Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2017-2020 với sự tham gia đấu thầu của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Để dự án có hiệu quả, theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì cần dứt khoát loại bỏ việc "đi đêm" để trúng thầu cũng như chặn đứng bàn tay lợi ích nhóm.
Cao tốc TPHCM - Dầu Giây từng bị dư luận nghi ngờ vì thiếu minh bạch trong số tiền thu phí. |
Lo ngại doanh nghiệp không đủ năng lực thắng thầu
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa công bố Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài hơn 650km đi qua 13 tỉnh, thành.
Dự án chia thành 11 đoạn, trong đó có 3 đoạn được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, 8 đoạn còn lại đầu tư theo hình thức công - tư (PPP). Tổng mức đầu tư của dự án gần 120.000 tỉ đồng, được thực hiện trong giai đoạn 2017-2020.
Với 8 đoạn đầu tư theo hình thức PPP, Bộ GTVT đang duyệt hồ sơ mời thầu quốc tế với 21 gói thầu/8 dự án. Dự kiến tháng 4 tới Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời thầu quốc tế, đến cuối năm 2019 sẽ công bố kết quả đấu thầu.
Theo Bộ GTVT, cao tốc Bắc - Nam là dự án giao thông đường bộ đầu tiên được đấu thầu quốc tế, được đấu thầu rộng rãi, minh bạch và không chỉ định thầu.
Hiện có nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm tới dự án tuyến cao tốc này. Trong đó, có Tập đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) đã làm việc với Bộ GTVT và đề xuất tham gia đầu tư theo hình thức PPP.
Chia sẻ với PV Báo Lao Động, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cho rằng, việc kêu gọi nhà đầu tư quốc tế từ các nước phát triển như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ,... để tham gia các dự án BOT giao thông tại Việt Nam là điều cần thiết.
"Các doanh nghiệp của những nước phát triển thường đặt chất lượng lên hàng đầu với giá thành cao và đòi hỏi sự công khai, minh mạch. Vì vậy, cần có cơ chế giám sát và phản biện khi thực hiện dự án, tránh trường hợp doanh nghiệp không đủ năng lực thì lại thắng thầu vì một lý do nào đó" - PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân nói.
Cần loại bỏ việc "đi đêm" và lợi ích nhóm
Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống-Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, dự án cao tốc Bắc - Nam được xem là tuyến giao thông có vai trò quan trọng số 1 tại Việt Nam. Vì vậy, cơ quan quản lý cần đặt ra tiêu chí cụ thể để loại nhà thầu năng lực yếu hoặc ngăn chặn chiêu trò của nhà thầu sau khi trúng thầu.
"Đội ngũ cán bộ thực thi dự án này cũng phải thật sự liêm khiết, công tâm và đặt lợi ích đất nước lên hàng đầu. Tránh làm việc theo kiểu đặt lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm lên trước thì coi như thất bại. Chúng ta dứt khoát loại bỏ việc nhà đầu tư "đi đêm" để được thắng thầu" - Ông Tống nói.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống chia sẻ thêm thông tin, đã có nhiều dự án giao thông mà nhà đầu tư thường đưa ra giá thấp để thắng thầu. Sau khi thắng thầu thì dùng mọi chiêu trò để được tăng vốn gấp nhiều lần so với số vốn ban đầu đưa ra.
"Thực tế có những nhà thầu sân sau hay nhà nhà thầu kém năng lực họ tìm cách chạy chọt để được trúng thầu. Sau khi thắng thầu thì thi công chậm tiến độ để được tăng vốn lên, trong khi đó chất lượng công trình lại đi xuống. Làm cao tốc Bắc - Nam thì chất lượng phải đặt lên hàng đầu vì đây là tuyến huyết mạch nhất nước" - ông Tống chia sẻ.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, GS.TS Nguyễn Trọng Hòa cho biết, thời gian qua nhiều dự án BOT giao thông thực hiện theo cơ chế chỉ định thầu và không loại trừ có bàn tay của lợi ích nhóm chen vào. Vì vậy, tuyến cao tốc Bắc - Nam nhất định phải loại bỏ vết xe đổ này.
Theo GS Hòa, việc chọn nhà đầu tư nước nào để làm cao tốc Bắc - Nam cần thận trọng. Tiêu chí quan trọng là phải đảm bảo chất lượng công trình, đúng tiến độ và không đội vốn.
“Chúng ta cần có một bộ máy quản lý đủ trình độ và năng lực quản lý. Đồng thời, bộ máy này phải liêm khiết và có cơ chế giám sát thật kỹ. Bất kỳ dự án giao thông nào mà có bàn tay của lợi ích nhóm, của tham nhũng thì đều thất bại và hậu quả để lại là rất nặng nề.
Cần xem tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là bài học đắt giá cho việc triển khai tuyến cao tốc Bắc - Nam để tránh lặp lại" - GS Hòa nói.
Cao tốc Bắc - Nam: Tránh rơi vào “bẫy” của tổng thầu
Phó Giám đốc Ban quản lý Thăng Long (Bộ GTVT) lưu ý: Làm cao tốc Bắc – Nam, nếu không có trình độ quản lý ... |
Tập đoàn Trung Quốc muốn đầu tư cao tốc Bắc-Nam: Tỉnh táo...
Nhà đầu tư đề xuất là quyền của họ và Việt Nam hoan nghênh tất cả các nhà đầu tư, tuy nhiên, quyết định như ... |