Đông Nam Á trước thách thức và cơ hội từ suy thoái kinh tế châu Âu

Các quốc gia Đông Nam Á đang dõi theo với sự quan tâm sâu sắc trước những đánh giá cho rằng, khu vực châu Âu - một trong những đối tác kinh tế lớn nhất của khu vực - đang có nguy cơ suy thoái để có những biện pháp ứng phó kịp thời.

Đông Nam Á trước thách thức và cơ hội từ suy thoái kinh tế châu Âu ảnh 1

Nguy cơ suy thoái kinh tế ở EU mang lại những thách thức xen lẫn cơ hội cho Đông Nam Á

Một cuộc suy thoái đang đến

Giới kinh tế cho rằng, các nền kinh tế thành viên Liên minh châu Âu (EU) khả năng sẽ rơi vào suy thoái khi mùa đông khốc liệt tới. Chưa kịp hồi phục sau đại dịch Covid-19, EU đã phải đối mặt với lạm phát gia tăng ở tất cả 27 thành viên liên minh và khủng hoảng năng lượng do chiến sự Nga - Ukraine làm chi tiêu của người dân và doanh nghiệp tăng cao.

Viện Kinh tế Đức (IW) mới đây công bố một nghiên cứu, trong đó đưa ra nhận định rằng, các cuộc khủng hoảng trầm trọng như đại dịch Covid-19 hay cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đang khiến nguy cơ suy thoái tại châu Âu tăng cao. Theo nghiên cứu này, tuy cách tiếp cận với các cuộc khủng hoảng hiện nay của các nền kinh tế ở cựu lục địa là khó có thể khác, nhưng đang có nguy cơ dẫn đến “sự phân hóa trong phát triển kinh tế”, nhất là liên quan đến cuộc xung đột quân sự tại Ukraine.

Nhằm hỗ trợ sự phục hồi kinh tế trong bối cảnh kiểm soát được đại dịch Covid-19, EU vào tháng 7-2021 đã thông qua gói viện trợ tổng trị giá 800 tỷ euro (tương đương khoảng 950 tỷ USD thời điểm đó, 826 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay). Trong đó, Tây Ban Nha và Italia, hai quốc gia chịu nhiều hậu quả nặng nề nhất do đại dịch, nhận được khoản viện trợ không hoàn lại lớn nhất, lần lượt là 77 tỷ euro và 70 tỷ euro. Dù gói hỗ trợ kinh tế không hiện thực hóa được những kỳ vọng về khả năng phục hồi nhanh chóng hoặc phục hồi mạnh theo mô hình chữ V, nhưng giúp tạo động lực cho đầu tư tư nhân trong các nền kinh tế liên minh.

Thế nhưng, trong khi kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế còn mong manh thì cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đã đẩy toàn bộ các nền kinh tế thành viên EU vào khó khăn trầm trọng bất chấp các biện pháp ứng phó tiếp theo. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào tháng 7 vừa qua đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,5 điểm phần trăm nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, đây là lần đầu tiên ECB tăng lãi suất trong 11 năm qua và đây chỉ là bước mới nhất trong số các biện pháp đặc biệt mà ngân hàng này có thể sẽ áp dụng nhằm đối phó khủng hoảng. Tuy nhiên, IW cho rằng, việc tăng lãi suất khó có thể mang lại hiệu quả tức thời, trong khi các biện pháp của ECB thậm chí có thể làm tăng nguy cơ suy thoái.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp (BDF) rancois Villeroy ngày 9-9 vừa qua cảnh báo, châu Âu có thể phải đối mặt với một cuộc suy thoái vào năm tới, khi các doanh nghiệp và hộ gia đình phải chống chọi với lạm phát gia tăng do xung đột quân sự Nga - Ukraine. Ông Francois Villeroy đưa ra cảnh báo này chỉ 2 ngày sau khi Cơ quan Thống kê Pháp (INSEE) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Âu xuống 0% trong quý IV-2022.

Theo người đứng đầu BDF, các nền kinh tế châu Âu sẽ phải đối mặt với sự suy giảm đáng kể trong năm tới và không thể loại trừ nguy cơ về một cuộc suy thoái. INSEE cho biết, trong tháng 7-2022, sản xuất công nghiệp giảm 1,6% so với tháng trước khi hầu hết các lĩnh vực sản xuất đều giảm.

Các nhà kinh tế của Tập đoàn tài chính ING có trụ sở tại Hà Lan nhận định, cùng với việc phải đối mặt với sự gián đoạn, thiếu hụt của chuỗi cung ứng toàn cầu do xung đột quân sự tại Ukraine, nền kinh tế châu Âu còn vấp phải rất nhiều khó khăn do chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc và sự khan hiếm và gia tăng của giá năng lượng. Theo ING, sự sụt giảm khả năng chi tiêu do lạm phát cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến chi tiêu tiêu dùng và lĩnh vực dịch vụ, vốn là ngành có mức đóng góp lớn cho kinh tế.

