Dự án cao tốc Bắc - Nam: Do đâu tiến độ lại “chậm như rùa”?

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông mới đây.

Tại cuộc họp, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết, tính đến nay, lũy kế sản lượng thi công dự án đạt hơn 19.400 tỷ đồng, tương đương 34,3% giá trị hợp đồng. Tiến độ thực hiện các dự án thành phần cơ bản đáp ứng kế hoạch. Tuy nhiên, theo ông Thái, hiện vẫn có 3 dự án chậm tiến độ. Trong đó, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt sản lượng đạt 2,7% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5,95% so với kế hoạch ban đầu và 0,5% so với kế hoạch điều chỉnh do nhà thầu (đồng thời là nhà đầu tư) do chậm huy động nhân sự, máy móc, thiết bị thi công. Tình trạng tiến độ chưa đáp ứng kế hoạch cũng diễn ra tại hai dự án thành phần có kế hoạch cán đích trong năm nay.

Cụ thể, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết sản lượng đến nay đạt 32,2% giá trị các hợp đồng, chậm khoảng 13,3% giá trị hợp đồng do khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường và nhà thầu chưa tích cực thi công móng, mặt đường. Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây sản lượng hiện đạt hơn 38,5% giá trị các hợp đồng, chậm khoảng 1,4% giá trị hợp đồng do tốc độ thi công đắp đất, đá nền đường thực tế chưa đáp ứng kế hoạch.

Chia sẻ thêm, ông Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long cho biết, công tác đắp đất tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây hiện còn khoảng 914.000 m3. Trong tháng 3/2022, các nhà thầu đã huy động máy móc, thiết bị thi công 3 ca đắp được 298.000 m3 so với kế hoạch là 261.000 m3. Ban QLDA tiếp tục chỉ đạo nhà thầu tăng cường thiết bị, nâng sản lượng thi công đạt khoảng 350.000 m3/tháng, đảm bảo công tác đắp đất hoàn thành trước ngày 30/6/2022.

Dự án cao tốc Bắc - Nam: Do đâu tiến độ lại “chậm như rùa”? -0
Cần nâng cao công tác tuyên truyền để người dân không xây dựng trái phép trên đất thuộc phạm vi dự án cao tốc Bắc - Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể quan tâm đặc biệt đến 4 dự án thành phần phải hoàn thành trong năm 2022, gồm: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Về vấn đề mặt bằng, Bộ trưởng yêu cầu các Ban QLDA cung cấp video clip từng dự án cho các tỉnh, thành có tuyến đi qua để chính quyền địa phương quản lý, công bố rộng rãi trên phương tiện truyền thông, tuyên truyền người dân không xây dựng trái phép, trồng cây không đúng quy định trên đất thuộc phạm vi dự án.

Bộ trưởng  cũng yêu cầu, Giám đốc các Ban QLDA phải nắm bắt thực trạng, tính toán xem số thời gian ít ỏi còn lại phải xử lý thế nào với các gói thầu chậm. Bản chất của việc chậm là do đâu? Không phải cứ chậm là cắt chuyển khối lượng. Nếu nguyên nhân chậm do thiếu đất thì việc điều chuyển khối lượng, thay thế nhà thầu cũng không có ý nghĩa.

Công tác điều hành cũng phải xác định trọng tâm, trọng điểm. Khi quyết định tăng mũi thi công cũng phải giám sát, chỉ đạo quyết liệt, không để xảy ra tình trạng mũi thi công thì tăng nhưng tiến độ vẫn “chậm như rùa”

Cùng liên quan đến dự án cao tốc Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ  vừa có buổi làm việc với 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị về công tác bố trí bãi đổ thải và mỏ vật liệu xây dựng. Theo đó dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị gồm 3 dự án thành phần chia làm 3 đoạn: Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh và Vạn Ninh – Cam Lộ.

Theo tính toán, 3 dự án cao tốc qua Quảng Bình cần khoảng 7,3 triệu m3 đất đắp, 0,5 triệu m3 cát; 2,7 triệu đá xây; lượng đất đá dư thừa cần đổ thải khoảng 8,6 triệu m3. Còn đoạn qua Quảng Trị cần 3,6 triệu m3 đất, 1,7 triệu m3, 170.000m3 cát và dư thừa khoảng 1,8 triệu m3 đất đá thải. Đến nay, các địa phương đã cung cấp đầy đủ hồ sơ các vị trí, trữ lượng các mỏ đất đá, cát và vị trí có thể đổ thải cho tư vấn làm cơ sở cho công tác khảo sát. Tư vấn cũng đã hoàn thành công tác khảo sát hiện trường và đang tiến hành thí nghiệm để bước sang giai đoạn cuối cùng trước khi bàn giao hồ sơ.

Theo đánh giá của tư vấn TEDI, Quảng Bình là địa phương rất phong phú và dồi dào về vật liệu xây dựng. Các mỏ đang khai thác đều nằm dọc theo tuyến và có cự ly vận chuyển tương đối gần. Quan ngại nhất hiện là bãi đổ thải và việc tận dụng nguồn đất dư thừa.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết: Về mặt bằng, Bộ đã thống nhất với các địa phương chậm nhất đến 30/6 sẽ bàn giao hồ sơ giải phóng mặt bằng. Để đảm bảo tiến độ này, Bộ yêu cầu Ban QLDA 6, QLDA Hồ Chí Minh và tư vấn phải thay đổi tư duy theo hướng “giai đoạn mới, cách làm mới”.  Thứ trưởng cũng đề nghị các Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng 2 tỉnh tham mưu tỉnh ban hành quy trình cấp phép mỏ phù hợp với từng đối tượng khai thác mỏ. Đối với các đơn vị đang khai thác như thế nào, đơn vị đang xin quy hoạch ra sao, nhà thầu xin cấp mỏ thì được ưu tiên gì?

Đồng thời Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh: “Dự án này sẽ chỉ định thầu nên quá trình lập dự án càng chắc chắn bao nhiêu thì sau này càng dễ làm bấy nhiêu. Quan điểm của Bộ là không đủ hồ sơ dứt khoát không làm”. Dự kiến tháng 6 này, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ và tiến hành phê duyệt dự án, nhưng trước khi phê duyệt Bộ sẽ lấy ý kiến từng địa phương để thống nhất cách làm đối với cả 12 dự án giai đoạn 2. Thủ tướng đã yêu cầu dự án cao tốc giai đoạn 2 tuyệt đối không để tái diễn tình trạng ghim hàng, ép giá, nâng giá... Vì vậy các địa phương phải có quy trình, biện pháp để khi chủ mỏ cố tình ép giá thì có biện pháp xử lý, thậm chí thu hồi giấy phép.

https://cand.com.vn/Giao-thong/du-an-cao-toc-bac-nam-do-dau-tien-do-lai-cham-nhu-rua--i650329/

Đặng Nhật / cand.com.vn