Sáng 23-5, ông Nguyễn Đạt - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - cho biết tối 22-5, gia đình ông Võ Như Ái (thôn Quảng Lăng 2, phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng cho địa phương thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT607 giai đoạn 3.
Ngoài ra, gia đình ông Ái đã tháo dỡ công trình trên đất. Vì vậy, việc cưỡng chế tháo dỡ căn nhà cấp 4 của gia đình ông Ái đã không diễn ra như kế hoạch.
Trước đó, sáng 22-5, khi lực lượng chức năng đưa máy móc, phương tiện đến tháo dỡ nhà ông Ái, người nhà ông Ái và một số người dân phản ứng gay gắt. Hàng trăm người tập trung phía trước nhà ông Ái; trong nhà, nhiều phụ nữ cố thủ.
Theo ông Đạt, hộ ông Võ Như Ái có tổng diện tích đất 1.290 m2; trong đó, 646 m2 bị ảnh hưởng bởi dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT607, 76,6 m2 ảnh hưởng bởi dự án khu công viên cây xanh. Ông Ái nhận được tổng số tiền đền bù, hỗ trợ hơn 1,6 tỉ đồng và đã được xem xét mua 1 lô đất tái định cư có thu tiền sử dụng đất dù diện tích đất còn lại (567,4 m2) đủ làm nhà ở. Dù thế, ông Ái vẫn mong muốn được mua thêm 1 lô đất tái định cư nữa nhưng không được chấp thuận nên đã phản ứng.
Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT607 giai đoạn 3 do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai từ đầu năm 2014, các quyết định thu hồi đất được ban hành trước ngày 1-7-2014 (trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực) nên áp dụng mức đền bù thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2003. Tuy nhiên, do việc chi trả tiền đền bù chậm, kéo dài đến khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực nên một số hộ dân phản ứng.
Tỉnh Quảng Nam đã áp dụng hỗ trợ thêm 0,7 lần, cộng dồn mức cũ thì mức đền bù tăng gấp 1,7 lần. Nhiều người dân trong vùng dự án thống nhất nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng. Đoạn còn lại dài khoảng 150 m có 13 hộ đã nhận tiền nhưng cản trở thi công, riêng hộ ông Ái còn vật kiến trúc trên đất.
Về mức bồi thường không giống nhau giữa các hộ, ông Đạt giải thích toàn bộ diện tích đất thu hồi để làm đường ĐT607 đều áp dụng theo Luật Đất đai 2003. Chỉ một số hộ có đất bị thu hồi phục vụ hạng mục công viên cây xanh (cùng thuộc gói thầu số 3 đường ĐT607) mới áp dụng Luật Đất đai 2013. Cụ thể, hạng mục này do thiết kế chậm nên đến năm 2016, địa phương mới cắm mốc đo đạc thu hồi đất, thời điểm này theo quy định phải áp dụng Luật Đất đai năm 2013. Vì vậy, có một số hộ vừa rơi vào diện tích đất làm đường vừa có đất thực hiện vệt công viên cây xanh nên áp dụng 2 mức giá, trong đó có hộ ông Ái. "Mức giá đền bù chênh lệch nhau khá lớn, nếu áp dụng theo Luật Đất đai năm 2013 thì mỗi mét vuông đất được đền bù 3 triệu đồng, trong khi áp dụng Luật Đất đai năm 2003 thì mỗi mét vuông đất chỉ 702.000 đồng (sau khi bổ sung thêm 1,7 lần được gần 1,2 triệu đồng/m2 - PV).
Trước đó, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã kiểm tra, kết luận việc thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi đất bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của gói thầu số 3 về cơ bản bảo đảm theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc bố trí vốn cho công tác bồi thường của gói thầu chậm dẫn đến việc chi trả tiền bồi thường chậm. Thanh tra tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét kiểm điểm trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thị xã Điện Bàn... do không kịp thời đề xuất, tham mưu để tỉnh có kế hoạch bố trí đầy đủ vốn sau khi phương án đền bù được phê duyệt.
Yêu cầu chủ đầu tư nhà máy giấy 10.000 tỷ đền bù thiệt hại cho dân
Lãnh đạo Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư nhà máy Bột giấy VNT-19 khắc phục ruộng lúa bị bồi lấp, hỗ trợ thiệt hại ... |
Hà Tĩnh: Khởi tố 2 cán bộ thôn nhận tiền làm hồ sơ hưởng đền bù sự cố môi trường biển
Nhận tiền của các hộ dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển để làm hồ sơ kê khai hưởng chế độ bồi ... |
Trần Thường