ING cho rằng, vấn đề đặt ra lúc này không còn là Pháp và các nước châu Âu khác có đang tiến tới suy thoái hay không, mà là suy thoái đang đến nhanh như thế nào. Đó cũng là nhận định chung của giới kinh tế khi cho rằng, EU sẽ đối mặt với suy thoái khi mùa đông khốc liệt sắp tới. Hầu hết các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế châu Âu sẽ suy giảm trong năm nay, trong đó Ngân hàng JPMorgan Chase nhận định, nền kinh tế khu vực dùng đồng euro sẽ giảm 2% trong quý IV-2022. Thậm chí, tạp chí kinh tế rất có uy tín The Economist còn đưa ra nhận định rằng: “Một cuộc suy thoái đang đến”.

Rủi ro đan xen cơ hội

Nguy cơ suy thoái kinh tế ở châu Âu đang là điều được quan tâm sâu sắc tại Đông Nam Á bởi đây là một trong những đối tác kinh tế lớn nhất của khu vực. Bà Tamara Henderson, nhà kinh tế ASEAN của hãng Bloomberg cho rằng, suy thoái của các nền kinh tế EU sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến xuất khẩu hàng hóa, du lịch và đầu tư của Đông Nam Á.

Theo số liệu của EU, các nước ASEAN xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá khoảng 136 tỷ euro sang EU trong năm 2021, tăng so với 120 tỷ euro của năm 2020. Số liệu thống kê của ASEAN cho thấy, các quốc gia EU chiếm khoảng 15% tổng vốn đầu tư vào khu vực Đông Nam Á trong năm 2021.

Cùng với thương mại và đầu tư, khách du lịch châu Âu cũng mang lại nguồn thu và nhiều công ăn việc làm tại Đông Nam Á. Dù chỉ chiếm 5% tổng số du khách quốc tế đến khu vực ASEAN vào năm 2019 - thời điểm trước đại dịch Covid-19 - song du khách châu Âu có xu hướng chi tiêu nhiều hơn so với khách du lịch từ các nước Đông Nam Á với nhau hoặc từ Trung Quốc.

Sự suy giảm của kinh tế EU vì thế chắc chắn tác động không nhỏ với các nước Đông Nam Á, song tác động này không đồng đều với các quốc gia khu vực và trong rủi ro vẫn có những cơ hội. Theo ông James Villafuerte, nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tác động của suy thoái kinh tế EU sẽ khác nhau theo từng quốc gia Đông Nam Á. Ví như, theo số liệu của EU, liên minh này đã nhập tới 20% tổng lượng hàng xuất khẩu của

Campuchia trong năm 2021 nhưng chỉ nhập có 9% tổng lượng hàng xuất khẩu của Indonesia. EU chiếm khoảng 11% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam và khoảng 10% của Malaysia. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang liên minh này không những không giảm mà còn tăng gần 45% trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Miguel Chanco, nhà kinh tế châu Á tại hãng tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics (Anh) cho rằng, suy thoái ở EU chắc chắn sẽ gây hại cho xuất khẩu của ASEAN sang khối này nhưng có khả năng không ảnh hưởng đáng kể về tăng trưởng xuất khẩu nói chung. Ngoài ra, tác động từ khó khăn của kinh tế của EU với Đông Nam Á cũng không quá lớn với nhập khẩu khi cả khu vực chỉ nhập khẩu từ châu Âu lượng hàng hóa trị giá 80 tỷ euro trong năm 2021, mức chưa bằng 1/5 nhập khẩu từ Trung Quốc trong cùng năm.

Một số nước Đông Nam Á thậm chí có thể tìm thấy cơ hội từ những thách thức kinh tế của EU. Đứt gãy nguồn cung nguyên liệu và lương thực do cuộc xung đột Nga - Ukraine, châu Âu sẽ gia tăng nhập khẩu các mặt hàng này từ Đông Nam Á. Indonesia là nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới và xuất khẩu năng lượng của nước này sẽ tăng cao trong mùa đông tới.

Dưới góc độ đầu tư, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, suy thoái kinh tế của EU thậm chí có thể khiến nhiều doanh nghiệp từ liên minh này cân nhắc đầu tư và chuyển đến các thị trường an toàn ở Đông Nam Á.

https://www.anninhthudo.vn/dong-nam-a-truoc-thach-thuc-va-co-hoi-tu-suy-thoai-kinh-te-chau-au-post516574.antd

Hoàng Hà / ANTĐ