Tỷ lệ tuyển sinh không đạt, nảy sinh dễ dãi khi tuyển đầu vào đào tạo tiến sĩ

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, việc tuyển sinh tiến sĩ không đủ chỉ tiêu dẫn tới nhiều nơi không có sự cạnh tranh, nảy sinh dễ dãi chọn đầu vào.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vừa gửi các đại biểu Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ thời gian gần đây.

Theo đánh giá từ Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, tính đến năm 2022, toàn hệ thống có 196 cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, tăng 1,66 lần so với năm học 2014-2015. Tổng số 267 ngành và 1.110 lượt ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.

Tuy nhiên, việc mở mới ngành đào tạo tiến sĩ ở một số lĩnh vực như năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ mới… còn hạn chế. Quy định về ngành và mã ngành đào tạo còn bất cập khi một số chuyên ngành được xếp ngang hàng với ngành. Một số mã ngành hẹp, kén người học, rất khó tuyển sinh, thậm chí nhiều ngành có nguy cơ phải đóng mã ngành vì không tuyển được nghiên cứu sinh sau thời gian 5 năm theo quy định.

Tỷ lệ lượt ngành đào tạo trình độ tiến sĩ phân theo 7 khối ngành đào tạo.

Tỷ lệ lượt ngành đào tạo trình độ tiến sĩ phân theo 7 khối ngành đào tạo.

Quy mô ngành đào tạo của các cơ sở còn khá nhỏ và phân tán. Trên 70,1% cơ sở đào tạo hiện đang tổ chức đào tạo dưới 5 mã ngành/chuyên ngành, trong đó 32% chỉ mới đào tạo 1 mã ngành (18 viện nghiên cứu và 44 cơ sở giáo dục đại học).

Về quy mô tuyển sinh và đào tạo, giai đoạn 2000 - 2022, báo cáo của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục nêu rõ, các cơ sở đào tạo tiến sĩ đã thực hiện tuyển mới được 32.517 nghiên cứu sinh (tỷ lệ tuyển mới tăng gần 5,5 lần, từ 303 nghiên cứu sinh năm học 2000 - 2001 lên 1.661 người năm học 2021 - 2022).

Tuy nhiên, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu, trung bình những năm gần đây chỉ đạt khoảng trên 32%. Cụ thể, năm học 2019-2020, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ là 5.111; thực tuyển là 1.274 người (tỉ lệ 24,93%).

Năm học 2020-2021, chỉ tiêu là 5.056; thực tuyển 1.735 (34,32%).

 

Năm học 2021-2022, con số này lần lượt là 5.143 và 1.661 nghiên cứu sinh (32,3%) còn năm học 2022-2023, chỉ tiêu xác định là 5.795 trong khi số lượng thực tuyển chỉ đạt 41,86% với 2.426 người.

"Việc tuyển sinh không đủ chỉ tiêu dẫn tới nhiều nơi không có sự cạnh tranh, nảy sinh sự dễ dãi trong tuyển chọn đầu vào, đặc biệt là về năng lực nghiên cứu chuyên môn. Cơ cấu ngành nghề trong tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ có sự mất cân đối. Quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam hiện còn nhỏ; việc thu hút nghiên cứu sinh quốc tế còn rất hạn chế", báo cáo nêu rõ.

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục chỉ ra thực trạng, tỷ lệ nghiên cứu sinh không hoàn thành chương trình trong khoảng thời gian 3 năm còn cao. Đơn cử, như trường Đại học Kinh tế Quốc dân, có tới 90% nghiên cứu sinh không thể hoàn thành luận án tiến sĩ trong thời gian 3 năm theo quy định và đều phải xin gia hạn, kéo dài thời gian tối đa cho phép (đến 5 năm). 

Từ những hạn chế trên, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn, điều chỉnh công tác đào tạo trình độ tiến sĩ theo hướng áp dụng các chuẩn khu vực và quốc tế đối với các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.

Bộ GD&ĐT cần xác lập rõ lộ trình nâng cao chất lượng dài hạn và ổn định. Nhanh chóng xây dựng, thẩm định và ban hành chuẩn chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.

Cần có cơ chế linh hoạt, đặc thù về tuyển sinh, về các điều kiện bảo đảm chất lượng, nhất là lộ trình thực hiện quy định về giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy, hướng dẫn và tham gia hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ đối với một số ngành nghề đặc thù (như nghệ thuật truyền thống…), cơ sở đào tạo đặc thù. Có giải pháp, phương án kiểm soát chất lượng đầu vào về ngoại ngữ và năng lực chuyên môn của nghiên cứu sinh.

Uỷ ban cũng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm bổ sung quy định ràng buộc trách nhiệm của người hướng dẫn, phản biện, thành viên các hội đồng trong bảo đảm chất lượng, giá trị khoa học của luận án tiến sĩ. Đề cao liêm chính học thuật, tránh nể nang, dễ dãi trong hướng dẫn, đánh giá, phản biện luận án.

Cùng với đó, cần cập nhật, công khai danh mục tạp chí khoa học uy tín được công nhận theo từng khối ngành; có chiến lược phát triển, nâng tầm chất lượng hệ thống tạp chí khoa học trong nước đáp ứng theo các tiêu chí, chuẩn mực quốc tế.

 https://vtc.vn/ty-le-tuyen-sinh-khong-dat-nay-sinh-de-dai-khi-tuyen-dau-vao-dao-tao-tien-si-ar829025.html

Hà Cường / VTC News