Sáng 4.12, tiếp tục ngày làm việc thứ 2 của kì họp thứ 11, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội khóa XV đã biểu quyết, thông qua 6 tờ trình về dự thảo Nghị quyết.
Sáng 4.12, tiếp tục ngày làm việc thứ 2 của kì họp thứ 11, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội khóa XV đã biểu quyết, thông qua 6 tờ trình về dự thảo Nghị quyết.
Theo đó, Nghị quyết về kinh tế xã hội 2020 có 95/95 đại biểu có mặt và tán thành,
đạt tỉ lệ 100% đại biểu có mặt, đạt 94,06% trên tổng số đại biểu.
Nghị quyết phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 của thành phố Hà Nội có 93/93 đại biểu có mặt và tán thành, đạt 100% đại biểu có mặt và 92,08% trên tổng số đại biểu.
Nghị quyết Dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách thành phố năm 2020: Có 94/94 đại biểu và tán thành, đạt 100% đại biểu có mặt và 93,07% trên tổng số đại biểu.
Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội: Có 94/94 đại biểu có mặt và tán thành, đạt 100% đại biểu có mặt và 93,07% trên tổng số đại biểu.
Nghị quyết về danh mục các dự án thu hồi đất 2020, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2020 thuộc thẩm quyền của HĐND quyết định: có 94/94 đại biểu tham gia và tán thành, đạt 100% đại biểu có mặt và 93,07% trên tổng số đại biểu.
Đáng chú ý, Nghị quyết cập nhật, hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2016-2020 có nội dung đưa dự án tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo vào danh mục dự án sử dụng vốn vay ODA của thành phố Hà Nội: Có 94/94 số đại biểu có mặt và tán thành, đạt 100% đại biểu có mặt và 93,07% trên tổng số đại biểu.
Các đại biểu biểu quyết. Ảnh: N.C |
Đối với Nghị quyết cập nhật, hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2016-2020 có nội dung đưa dự án tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo vào danh mục dự án sử dụng vốn vay ODA của thành phố Hà Nội, rheo UBND thành phố Hà Nội, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 195.365 triệu yên (khoảng 35.679 tỉ đồng), thời gian thực hiện dự kiến chủ yếu trong trong giai đoạn 2021-2025.
Về cơ cấu nguồn vốn: Vốn ODA dự kiến 167.226 triệu yên (khoảng 30.572 tỉ đồng; chiếm 85,6% tổng mức đầu tư); Vốn đối ứng từ ngân sách TP. Hà Nội là 5.107 tỉ đồng, tương đương 28.139 triệu yên (chiếm 14,4% tổng mức đầu tư).
Theo UBND thành phố Hà Nội, việc sử dụng ODA và vay ưu đãi để đầu tư là phù hợp do nguồn vốn này có thời gian ân hạn 10 năm, thời gian hoàn trả 30 năm, lãi suất vốn vay thấp hơn (0,1-0,2% mỗi năm) so với huy động từ trái phiếu (khoảng 7-10%).
Về phương án trả nợ, UBND thành phố Hà Nội cho hay, giai đoạn 2021-2025, tổng số nợ phải trả là 0 đồng do đang trong thời gian ân hạn. Các nguồn vay và trả nợ gốc trong giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo sẽ được cân đối để đảm bảo dự án không làm tổng dư nợ vay của thành phố vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp theo quy định.
Các phương án vay vốn và trả nợ sẽ được tính toán cụ thể trong giai đoạn tiếp theo sau khi dự án được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và các hiệp định vay vốn được ký chính thức.
Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt từ năm 2008, dự kiến hoàn thành năm 2015 với tổng vốn đầu tư đề xuất ban đầu là 19.555 tỉ đồng. Tuy nhiên, gần đây, UBND thành phố báo cáo Thủ tướng xin phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 35.678 tỉ đồng, tăng 16.123 tỉ đồng (82%) so với ban đầu, đồng thời kéo dài thời hạn hoàn thành đến năm 2027.
Cường Ngô - Nguyễn Hà 04/12/2019 | 10:59