diện ở cả bộ môn này, và đều bỡ ngỡ khi làm quen môn mới. Lựa chọn duy nhất cho ban huấn luyện là thuyết phục, mời các VĐV chuyên nghiệp ở các môn bơi, như kình ngư Lâm Quang Nhật, hay xe đạp như Nguyễn Thị Phương Trinh, hoặc bán chuyên ở môn chạy như Cao Ngọc Hà, Nguyễn Tiến Hùng ... tham gia đội tuyển, và lên giáo án tập luyện phù hợp để bồi dưỡng cho các tuyển thủ.
Chiếc HC đồng SEA Games 30, vì thế, trở thành cột mốc lịch sử của bộ môn triathlon, duathlon. "Kết quả của Phương Trinh có thể sẽ tạo cảm hứng để nhiều người hơn nữa đến với duathlon, triathlon. Có như vậy, phong trào mới lớn mạnh, giúp cải thiện nguồn VĐV, cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp. Phong trào lớn mạnh cũng giúp thu thút VĐV tốt ở các môn thể thao khác đến với duathlon, triathlon, giúp họ kéo dài tuổi thọ thi đấu đỉnh cao" ông Minh Quang nhận định.
Vị quản lý đội duathlon cũng mong đợi sự quan tâm nhiều hơn từ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp với duathlon, triathlon. Ông nhấn mạnh: "Để chuẩn bị cho SEA Games 30, bên cạnh vài khoản tài trợ nhỏ từ một số doanh nghiệp, các anh em trong đội đều tự túc về kinh phí với phương châm chơi vì đam mê. Chúng tôi tự bỏ tiền mua trang thiết bị tập luyện, và thuê một HLV chuyên nghiệp người Singapore. Nhưng về lâu dài, để phong trào phát triển sâu và rộng, bộ môn cần sự quan tâm đầu tư lớn hơn xã hội và cơ quan quản lý cấp nhà nước".
Nhật Tảo