Trong khi dứa Việt nhiều nơi bỏ thối thì hàng ngoại nhập có giá gấp vài chục lần vẫn đắt khách.
Tại Việt Nam, dứa (thơm) đang vào mùa nên được bán khắp các chợ, lề đường với giá chỉ 7.000 - 10.000 đồng một trái. Còn tại vườn, giá dứa thu mua chỉ 1.000 - 3.000 đồng một kg, thậm chí tại Thanh Hóa đang vào mùa thu hoạch chỉ 2.000 đồng một kg mà không có người mua, khiến nhiều nơi nông dân phải nhổ hoặc bỏ thối.
Điển hình như ở nông trường Thống Nhất và huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) có tới hơn 800 ha trồng dứa đến kỳ thu hoạch nhưng người dân mới thu được một phần, còn nhiều hộ cũng không mặn mà do giá thu mua thấp chỉ 1.000 - 1.500 đồng một kg.
|
|
Dứa Đài Loan đang được bán tại Việt Nam với giá đắt đỏ. |
Trong khi dứa Việt có giá “rẻ như cho” thì hàng ngoại nhập vào Việt Nam lại được nhiều người dùng đón nhận và mua với giá cao gấp vài chục lần hàng Việt.
Chị Loan, chủ cửa hàng trái cây nhập khẩu ở đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết, chị bán dứa xuất xứ Đài Loan được hơn một năm nay, giá đắt đỏ gấp nhiều lần hàng Việt vì được quảng cáo là đảm bảo chất lượng và không lo thuốc hóa học. Loại này có lớp vỏ xù xì, khô cứng và có nhiều mắt, phần ruột quả có màu vàng, vị ngọt hơi chua, mùi thơm thanh mát, xốp và nhiều nước.
“Dứa Đài Loan được xuất khẩu đi các nước như Mỹ, Australia, Canada nên nhà giàu Việt khá tin tưởng và chọn mua. Mỗi tuần tôi về 2 chuyến, mỗi chuyến 200 trái nhưng vẫn không đủ để trả cho khách. Có những khách đặt một lượt 10 quả”, chị Loan nói và cho biết, một kg dứa Đài Loan loại 1 chị bán với giá 190.000 đồng một kg.
Cũng chuyên bán dứa nhập khẩu, chủ cửa hàng trái cây tại Hà Nội cho biết, mỗi kg chị bán với giá 150.000 đồng. Nếu dứa Việt chỉ nặng khoảng 600 gram đến 1,2 kg thì loại này nặng tới 2,5 kg. Mỗi lô hàng chị về khoảng 100 trái vì không có sẵn, lại phải mất nhiều chi phí vận chuyển nên giá cao, nhưng đều được khách đặt hết.
Trao đổi với VnExpress về tình hình trên, Tiến sĩ Võ Mai, nguyên Chủ tịch Hiệp hội trái cây Việt Nam cho rằng, tâm lý sinh ngoại của người Việt khiến cho nhiều sản phẩm ngoại dù có giá “trên trời” vẫn được săn đón. Theo bà, trên thực tế, dứa Việt và Đài Loan chỉ khác nhau về kích cỡ, còn về thành phần dinh dưỡng không khác nhau nhiều. Do đó, người dùng nên cẩn trọng với lời quảng cáo khi mua sản phẩm.
Riêng với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, bà Mai cho rằng, những sản phẩm nhập khẩu, người mua cũng sẽ khó kiểm định được đó là sản phẩm an toàn, trừ khi đơn vị nhập khẩu có giấy tờ hợp lệ và được cơ quan quản lý giám sát.
Với hàng Việt, sở dĩ có giá quá rẻ vì người dân trồng ồ ạt. Trong khi đó, cơ quan quản lý tại Việt Nam chưa xây dựng được kế hoạch đầu ra và đầu vào phù hợp để định hướng người dân nên tình trạng “được mùa mất giá” diễn ra thường xuyên.
Để giúp người dân thoát khỏi tình trạng này, cơ quan quản lý cần giám sát và khảo sát nhu cầu thị trường; đưa ra kế hoạch định hướng cho người trồng sát với thực tế. Song song đó, các doanh nghiệp cần vào cuộc để phát triển công nghệ sau thu hoạch, đặc biệt khâu chế biến cần được đẩy mạnh để tạo đầu ra cho nông dân.
"Trên thế giới, các nước như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ không phải gặp tình trạng này vì họ phát triển mạnh ngành chế biến. Đây cũng là một trong nhóm ngành mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với bán trái cây tươi", bà Mai nói.
Hồng Châu
Cục Bảo vệ thực vật "ngã ngửa" trước thông tin mới về hoa quả xuất khẩu sang Trung Quốc
Theo thông báo của Bộ Công thương, từ ngày 1.4.2018, hoa quả Việt Nam xuất khẩu (XK) sang thị trường Trung Quốc qua các cửa ... |
Ăn chảnh hàng ngoại: Tranh mua táo héo, nho rụng, dưa sứt vỏ
Táo héo Hàn Quốc, nho sữa lìa cành, nho héo cuống, dưa Hàn sứt vỏ… Dù cái tên đã nói lên chất lượng, song những ... |
Nông dân ế ẩm, nhà giàu chi 15.000 tỷ ăn hàng ngoại
Chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm, người Việt đã chi khoảng 15.000 tỷ đồng nhập khẩu hoa quả. Nhiều loại có giá rẻ hơn ... |