- Sơn La muốn xây cầu vượt sông Đà qua lòng hồ thủy điện Hòa Bình, Bộ Giao thông nói khó
- Giải cứu xe bồn chở gas bị lật tại cầu vượt Hòa Cầm
Theo tiến độ, tháng 6/2022, dự án cầu vượt chữ C nút giao Chùa Bộc- Phạm Ngọc Thạch phải hoàn thành, đưa vào sử dụng để giảm ùn tắc giao thông, nhưng đến nay, dự án này vẫn dang dở, rào chắn gần hết mặt đường Phạm Ngọc Thạch gây ùn tắc giao thông giờ cao điểm, khiến người dân bức xúc.
Ì ạch thi công, liên tục lùi thời điểm hoàn thành
Dự án cầu vượt nút giao Chùa Bộc- Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, Hà Nội) có kết cấu thép lắp ghép, cầu vượt trực thông dạng chữ C với tổng mức đầu tư khoảng 147 tỷ đồng. Tổng chiều dài cầu hơn 320m. Dự án do liên danh nhà thầu là Công ty CP Tập đoàn Thành Long- Cienco1- Việt Hưng triển khai thi công. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Thành Long thi công phần dầm thép bên trên.
Cầu vượt nút giao Chùa Bộc- Phạm Ngọc Thạch được động thổ xây dựng vào ngày 11/11/2021. Theo tiến độ ban đầu, dự án sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong tháng 6/2022. Tuy nhiên, sau đó, dự án đã phải gia hạn thời điểm hoàn thành vào tháng 12/2022.
Đến nay, dù đã là đầu tháng 11/2022, ghi nhận tại hiện trường cho thấy, dự án vẫn dang dở, công trường gần như trong cảnh im lìm, trong khi đó, mặt đường Phạm Ngọc Thạch bị rào chắn, thu hẹp làm ùn tắc giao thông, gây bức xúc cho người dân.
Cầu vượt nút giao Phạm Ngọc Thạch-Chùa Bộc thi công ì ạch |
Ông Bùi Mạnh Cường, Trưởng phòng Quản lý dự án 1, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch sẽ tiếp tục phải lùi tiến độ (lần thứ ba) do nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo ông Cường, trong quá trình triển khai, do biến động của giá vật liệu xây dựng cũng như khó khăn trong xử lý công trình ngầm nổi phía đường Phạm Ngọc Thạch nên vào tháng 6/2022, đơn vị thi công cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 12/2022. Song, do dự án tiếp tục gặp khó khăn nên lại đề xuất điều chỉnh lùi thời điểm hoàn thành đến quý I/2023.
Rào chắn mặt đường Phạm Ngọc Thạch gây ùn tắc trong khung giờ cao điểm |
"Đến nay, phía đường Phạm Ngọc Thạch, nhà thầu đã cơ bản hoàn thành kết cấu phần ngầm từ tháng 10/2022. Phía đường Chùa Bộc đã khoan xong 14/14 cọc khoan nhồi và đang triển khai thi công mố trụ. Kết cấu dầm phần trên phía đường Phạm Ngọc Thạch đã có đủ điều kiện thi công từ tháng 10/2022, hiện đang làm thủ tục xin cấp phép vận chuyển dầm để triển khai thực hiện", ông Cường thông tin.
Việc thi công tại dự án thì gần như im lìm |
Nhà thầu không lường được việc vận chuyển dầm thép sẽ khó khăn?
Về nguyên nhân khiến dự án cầu vượt Phạm Ngọc Thạch ì ạch; nhiều lần phải gia hạn tiến độ, ông Cường cho biết, là do gặp khó khăn trong xử lý hệ thống công trình ngầm nổi trên phố Chùa Bộc khi thi công khoan nhồi.
Cùng với đó, công tác vận chuyển dầm thép cũng rất phức tạp. Theo đó, dầm thép được Công ty Long Thành sản xuất tại 3 xưởng (2 xưởng ở Hải Phòng và 1 xưởng ở Hưng Yên), quãng đường vận chuyển phải đi qua địa bàn nhiều tỉnh, thành phố nên gặp khó khăn trong phối hợp. Đặc biệt, do dầm thép thuộc diện hàng quá khổ, quá tải (mỗi phiến dầm dài 11m, rộng ngang 6,5m) nên không đi qua được trạm thu phí trên QL5. Do vậy, phải đàm phán với phía đơn vị đang quản lý, khai thác tuyến đường này và hiện nay vẫn chưa giải quyết được. Sở GTVT Hà Nội cũng chưa cấp Giấy phép vận chuyển hàng quá khổ.
Do vậy, tiến độ dự án cầu vượt nút giao Phạm Ngọc Thạch- Chùa Bộc một lần nữa phải lùi tiến độ hoàn thành tới quý 1-2023.
Trả lời về việc này, bà Trần Thị Thu Hiền – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thành Long lý giải, theo hợp đồng ký kết ban đầu, các dầm thép sẽ được Thành Long sản xuất tại nhà máy ở Hưng Yên nhưng do phải đáp ứng tiến độ nên công ty thuê thêm 2 xưởng sản xuất ở Hải Phòng dẫn tới gặp vướng mắc về việc vận chuyển dầm thép cũng như xin giấy phép từ Sở GTVT Hà Nội.
Dù không phải lần đầu tiên đơn vị đi xin cấp giấy phép chở hàng quá khổ, quá tải nhưng bà Hiền cũng thừa nhận, việc kích thước của dầm thép không qua được trạm thu phí trên QL5 là điều doanh nghiệp chưa lường tới!? Thêm vào đó, bà Hiền lý giải, Thành Long chỉ là đơn vị sản xuất dầm thép, không có đoàn xe chuyên chở nên phải đi thuê do vậy cũng mất thời gian và bị động.
Như vậy, có thể thấy, dự án cầu vượt chữ C nút giao Phạm Ngọc Thạch- Chùa Bộc thi công ì ạch, liên tiếp phải gia hạn tiến độ có phần do năng lực nhà thầu có vấn đề chứ không thể chỉ đổ lỗi do nguyên nhân khách quan mang lại.
Đây là vấn đề mà đại diện chủ đầu tư dự án nên xem xét lại ở các dự án tiếp theo trên địa bàn TP Hà Nội, tránh tình trạng dự án giảm ùn tắc giao thông nhưng lại chiếm dụng mặt đường năm này qua năm khác, góp phần là tác nhân tạo ùn tắc kéo dài gây bức xúc trong nhân dân...