Đã từ lâu, câu chuyện tiền công đức tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang là nơi xuất phát của nhiều tranh luận, mâu thuẫn và cả sai phạm. Điển hình nhất mới đây là trường hợp nhà sư Thích Thanh Toàn (trước khi hoàn tục là trụ trì chùa Nga Hoàng, tỉnh Vĩnh Phúc). Vị này muốn giữ lại khối tài sản ước tính là 200 - 300 tỉ đồng trước khi hoàn tục. Trước vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng: các đền, chùa cần phải công khai, minh bạch thu chi tiền công đức, định kỳ thông báo công khai để người dân địa phương giám sát.
Sư xin hoàn tục với tài sản 200 - 300 tỉ đồng
Cách đây gần 1 tuần lễ, trong buổi làm việc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, Đại đức Thích Thanh Toàn (sinh năm 1976 ở Quảng Trị, trụ trì chùa Nga Hoàng, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2008) sau vướng nghi vấn bê bối sàm sỡ với phóng viên, đã xin được hoàn tục với khối tài sản cá nhân đi kèm ước tính lên tới 200 - 300 tỉ đồng. Về việc này, nhiều người cho rằng, khối tài sản lớn có được từ việc Phật tử cung tiến cho nhà chùa, vì vậy việc sư Toàn xin giữ lại sau khi hoàn tục là không thể chấp nhận được.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư HN) cũng không đồng tình với chuyện Thích Thanh Toàn giữ lại tài sản cá nhân. Luật sư Tú đặt vấn đề, sư thầy lấy tiền đấy ở đâu ra? Đi vào chùa với hai bàn tay trắng mà hoàn tục lại có tiền. Thế thì phải chăng coi Giáo hội này là nơi kiếm tiền?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, trong lĩnh vực tâm linh hiện nay, việc thống kê, hoạch toán các nguồn thu chi chưa chặt chẽ, vì thế có những nhóm lợi ích lợi dụng lòng tin của người dân để mưu cầu lợi ích riêng. Rõ ràng việc công khai, minh bạch nguồn thu sẽ tạo cho người ta tin rồi sẽ tin hơn, đồng tiền đó sẽ được phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho toàn thể cộng đồng. Phải nghiên cứu kỹ để có cách thức quản lý nguồn thu chi tốt hơn hiện nay. Cần có sự tham gia giám sát của các cơ quan liên ngành. Khi đó toàn bộ nguồn thu từ hoạt động lễ hội, công đức... đều được kiểm đếm, tính toán phân chia theo tỉ lệ hợp lý. Trong đó, cụ thể tỉ lệ tiền giữ lại để sử dụng vào bảo tồn, trùng tu, hay chi tiêu... Tất cả những khoản chi tiêu phải được dự toán, báo cáo bằng hóa đơn.
Quy định lỏng lẻo, không chế tài
Còn theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm (đoàn luật sư Hà Nội), tại Điều 10 Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22.12.2015 của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch quy định: Người phụ trách (trụ trì), Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích, phải có phương thức thu, nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tiền được huy động từ nguồn xã hội hóa, tài trợ để tổ chức lễ hội đảm bảo công khai, minh bạch, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu đúng mục đích…
Hay tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30.5.2014 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc quản lý, sử dụng nguồn công đức quy định: Người phụ trách (trụ trì), Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có) phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch. Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải tuân thủ các quy định của Thông tư liên tịch này và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Nhiều ý kiến cho rằng cần phải công khai trong khoản tiền công đức. |
“Hầu hết các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tiền của các tổ chức tôn giáo đều chỉ mang tính liệt kê, không đi kèm chứng từ, chế tài, bởi vậy không thể ngăn ngừa vi phạm” - luật sư Kiệm nói.
Myanmar: Có một Ủy ban Giám sát tiền công đức
Năm 2016, Myanmar đứng đầu chỉ số toàn cầu 3 năm liên tiếp về độ hào phóng tiền công đức cho chùa chiền và tu viện, trong danh sách khảo sát 140 nước và vùng lãnh thổ của Quỹ hỗ trợ từ thiện có trụ sở tại Anh. Ngôi chùa nổi tiếng Shwedagon ở thành phố Yangon, Myanmar thu được gần 65 triệu USD tiền từ công đức và các khoản khác trong năm tài khoá 2016-2017.
