- Làm gì để giảm áp lực trong tuyển sinh vào lớp 10?
- Trường "hot" Hà Nội công bố chi tiết chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp
- Tỷ lệ tuyển sinh không đạt, nảy sinh dễ dãi khi tuyển đầu vào đào tạo tiến sĩ
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết, từ năm học 2024-2025, tất cả các trường học trên địa bàn Thủ đô, bao gồm cả các trường ngoài công lập sẽ tuyển sinh trực tuyến. Điều này nhằm giải quyết tình trạng phụ huynh phải trắng đêm xếp hàng nộp hồ sơ cho con vào các lớp đầu cấp gây phản cảm trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Trường công lập và tư thục đều phải tuyển sinh trực tuyến
Thực tế cho thấy, Hà Nội đã thực hiện tuyển sinh đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6) vào các trường công lập theo hình thức trực tuyến từ nhiều năm qua. Hình thức này đem lại hiệu quả tích cực đối với phụ huynh, học sinh và các nhà trường; đồng thời được cha mẹ học sinh ủng hộ với tỷ lệ đăng ký thành công rất cao.
Kết thúc thời gian đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp năm học 2023-2024, với khối 6, toàn thành phố có 149.560 hồ sơ đăng ký tuyển sinh trực tuyến thành công, chiếm 91,47% trong tổng số 163.507 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 năm học 2023-2024 của Hà Nội.
Với khối 1, đã có 121.546 lượt hồ sơ đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào các trường tiểu học công lập, tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến đạt gần 88% so với chỉ tiêu, cao hơn năm học trước, trong đó có một số đơn vị như Hoàng Mai, huyện Đan Phượng và huyện Phúc Thọ đạt tỷ lệ 100%.
Riêng với khối tư thục và công lập tự chủ tài chính, trên cơ sở quy định về thời hạn tuyển sinh của Sở GD&ĐT, các nhà trường được tự lên kế hoạch, thống nhất cách thức nộp hồ sơ. Tuy nhiên, trong một vài năm qua, việc một số cơ sở giáo dục tự chủ tài chính, ngoài công lập sử dụng cách thức nộp hồ sơ trực tiếp trong bối cảnh chỉ tiêu ít nhưng nhu của người học lại quá cao đã khiến cho việc tuyển sinh đầu cấp ở một số trường có những thời điểm bị “vỡ trận” khi có rất nhiều phụ huynh “trắng đêm” chờ sẵn ở cổng trường để mong có thể nộp hồ sơ, giành được suất học cho con.
Trước thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, Sở GD&ĐT Hà Nội chưa thực sự nghiêm khắc trong việc quản lý cách thức xét tuyển của các trường; cần sớm xây dựng một cơ chế rõ ràng hơn, chấm dứt việc xét tuyển trực tiếp gây khó khăn cho người dân, đi ngược với sự bùng nổ của chuyển đổi số trong giáo dục.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố rà soát, chuẩn bị tốt các điều kiện để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến đối với tất các lớp đầu cấp từ mầm non, lớp 1, lớp 6 đến lớp 10 từ năm học 2024-2025.
Đặc biệt, các trường tư thục, trường có yếu tố nước ngoài phải bảo đảm tổ chức tuyển sinh thuận lợi, minh bạch, chấm dứt tình trạng phụ huynh học sinh xếp hàng nộp hồ sơ. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ kiên quyết không giao chỉ tiêu với đơn vị vi phạm.
Nỗ lực “hạ nhiệt” quá tải trường lớp
Từ nhiều năm nay, Hà Nội là một trong những địa phương đang phải đối mặt với việc tăng dân số cơ học, kéo theo sự gia tăng về số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh, gây áp lực không nhỏ cho ngành giáo dục Thủ đô nói chung, công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp nói riêng. Nhiều trường học hiện đang có số lớp cao quá quy định, tình trạng sĩ số học sinh/lớp cao hơn quy định còn nhiều.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024, quy mô giáo dục của toàn thành phố là 2.875 trường với gần 2,3 triệu học sinh mầm non, phổ thông, tăng 35 trường so với cùng kỳ năm học trước. Mỗi năm, thành phố xây dựng thêm từ 35-40 trường học. Tuy nhiên, số lượng học sinh cũng tăng nhanh, ước từ 40.000 đến 60.000 học sinh/năm học, dẫn đến việc đáp ứng nhu cầu học tập ở một số quận, địa bàn đông dân cư vẫn là thách thức lớn.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Với áp lực từ việc gia tăng dân số cơ học, số học sinh hằng năm tăng mạnh, công tác tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn với áp lực lớn. Sở GD&ĐT đã và đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục, trong đó có việc tham mưu lãnh đạo thành phố tăng cường nguồn lực đầu tư, ưu tiên quỹ đất xây dựng trường học; rà soát quy hoạch mạng lưới trường học; tổ chức phân tuyến tuyển sinh phù hợp, không để xảy ra hiện tượng quá tải; hạn chế tối đa việc nhận học sinh trái tuyến.
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp quan trọng trong năm học mới là tăng cường các điều kiện hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quyết tâm tổ chức tuyển sinh trực tuyến từ năm học 2024-2025 ở tất cả các trường.
Ngoài ra, do TP Hà Nội có tình trạng tăng dân số cơ học rất nhanh, bình quân mỗi năm tăng từ 50.000 đến 60.000 học sinh, tương ứng với việc cần phải xây mới từ 30 đến 40 trường học. Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất ở các quận đều hạn hẹp, việc xây mới trường học rất khó khăn. Vì vậy, Hà Nội cũng đã đề nghị các cấp xem xét, cho phép Hà Nội nâng tầng các trường học ở khu vực nội thành.