Dự án bảo tàng 11.000 tỷ dở dang: Ai có lỗi?

 Phải xác định rõ tiền đầu tư vào phát triển giá trị về mặt tinh thần, văn hóa không bao giờ thu hồi lại được vốn.

Khâu thẩm định dự án ban đầu còn kém

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai dự án xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia đang dậm chân tại chỗ 10 năm nay do thiếu vốn, với tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng.

Trước sự việc trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 12/9, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM cho biết: "Số tiền 11.000 tỷ đồng là quá lớn trong thời điểm hiện nay với chúng ta, với số tiền này có thể làm được nhiều việc khác nhau.

Tất nhiên, không thể phủ nhận nhu cầu về kinh tế, văn hóa, xã hội cũng đều rất cần thiết, nhưng phải biết ưu tiên cho cái gì, trong bối cảnh nào. Xây dựng để bảo tồn truyền thống lịch sử cần thiết chứ, nhưng với tình cảnh hiện nay, nếu số lượng tiền quá lớn cũng nên xem xét lại.

Bởi phải xác định rõ ràng ngay từ ban đầu, tiền đầu tư vào phát triển giá trị về mặt tinh thần, văn hóa thì không bao giờ thu hồi lại được".

Mô hình dự án bảo tàng lịch sử quốc gia

Bên cạnh đó, theo ông Ngãi, không biết dự án trên bị cản trở, khó khăn ở điểm nào, mà 10 năm nay dậm chân tại chỗ, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư, nhưng có lẽ do số tiền lớn quá, nên nhà nước, Chính phủ phải cân nhắc.

Hoặc cũng có thể khi làm lại thiếu vốn hoặc chi phí đội lên không đáp ứng được, hoặc là đang triển khai thì phát hiện các dự án kinh tế đó nếu tiếp tục đầu tư vào thì sẽ lỗ, nên tiến thoái lưỡng nan; hoặc là lúc đầu làm tốt nhưng do sự diễn biến của thị trường, kinh tế xã hội đẩy dự án ban đầu hiệu quả thành không hiệu quả.

"Theo tôi, có hai nguyên nhân trên, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do khi triển khai dự án đầu tư nửa chừng, thấy dự án có vấn đề, nếu tiếp tục đầu tư nữa thì khi ra sản phẩm sẽ không hiệu quả.

Nói chung trong quá trình phát triển đất nước nào cũng cần đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng nếu thẩm định không kỹ lưỡng rất dễ dẫn đến tình trạng dự án không hiệu quả, ngân sách phải chịu gánh nặng, dân phải gánh chịu nhiều áp lực.

Cho nên, tôi hay nói, bài học đau đớn nhất của chúng ta là khi xây dựng bất kỳ một dự án nào cũng không tính toán, thẩm định kỹ lưỡng", ông Ngãi chỉ rõ thêm.

Phải hạn chế lợi ích nhóm

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, theo vị chuyên gia trên, đang có sự dàn trải trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đáng lẽ phải biết vốn mình có hạn thì đầu tư những dự án nào phát triển hiệu quả, nhanh thu hồi vốn, chứ không tràn lan.

Dự án nào thực sự hiệu quả thì đầu tư quyết liệt, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Chính phủ cần phải thận trọng, nghiên cứu kỹ từng dự án trước khi phê duyệt. Nhìn chung đầu tư cơ sở hạ tầng cần sàng lọc khách, dự án nào hiệu quả thì tập trung đầu tư, dự án nào không hiệu quả thì xác định phải có bài toán xử lý, thay đổi để phát huy nếu không tính bài toán khác.

"Điểm mấu chốt cần thay đổi là chỉ đạo quyết liệt, thực sự công khai, minh bạch, tôi cho rằng mọi vấn đề đều cần công khai minh bạch, dự án nào kém hiệu quả, thất thoát vốn, ứ đọng vốn, thì chúng ta phải xử lý rất kỹ lưỡng.

Những người chủ dự án bao giờ cũng muốn kéo dài, nên để tự xử lý không bao giờ xử lý được, lúc này vai trò nhà nước rất quan trọng. Phải xác định rõ cái gì làm được thì tiếp tục còn không thì giải quyết nhanh.

Ở đâu cũng vậy, các nơi phát triển thì đặc biệt họ đầu tư tính toán rất kỹ trước khi quyết định chi vốn, họ công khai, minh bạch, họ xác định hiệu quả thực sự mới đầu tư vào, chứ không có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, hiếm xảy ra.

Chúng ta làm cái gì cũng đúng quy trình, nhưng có thực sự khách quan hay không, lợi ích nhóm có len lỏi vào không đó mới là điểm mấu chốt", ông Ngãi chỉ rõ.

Hơn nữa, ông cũng đưa ra đề xuất, trước tiên, cần làm sao siết chặt, né tránh được lợi ích nhóm trong việc thực hiện các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, giảm thiểu tối đa lợi ích nhóm. Cùng với đó, cần để cho dự án khách quan từ khâu đánh giá đến thực hiện dự án.

Phải quy trách nhiệm cụ thể

Riêng với công trình Bảo tàng lịch sử quốc gia, ông Ngãi cho rằng, cần xem xét lại vốn đầu tư, hãy trả lời câu hỏi có cần phải đầu tư hay không, chúng ta là đất nước nghèo, đang phát triển thì cần tính toán đầu tư ngân sách sao cho hợp lý, hiệu quả hơn nữa.

Đây là tiền đầu tư cho văn hóa xã hội chứ không đầu tư kinh tế nên không thể tính thu hồi vốn được.

Còn nếu tiếp tục cho thực hiện dự án thì riêng về hiệu quả cần có cam kết cụ thể, nếu kéo dài tiến độ, sau này chi phí đội lên nhà nước không chịu trách nhiệm.

"Cuối cùng hỏi ai chịu trách nhiệm, nói thẳng ra là người đứng đầu, không ai chịu trách nhiệm là không được, trong tập thể cũng có người lãnh đạo, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm hết, có như vậy dự án mới đúng tiến độ, chất lượng cao", ông Ngãi khẳng định.

(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/du-an-bao-tang-11000-ty-do-dang-ai-co-loi-3342938/)

Xây bảo tàng là cần thiết, nhưng không phải lúc này!

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quang Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) với PV ...

Bảo tàng cho ai?

Trong sân Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có cây gạo cổ thụ.

Dự án bảo tàng 11.000 tỷ dở dang: Ngân sách khó kham nổi...

"Chính phủ nên có một quyết định dứt khoát với công trình này, không nên để rơi vào tình trạng bỏ rơi mà nên khóa ...

Bảo tàng 11.000 tỉ đồng: Xây hay dừng hẳn?

Thay vì xây bảo tàng mới, có thể đầu tư, sắp xếp để sử dụng hợp lý các bảo tàng hiện có; ưu tiên ngân ...

/ Theo Châu An/Báo Đất việt