Đột kích ngôi làng chuyên dùng phụ nữ khuyết tật để mang thai hộ

Tại ngôi làng này, những kẻ bất nhân bóc lột hàng loạt phụ nữ khuyết tật bằng việc sử dụng họ cho dịch vụ mang thai hộ bất hợp pháp; 9 phụ nữ vừa được giải cứu.

Một ngôi làng ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc là trung tâm của đường dây mang thai hộ bất hợp pháp, nơi phụ nữ khuyết tật bị sử dụng làm người đẻ thuê. Ngày 12/5, đường dây này bị vạch trần bởi một nhà hoạt động chống buôn người tên là Shangguan Zhengyi, người có hơn 424.000 người theo dõi trên mạng xã hội.

Shangguan cảnh báo chính quyền sau khi dành nhiều ngày theo dõi ngôi nhà đáng ngờ. Cảnh sát đã đột kích vào một cơ sở ở đây và phát hiện 16 giường bệnh được chuẩn bị cho các thủ thuật liên quan đến mang thai hộ. Có 9 phụ nữ, bao gồm cả những người mang thai hộ và người hiến trứng, được phát hiện bên trong cơ sở này.

Ngôi làng ở Trung Quốc bị điều tra vì chuyên mang thai hộ bất hợp pháp.

Ngôi làng ở Trung Quốc bị điều tra vì chuyên mang thai hộ bất hợp pháp.

Một phụ nữ khiếm thính 41 tuổi, đến từ tỉnh Thiểm Tây, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu nói với Shangguan rằng cô đã trải qua một ca chuyển phôi và được trả 280 nghìn nhân dân tệ (khoảng1 tỷ đồng). Những người trung gian đã đưa cô đến cơ sở này, và cô không nhớ rõ mình đã ở đây bao lâu.

Còn cô gái 29 tuổi người dân tộc Di, quê tỉnh Tứ Xuyên, cho biết cô được trả chi phí 190 nghìn nhân dân tệ (khoảng 685 triệu đồng) sau khi chuyển phôi. Thủ thuật này được thực hiện mà không cần gây mê, nhưng cô khẳng định không cảm thấy đau.

Cơ sở này bóc lột phụ nữ câm điếc, khuyết tật, sử dụng họ để đẻ thuê. (Ảnh: Baidu)

Cơ sở này bóc lột phụ nữ câm điếc, khuyết tật, sử dụng họ để đẻ thuê. (Ảnh: Baidu)

Đường dây này được điều hành tại một tòa nhà dân cư ba tầng. Tầng một là trung tâm hoạt động, bao gồm một phòng phẫu thuật, một phòng xét nghiệm và các khoa bệnh nhân. Phòng phẫu thuật được trang bị các kệ chứa đầy đủ dụng cụ y tế, bao gồm ống tiêm và một số thiết bị chuyên dụng khác dùng cho các thủ thuật như lấy trứng và chuyển phôi.

Tất cả cửa sổ của tòa nhà đều được phủ lớp phim xanh để không ai có thể nhìn thấy những gì diễn ra bên trong. Có một số xe ô tô đỗ ở lối vào, bao gồm chiếc xe tải màu trắng không có giấy phép, được cho là dùng để chở những phụ nữ mang thai hộ.

Trong quá trình điều tra, 9 phụ nữ được giải cứu và đưa đến Bệnh viện Chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em Trường Sa để đánh giá y tế. Sau đó, họ được giao cho các viên chức chính phủ và gia đình chăm sóc.

Phòng phẫu thuật được trang bị đầy đủ và có một y tá riêng. (Ảnh: Baidu)

Phòng phẫu thuật được trang bị đầy đủ và có một y tá riêng. (Ảnh: Baidu)

Chiếc ghế chuyên dụng để thực hiện các thủ thuật mang thai hộ. (Ảnh: Baidu)

Chiếc ghế chuyên dụng để thực hiện các thủ thuật mang thai hộ. (Ảnh: Baidu)

Hiện tại, Trung Quốc chưa có luật cấm hoàn toàn việc mang thai hộ, nhưng nhiều quy định của chính phủ đã cấm hành vi này. Ngày 12/5, các cơ quan y tế địa phương báo cáo rằng, cơ sở trên đã bị niêm phong, các nhân viên liên quan cũng bị kiểm soát và vụ việc sẽ được xử lý nghiêm ngặt.

Chính quyền cũng xác nhận việc bắt giữ 18 cá nhân liên quan đến đường dây mang thai hộ, bao gồm người phụ trách, một bác sỹ gây mê và một y tá từ bệnh viện tư.

Sau đó, Shangguan Zhengyi nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông tự nhận là người phụ trách hoạt động mang thai hộ. Anh ta đề nghị gặp anh và nói: "Bất cứ yêu cầu nào của anh, tôi sẽ đáp ứng". Shangguan tức giận chất vấn: “Sao anh dám bóc lột người tàn tật? Anh còn chút nhân tính nào không?”.

Vụ việc được Elephant News đưa tin, gây ra làn sóng phẫn nộ trên khắp các nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc. “Ngay cả những người khuyết tật cũng bị bóc lột, điều này hoàn toàn vượt ra ngoài ranh giới đạo đức”; "Liệu có luồng lợi ích bất chính nào đằng sau việc này không? Ông chủ lớn phải bị điều tra kỹ lưỡng và trừng phạt nghiêm khắc"... là những bình luận lên án của cộng đồng mạng.

Nhật Thùy / VTC News