Cần coi nhân dân là một kênh thông tin nhằm đối trọng lại với những thông tin từ phía cơ quan quản lý là cơ chế rất quan trọng.
Bà Lê Thị Thu Ba - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương Đảng cho rằng, Dự thảo quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành Trung ương vừa được đưa ra xem xét là rất cần thiết, phù hợp với nguyện vọng, mong muốn của dư luận, xã hội.
Cán bộ cấp cao mắc sai phạm phải tự giác xin từ chức. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Thu Ba cùng với việc đưa ra các quy định nêu gương thì còn phải gắn với trách nhiệm cụ thể của từng người, từng vị trí rất cụ thể. Muốn xác định được trách nhiệm thì Dự thảo cũng phải chỉ rõ các biểu hiện cụ thể của từng hành vi sai phạm.
Bà lấy ví dụ, cần quy định cán bộ cấp cao phải chống các hành vi tiêu cực, nói không đi đôi với làm, các biểu hiện tham nhũng, tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền; “lợi ích nhóm”; tham nhũng, hối lộ; chạy chức, chạy quyền; thông đồng, thoả hiệp, tạo cơ chế “xin-cho”, “duyệt cấp”; chống can thiệp không đúng thẩm quyền vào công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...
Đặc biệt là các hành vi lợi dụng doanh nghiệp, liên kết lập sân sau, lợi ích nhóm, sử dụng tiền, tài sản của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm giàu bất chính, vụ lợi như mua đất, xây nhà, cho người dân du học, đi công tác, du lịch nước ngoài, chơi golf, tiêu dùng xa xỉ... thì cần đặt câu hỏi: đây là biểu hiện của hành vi sai phạm nào? Và được quy định xử lý ra sao?
"Thời gian qua, có rất nhiều biểu hiện sai phạm của cán bộ đã được nhận diện, tuy nhiên, ở mỗi sai phạm lại có một biểu hiện khác nhau, các biểu hiện là "muôn hình vạn trạng", vì thế, đưa ra quy định chung nhưng vẫn phải bảo đảm phù hợp với thực tế, phải áp dụng được trong mọi tình huống.
Ví dụ như các biểu hiện nói trên có thể thấy đó chính là biểu hiện của hiện tượng tham chức, tham quyền. Như vậy, muốn xử lý trách nhiệm với người tham chức, tham quyền thì phải cụ thể thêm một bước nữa đó là sau khi chỉ rõ ra các biểu hiện của hiện tượng trên thì phải quy định cụ thể hình thức xử lý với từng hành vi đó ra sao?
Hay một hiện tượng khác cũng bị xã hội lên án mạnh mẽ, đó là Tư duy nhiệm kỳ.
Đối với hiện tượng này các biểu hiện được thể hiện khá rõ và dễ nhận diện hơn như: đề bạt bổ nhiệm, thăng chức, thăng quyền, tranh thủ nhiệm kỳ công tác của mình để xoay xở, trục lợi, ký mua đất, xây nhà, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tranh thủ vơ vét lúc đương chức, người sau lên phủ định sạch trơn những đề xuất của người trước...
Vậy với những biểu hiện vừa gây lãng phí vừa gây tổn hại về người và tài sản cho xã hội, cho đất nước được nhận diện rõ ràng như vậy thì trong từng trường hợp này sẽ phải xử lý thế nào?.
Cụ thể hóa hành vi, cụ thể hóa quy định sẽ giúp việc quy trách nhiệm dễ dàng hơn, tránh tình trạng lắt léo, mượn gió bẻ măng, trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Không thể quy trách nhiệm với những quy định chung chung, mang nặng thủ tục hành chính được. Việc này phải được quy định ngay tại các văn bản chỉ đạo của Trung ương chứ không phải từ bất kỳ một văn bản nào khác", bà Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh.
Tiếp tục đặt vấn đề với những hành vi cán bộ lợi dụng doanh nghiệp để liên kết lập sân sau, lợi ích nhóm, làm giàu bất chính hoặc để bố, mẹ, vợ, con, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp, thao túng công việc, xin dự án, sống xa hoa, phô trương, ngạo mạn, coi thường pháp luật, sa vào các tệ nạn xã hội; đầu tư tài chính, mua bất động sản ở nước ngoài... đã được nhận diện trong cuộc phòng chống tham nhũng vừa qua thì cần phải làm rõ và phải xử lý như thế nào?
Theo bà Thu Ba, kết quả phát hiện và xử lý trong thời gian qua là đáng ghi nhận song vẫn còn rất hạn chế.
Có một số trường hợp gửi tiền và sở hữu tài sản ở nước ngoài nhưng lại không đứng tên khiến cho công tác xử lý, thu hồi tài sản gặp rất nhiều khó khăn.
Đây là lý do bà mong muốn Dự thảo lần này sẽ tiếp cận vấn đề một cách cụ thể hơn nữa để công tác xử lý đạt được kết quả cao hơn.
Bà Thu Ba cho rằng, quy định về trách nhiệm nêu gương cán bộ cấp cao thực tế đã có từ trước tuy nhiên, chế tài xử lý lại không đủ mạnh, không đủ nghiêm, không cụ thể khiến một số trường hợp có sai phạm nhưng không biết xử lý theo quy định nào?
"Nhiều trường hợp, cán bộ, lãnh đạo ký hợp đồng cho nước ngoài đầu tư, thuê đất trong nước, sau khi để xảy ra sai phạm thì lại ra nước ngoài định cư và sinh sống.
Dư luận đặt câu hỏi, cán bộ, lãnh đạo tham nhũng, trục lợi ở trong nước giờ lại ra nước ngoài định cư, hưởng thụ cuộc sống xa hoa như vậy thì tiền ở đâu? Có làm rõ được không?
Không làm rõ được việc này dân người ta rất bức xúc lắm, vì tiền, tài sản anh có, cuộc sống xa hoa anh có là từ đào bán, đánh đổi tài nguyên của đất nước mà có chứ không phải anh kiếm được bằng mồ hôi nước mắt của mình. Như vậy là rất phi lý, rất bức xúc", bà Ba nói rõ.
Dự thảo nêu gương cán bộ: \'Đạn đã lên nòng...\'
Dự thảo sẽ giúp các hành vi vi phạm phải e dè, dè chừng hơn, các cơ quan quản lý cũng giám sát tốt hơn. |
Dự thảo giáo viên đánh học sinh bị phạt 30 triệu đồng: Đẩy giáo viên vào nỗi sợ hãi mới
Thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục sẽ đẩy các thầy ... |