Với lo lắng mất du khách vì sự tàn nhẫn với động vật và nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Indonesia có kế hoạch ra quy định cấm thịt chó.
Chó bị trói trong bao tải trước khi đem đi mổ tại Bantul, Indonesia, tháng 5/2011. Ảnh: Reuters. |
Fien Harini vẫn nhớ con chó cưng Ireng biến mất và không bao giờ trở về nhà. "Tôi đã khóc trong nhiều ngày", cư dân ở Solo, miền trung đảo Java này nói, theo Bangkok Post.
"Tại Solo, nếu một con chó cưng không trở về, bạn có thể chắc chắn rằng nó đã bị trộm để đưa vào lò mổ".
Tại Jakarta, thịt chó được phục vụ trong các cửa hàng bán đồ đặc sản. Thực khách có thể nhận biết món nào có thịt chó nếu họ thấy có mã B1 ở thực đơn.
Khoảng 7% trong số 260 triệu người Indonesia ăn thịt chó, theo ước tính của Dog Meat Free Indonesia (DMFI), tổ chức chuyên điều tra việc buôn bán trái phép chó. Họ đang vận động để chấm dứt việc kinh doanh loại thịt này, thúc đẩy phúc lợi động vật và phòng ngừa các bệnh liên quan đến động vật.
Nỗ lực của họ dường như đang có kết quả. Indonesia cho biết họ có kế hoạch ban hành quy định cấm kinh doanh thịt chó, mèo. Một diễn đàn về phúc lợi động vật được tổ chức tại Jakarta tháng trước đã nhất trí rằng thịt chó không phải sản phẩm để con người tiêu thụ và việc kinh doanh nên bị cấm.
Syamsul Ma\'arif, quan chức tại Bộ Nông nghiệp Indonesia, cho biết sẽ mất nhiều thời gian để hoàn thành quy định nhưng ông mong rằng bộ sẽ ban hành trong năm nay.
Các đại diện DMFI tham dự diễn đàn cho biết họ đã thực hiện một cuộc điều tra toàn quốc và nhận thấy chó bị đối xử rất tàn nhẫn. Ma\'arif nói tại diễn đàn rằng việc hành hạ động vật và nguy cơ bùng phát dịch bệnh có thể khiến Indonesia mất đi du khách nước ngoài, những người quan tâm đến quyền động vật.
Kế hoạch này của chính phủ đã được nhiều tổ chức đấu tranh vì quyền động vật ca ngợi. Người đồng sáng lập JAAN, tổ chức hỗ trợ động vật ở Jakarta, Karin Franken, nhấn mạnh rằng việc buôn thịt chó ảnh hưởng đến cam kết của chính phủ là loại bỏ các bệnh gây tử vong như bệnh dại vào năm 2020.
Trong khi Jakarta được xác định là không còn bệnh dại, bệnh này vẫn còn ở 25 trong số 34 tỉnh của Indonesia. Tuy nhiên, Franken cho biết vẫn tồn tại nguồn cung cấp ổn định thịt chó đến các nhà hàng trong thủ đô. Bên cung cấp bắt chó hoang hay trộm chó tại các thị trấn lân cận. Việc giết mổ, chế biến và vứt bỏ phần thừa tại các nhà hàng không được kiểm tra.
"Bên cung cấp có thể mang 30 - 40 con chó trong mỗi chuyến đến Jakarta. Thành phố có nguy cơ bùng phát bệnh dại", bà nói.
Người tiêu dùng thịt chó Kristian Purnomo phản đối quy định sắp tới của Indonesia, nói rằng món thịt chó là một truyền thống lâu đời và là một phần của nền văn hóa Indonesia đa dạng nên không thể bị xóa bỏ.
"Chúng ta chỉ cần kín đáo hơn. Tôi hiểu rằng mọi người phản đối ăn thịt chó vì chúng là những con vật dễ thương, quấn người. Bản thân tôi cũng yêu chó và có một con chó cưng", ông nói.
Tuy nhiên, Purnomo coi thịt chó cũng giống như thịt gà hoặc gia súc. "Hãy cứ coi nó là một truyền thống địa phương", ông bình luận.
Trong khi đó, Wiwiek Bagja, cựu chủ tịch Hiệp hội Thú y Indonesia, nói rằng chính phủ nên nhấn mạnh với các chính quyền khu vực rằng họ có nghĩa vụ thực thi pháp luật quốc gia về phúc lợi động vật.
Theo bà, chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ việc chuyển chó giữa các khu vực với nhau để ngăn bùng phát dịch bệnh. "Việc vận chuyển chó không qua kiểm soát đã được chứng minh là đem mầm mống bệnh đến các vùng vốn không có bệnh dại".
"Có nguy cơ lớn hơn nhiều so với những tác dụng người ta thường tin về việc ăn thịt chó. Chúng ta không thể để lợi ích của một bộ phận xã hội ảnh hưởng đến cả đất nước", bà nhấn mạnh.
Những nguy hiểm rình rập sức khỏe khi ăn thịt chó
Thịt chó là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, với những nguy hại chúng mang lại cho sức khỏe bạn nên cân ... |
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm ăn thịt chó, mèo
Các nghị sĩ Mỹ nhất trí với dự luật cấm giết mổ và tiêu thụ thịt chó, mèo, đồng thời kêu gọi các nước khác ... |