- Những tín hiệu leo thang nguy hiểm từ xung đột Nga - Ukraine
- 1.000 ngày chiến sự Nga-Ukraine: Bước ngoặt hay thách thức?
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc vào cuối năm 2025 hoặc giữa năm 2026, với một kịch bản tiêu cực cho Ukraine, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bất ngờ đề cập đến việc sẽ sớm trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc xung đột này.
So với kịch bản cơ sở trước đó dự kiến xung đột sẽ kết thúc vào cuối năm 2025, kịch bản mới của IMF đề cập đến cuộc xung đột kéo dài và khốc liệt hơn, kèm theo những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Ukraine, theo trang tin tức RBC-Ukraine. Các chuyên gia IMF dự báo những cú sốc kinh tế sẽ bắt đầu từ quý I/2025, tác động mạnh mẽ đến tâm lý doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, chi tiêu quốc phòng gia tăng cùng với sự suy yếu của hoạt động kinh tế sẽ khiến thâm hụt ngân sách Ukraine tiếp tục tăng trong giai đoạn 2025-2026.
Dự báo cũng chỉ ra quá trình phục hồi sau đó sẽ diễn ra chậm chạp hơn nhiều so với kịch bản cơ sở. Nguyên nhân chính là do thiệt hại lớn đối với tài sản cố định, suy giảm động lực lao động và tình trạng suy yếu của bảng cân đối kế toán. Điều này khiến sản lượng kinh tế Ukraine duy trì ở mức thấp hơn thời kỳ tiền chiến trong thời gian dài. Song để có cái nhìn đối chiếu, IMF cũng đã cập nhật kịch bản cơ sở, trong đó dự báo cuộc chiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2025, với triển vọng tích cực hơn khi nền kinh tế Ukraine có thể đạt mức tăng trưởng 5,3% vào năm 2026.
Những dự báo của IMF được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng cảnh báo sẽ trả đũa cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái của Ukraine nhằm vào một tòa nhà chung cư cao tầng ở thành phố Kazan, miền Trung nước Nga một ngày trước đó. Phát biểu hôm 22/12 (giờ địa phương), nhà lãnh đạo Nga Putin nói: "Dù là ai và dù đang cố gắng phá hủy Nga nhiều đến đâu nữa, họ cũng sẽ phải đối mặt với sự hủy diệt lớn hơn gấp nhiều lần và sẽ phải hối hận về những gì họ đang cố gắng làm ở đất nước chúng ta”. Đáng chú ý, những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Putin xuất hiện vào thời điểm Nga cũng xác nhận đạt thêm bước tiến mới trên chiến trường miền Đông Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga hôm 22/12 thông báo quân đội nước này đã chiếm được 2 ngôi làng ở Ukraine, gồm làng Lozova thuộc tỉnh Kharkov và làng Sontsivka thuộc tỉnh Donetsk. Như vậy, Nga đã đạt được những bước tiến vững chắc trên khắp tỉnh Donetsk và đang tiến vào thị trấn Pokrovsk, một trung tâm hậu cần và có một mỏ than cốc quan trọng, đồng thời dường như đang có ý định tiến gần đến thị trấn Kurakhove, xa hơn về phía Nam. Trong 2 tháng qua, quân đội Nga duy trì đà tiến quân ở miền Đông Ukraine với tốc độ nhanh nhất kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022. Cũng trong ngày 22/12, chia sẻ trên Telegram, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine thừa nhận quân đội Ukraine đang phải đối mặt với tình hình căng thẳng trên toàn bộ tiền tuyến. Theo tuyên bố từ Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, khu vực Sontsivka đã hứng chịu tới 26 cuộc tấn công của Nga trong 24 giờ qua.
Trong một diễn biến có liên quan, Sputnik đưa tin, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố sẽ chờ đến cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine. Ông Trump đưa ra tuyên bố này trong bài phát biểu tại một hội nghị ở bang Arizona, theo đó nhấn mạnh: "Tổng thống Putin đã bày tỏ mong muốn gặp tôi càng sớm càng tốt. Vì vậy chúng ta cần phải chờ đợi cuộc gặp này, nhưng chúng ta phải chấm dứt cuộc chiến". Trên thực tế, ông Trump đã nhiều lần khẳng định ông có thể giải quyết xung đột ở Ukraine trong vòng "24 giờ" sau khi nhậm chức bằng cách thực hiện chiến lược mà ông gọi là "hòa bình thông qua sức mạnh". Trong một cuộc phỏng vấn với Paris Match, ông Trump gọi việc giải quyết tình hình ở Ukraine là ưu tiên của Mỹ, lưu ý rằng điều đó sẽ khó khăn hơn việc giải quyết tình hình ở Trung Đông. Trong tháng này, ông Trump cũng đã gặp ông Tổng thống Ukraine Zelensky tại Paris cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để tập trung đàm phán giải quyết khủng hoảng Ukraine.
Trong diễn biến mới nhất, trả lời phỏng vấn hãng tin TASS liệu Tổng thống Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ có thể gặp mặt trực tiếp trước khi ông Donald Trump nhậm chức hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Hiện chưa có động lực thực sự cho điều này". Trước đó, ông Peskov khẳng định, Nga chưa có bất cứ liên lạc nào với nhóm của ông Trump về giải quyết xung đột Ukraine. Tuy nhiên, trong buổi họp báo thường niên cuối năm hôm 19/12, Tổng thống Putin đã bày tỏ sự sẵn sàng gặp gỡ với ông Trump, theo đó cho biết ông đã không nói chuyện với ông Trump trong hơn 4 năm qua, nhưng ông “sẵn sàng” thảo luận về cuộc chiến Ukraine với nhà lãnh đạo mới của Mỹ “bất cứ lúc nào” và nhấn mạnh “nếu có cuộc gặp với tổng thống mới đắc cử, tôi chắc chắn sẽ có nhiều điều để nói”. Hôm 22/12, trả lời phỏng vấn của báo giới về khả năng Nga và Mỹ bình thường hóa quan hệ, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh Moscow "chưa bao giờ từ bỏ mong muốn này". Những động thái mới của các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đã cho thấy thêm những dự cảm mới về cuộc xung đột tại Ukraine, với một triển vọng đàm phán có lẽ sẽ sớm xảy ra.
https://cand.com.vn/Quoc-te/du-cam-moi-ve-xung-dot-nga--ukraine-i754294/