Nhà chùa có một uỷ ban giám sát tiền công đức gồm khoảng 30 người. Bộ trưởng Phúc lợi Xã hội vùng Yangoon U Naing Ngan Lin giải thích, để được lựa chọn, các uỷ viên này được kiểm tra bởi các quan chức chính phủ và tôn giáo trước khi một hội đồng tuyển chọn kiểm tra trình độ của họ. Tất cả những người được chọn phải được sự chấp nhận của tăng đoàn Sangha - cơ quan tôn giáo cao nhất của Myanmar.
Các uỷ viên có trách nhiệm kiểm đếm tiền từ các hòm công đức vào 10 giờ tối hằng ngày. Số tiền được giữ trong két và mang tới một ngân hàng nhà nước để gửi vào sáng hôm sau. Nhà chùa không phải trả bất kỳ khoản thuế nào đối với khoản tiền công đức. SONG MINH
Nghệ An: Không quản lý được tiền công đức của các chùa
Từ năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 18 về tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức ở các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, số tiền công đức thu được tại các di tích phải gửi vào kho bạc và chi cho các mục đích: Tu bổ tôn tạo di tích; hoạt động thường xuyên tại di tích như: Lễ nghi, khánh tiết, điện nước, vệ sinh, tuyên truyền, in ấn phiếu công đức, sơ kết, tổng kết và tổ chức lễ hội...; Chi phụ cấp hợp đồng lao động tại di tích; Để lại cho ngân sách địa phương có di tích dùng để chi cho phúc lợi xã hội tại địa phương; Trích cho Nguồn bảo tồn phát huy di sản văn hóa để sử dụng vào việc bảo tồn phát huy di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, chính quyền địa phương các cấp không quản lý được nguồn tiền công đức của các chùa. QUANG ĐẠI
Trao đổi với Lao Động, đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc kiểm soát, kiểm toán số tiền công đức, cung tiến tại các đền, chùa không thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước. Vị này nhận định, hiện nay, qua nhiều luồng dư luận, một số địa phương, chính quyền các xã, huyện cũng muốn các đền, chùa di tích công khai số tiền công đức nhưng điều này phụ thuộc vào hoàn toàn vào Ban quản lý đền, di tích, Trụ trì các chùa.
Cần kiểm toán tiền công đức
* Theo ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành III - Kiểm toán, về nguyên tắc, nguồn lực tại các cơ sở thờ tự, đền chùa là một loại quỹ công cần có sự kiểm soát. Ở nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia có nền kinh tế phát triển, nguồn quỹ công này được kiểm soát rất tốt và thông thường họ thông qua cơ chế kiểm toán để nhằm mục đích kiểm soát, tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch trong việc sử dụng. Tuy nhiên, ở nước ta, việc kiểm soát nguồn quỹ công từ các cơ sở thờ tự, đền chùa còn là một lỗ hổng pháp lý. Theo chúng tôi, các quỹ công cần phải có cơ chế kiểm soát và phải được kiểm toán. P.D
* Ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: “Hiện nay một số chùa, sư trụ trì đang mặc nhiên coi tiền công đức là công sức huy động của mình. Nghĩ như vậy là không đúng. Thực tế, có nhiều tổ chức chính trị, tổ chức xã hội cũng huy động bằng việc phát động tự nguyện của người dân để hỗ trợ các trước hợp khó khăn. Họ vẫn công khai, minh bạch, công bố thu chi rõ ràng”. Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh thêm, hiện nay một số chùa chiền vẫn chưa công khai minh bạch khiến nhiều sư trụ trì lạm dụng tiền công đức.
Trước thực trạng đó, ông Vân cho rằng, Giáo hội phật giáo Việt Nam cần chấn chỉnh lại hoạt động của chùa chiền. Các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý tôn giáo cần phải nghiên cứu ban hành các văn bản cụ thể, chi tiết hơn về công khai minh bạch tài chính trong tiền công đức, tránh bị lợi dụng. CAO NGUYÊN
Công đức cho chùa - công đức cho thầy: Hiểu thế nào là đúng? |
Bắt 2 "đạo chích" chuyên trộm hòm công đức, đồ thờ tự ở Thái Bình |
Vào chùa ngang nhiên cướp thùng công đức |