Biểu tình đẩy đặc khu hành chính Hong Kong vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất về du lịch và dịch vụ kể từ dịch SARS năm 2003.
"Khách du lịch giảm gần 40% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái", Trưởng phụ trách Tài chính Hong Kong Paul Chan Mo-po nhận định trên blog cá nhân hôm 8/9. Trong khi hồi tháng 7, mức sụt giảm này ở mức 5%.
Du lịch vốn là một trong bốn trụ cột của nền kinh tế Hong Kong, trung tâm tài chính hàng đầu châu Á. Lượng khách du lịch sụt giảm kỷ lục kéo theo "hiệu ứng domino" với các ngành kinh doanh khách sạn và các dịch vụ bán lẻ khác.
"Chúng tôi phải chịu một đòn giáng lớn từ các cuộc biểu tình", Wong Ka-ngai, Chủ tịch Liên đoàn Hướng dẫn viên du lịch Hong Kong, đại diện cho khoảng 3.200 trong 6.000 hướng dẫn viên du lịch toàn thành phố, cho hay.
Wong ước tính chỉ 1/10 số hướng dẫn viên trong liên đoàn do ông đại diện có thể tạo ra lợi nhuận trong tháng này. Hướng dẫn viên du lịch Hong Kong có thể kiếm trung bình 3.800 USD/tháng vào mùa cao điểm như tháng 7 và tháng 8 của những năm trước, theo ông Wong. "Điều đáng lo ngại nhất là chúng tôi không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sự phục hồi. Tháng 9 sẽ lại là một tháng chán nản", Wong dự đoán.
Đường Canton bên ngoài trung tâm thương mại Harbour, trung tâm Hong Kong hôm 8/9. Ảnh: SCMP. |
Trong khi, các khách sạn ở Hong Kong cũng vật lộn để duy trì hoạt động dù đã tung ra loạt chính sách giảm giá mạnh. "Tỷ lệ phòng có khách trên toàn thành phố đã giảm từ mức hơn 90% xuống còn dưới 50%", Yiu Si-wing, nghị sĩ đại diện cho ngành du lịch và dịch vụ của đặc khu cho hay. "Vấn đề lớn nhất không phải là giá cả hay hoạt động tiếp thị, mà ở chỗ mọi người đã mất niềm tin khi đi du lịch tới Hong Kong", Yiu nói.
Yiu ước tính giá phòng ở Hong Kong đã giảm 40% so với các mùa du lịch thông thường. Một phòng tại khách sạn ở Ibis ở phố Sheung Wan tuần này được niêm yết giá từ 550 đô la Hong Kong (63 USD) trên các trang web đặt phòng trực tuyến. Trong khi trước đây, một phòng tương đương như vậy thường có giá ít nhất 1.000 đô la Hong Kong (128 USD).
Du khách những tuần gần đây cũng phản ánh về tình trạng vắng vẻ tại các điểm du lịch nổi tiếng của thành phố như Disneyland, một trong những công viên giải trí đắt nhất châu Á theo giá vé hay đại công viên nước Ocean Park. Phát ngôn viên của Disneyland từ chối cung cấp các số liệu về lượng khách đến khu giải trí này trong những tháng gần đây, nói rằng công viên sẽ phát hành số liệu vào thời điểm thích hợp. Ocean Park cũng không đưa ra bình luận.
Các khu ẩm thực hay nhà hàng Hong Kong phải chịu áp lực khi lượng khách sụt giảm đáng kể. Một số cửa hàng thực phẩm nhỏ lẻ thậm chí phải đóng cửa. Nhà hàng Greenland Scicy Crab nằm ở phố Tsim Sha Tsui, nổi tiếng với các món hải sản Hong Kong buộc phải tung ra các chiêu khuyến mãi, giảm giá cho khoảng 30 món trong tháng 9.
Khung cảnh tại các khu mua sắm không khả quan hơn. Nhân viên bán hàng giấu tên tại trung tâm thương mại Sogo ở Causeway Bay, một trong những khu mua sắm sầm uất bậc nhất Hong Kong cho hay, cô không bán được bất kỳ sản phẩm nào trong ngày 9/9. Khu mua sắm này là nơi xảy ra đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát hôm 8/9, khiến cảnh sát phải dùng đạn hơi cay để trấn áp.
Cảnh sát bắn đạn hơi cay để trấn áp người biểu tình ở Causeway Bay tối 8/9. Ảnh: SCMP. |
Trưa 9/9, tầng hai của Sogo chỉ có một số ít người mua sắm, hầu hết các cửa hàng đều vắng vẻ. "Thông thường, một ngày chúng tôi thường bán được một hoặc hai sản phẩm, nhưng vài tháng qua, rất vắng vẻ", nhân viên giấu tên trên cho hay.
Shelly Huang, một sinh viên đại học đến từ Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến đang mua sắm ở Sogo. Cô đến Hong Kong bằng đường sắt cao tốc vì có một cuộc hẹn quan trọng và tiện mua sắm. "Tôi sẽ không đến Hong Kong nếu không có lịch hẹn trước", Huang nói.
Harbour City, một trung tâm thương mại khác ở Tsim Sha Tsui thường đông kín khách du lịch đại lục, cũng vắng vẻ trong ngày 9/9. Nhân viên bán hàng tại một quầy trang sức cho biết lượng khách giảm đáng kể trong những tháng gần đây. Đường Canton bên ngoài trung tâm thương mại này cũng yên tĩnh hơn nhiều so với thời gian trước. Lưu thông trên đường hầu hết là nhân viên văn phòng hoặc các gia đình đang sống tại địa phương.
Các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi ở Hong Kong đã bước sang tuần thứ 14 và không có dấu hiệu dừng lại. Cuối tuần qua, những người biểu tình đã khiến sân bay quốc tế Hong Kong, một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới phải đóng cửa trong hai ngày liên tiếp. Người biểu tình đốt lửa trên nhiều tuyến đường khắp thành phố và phá hủy hàng chục nhà ga.
Mai Lâm (Theo SCMP)
Mỹ cảnh báo công dân thận trọng khi du lịch Hong Kong
Tổng lãnh sự quán Mỹ ngày 7/8 tăng mức cảnh báo với tình hình Hong Kong, cho rằng đặc khu này đang trải qua thời ... |
9 trải nghiệm ở Hong Kong cho du khách không thích mua sắm
Đi du thuyền ở cảng Victoria, lên đỉnh The Peak ngắm cảnh thành phố, thăm các hòn đảo xa... là những trải nghiệm đáng nhớ ... |
10 điểm đến hấp dẫn nhất Hong Kong
Hong Kong luôn vững vị trí là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới bởi vẻ đẹp hiện đại và xa hoa. ... |