Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã vượt qua những khó khăn, thách thức vô cùng lớn, đạt được những thành tựu đáng tự hào; ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng đã tạo dựng được nguồn lực, nền tảng vững chắc, tự tin chinh phục những đỉnh cao mới.
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính về các động lực tăng trưởng mới của Tập đoàn
Ngành Dầu khí Việt Nam ra đời đến nay đã hơn 6 thập niên. Được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, các thế hệ người dầu khí xây dựng nên ngành Dầu khí lớn mạnh, hạt nhân là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hoàn chỉnh, đồng bộ; là một trong các tập đoàn kinh tế có quy mô lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và an ninh quốc gia trên biển.
Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, ngành Dầu khí Việt Nam đã trải qua một thời kỳ hết sức khó khăn, tiếp đó là tác động của đại dịch Covid-19 cùng những biến động của kinh tế vĩ mô và thị trường năng lượng. Ngay trong giai đoạn khủng hoảng, toàn Tập đoàn đã không lùi bước. Trên cơ sở kế thừa thành quả của các thế hệ đi trước, từ lãnh đạo đến người lao động dầu khí đã chung sức, chung lòng thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhóm giải pháp, đặc biệt là kiên trì quản trị biến động và công cuộc tái tạo kép: tái tạo văn hóa đi trước tạo đà tái tạo kinh doanh, để phát triển ổn định, bền vững (năm 2020 - vượt khó ngoạn mục; năm 2021 - phục hồi tăng trưởng; năm 2022 - đạt nhiều kỷ lục; năm 2023 - mở rộng quy mô và tái tạo mô hình kinh doanh).
Bằng những nỗ lực vượt bậc và thành quả cụ thể, Petrovietnam đã lấy lại được lòng tin của Đảng, Nhà nước, của người lao động, của toàn xã hội, cũng như đối tác trong và ngoài nước. Petrovietnam 4 năm liên tiếp là một trong các thương hiệu giá trị cao nhất Việt Nam (năm 2023 đạt gần 1,4 tỉ USD, tăng gấp 3 lần 2019); Chỉ số tín nhiệm đạt mức BB+. Sản xuất, kinh doanh tăng trưởng liên tục và đạt nhiều kỷ lục trong suốt 62 năm hình thành, phát triển.
Hết năm 2023, Petrovietnam đã về đích trước 2 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2020-2025 và vượt kế hoạch 5 năm 2021-2025 về lợi nhuận là 12%, nộp ngân sách Nhà nước là 13%, tăng trưởng rất cao so với giai đoạn 2016-2020; quy mô doanh thu năm 2023 đã tăng 1,6 lần so với năm 2020; thu nhập của người lao động tăng 18-20%. Đã giải quyết được nhiều tồn tại, khó khăn và các dự án đầu tư lớn sau nhiều năm như Thái Bình 2, Lô B - Ô Môn…
Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 của Petrovietnam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương những nỗ lực cố gắng, kết quả mà Petrovietnam đạt được trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong năm 2023. Đồng thời, Thủ tướng đã chỉ ra những thách thức, cơ hội trong năm 2024 đối với đất nước cũng như đối với ngành năng lượng và Petrovietnam, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn phải nỗ lực, cố gắng rất lớn để vượt qua, hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2024.
Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các cấp lãnh đạo, trên cơ sở nhận diện khó khăn, thách thức, cần phải có giải pháp căn cơ, tận dụng thời cơ, vận hội mới của ngành, Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Điều hành Petrovietnam đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để tổ chức thực hiện. Trong đó, tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính: (1) Tổ chức thực hiện Chiến lược và triển khai đề án tái cấu trúc đồng bộ với tối ưu mô hình và hiện đại hóa hệ thống quản trị, hệ thống kiểm soát rủi ro của Tập đoàn với mục tiêu trở thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia; (2) Triển khai Chiến lược phát triển nguồn nhân lực, chú trọng quản trị tài năng gắn với Đề án Tái tạo và nâng tầm văn hóa Petrovietnam; (3) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu khoa học dài hạn; chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ và quản trị làm mới, nâng cao hiệu quả động lực truyền thống, bổ sung các động lực mới (năng lượng mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng) gắn với dịch chuyển mô hình kinh doanh phù hợp với xu hướng dịch chuyển năng lượng, chuyển đổi xanh; (4) Triển khai mạnh mẽ các phương thức quản trị mới: quản trị biến động, quản trị chuỗi giá trị, quản trị hệ sinh thái trong và ngoài Tập đoàn; mở rộng hợp tác đầu tư, kinh doanh quốc tế dựa trên quan hệ thương mại và ngoại giao của đất nước; (5) Quản trị danh mục đầu tư, tài chính, tập trung triển khai các dự án lớn, xử lý triệt để các dự án, công trình khó khăn; (6) Tiếp tục thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách cho phát triển Tập đoàn, đặc biệt là những lĩnh vực mới…
Bên cạnh các giải pháp cụ thể đó, phân tích, nhìn lại kết quả đạt được trong năm 2023, có thể thấy rằng, sự tăng trưởng có được là do đã bổ sung được rất nhiều động lực mới về: thể chế, đổi mới quản trị, chuỗi liên kết giá trị, chuyển đổi số, thay đổi mô hình kinh doanh, tăng tốc đầu tư…, tiếp thêm một phần động lực từ công nghiệp năng lượng, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Để giữ được nhịp độ, đà tăng trưởng theo mong muốn, kỳ vọng của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng như theo chiến lược của Tập đoàn, có 2 việc chúng ta phải làm: Tìm mọi cách, mọi giải pháp để làm mới các động lực truyền thống và bổ sung các động lực mới. Bổ sung và làm mới các động lực tăng trưởng thông qua việc tìm giải pháp để tiếp tục duy trì sản lượng khai thác và gia tăng trữ lượng; thúc đẩy hoàn thiện thể chế và đổi mới quản trị; tăng tốc, đồng bộ hơn trong thực hiện các mục tiêu chiến lược; tiếp tục đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm; củng cố các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết, thúc đẩy kinh tế chia sẻ; quản trị tối ưu vốn và nguồn lực; phát triển công nghiệp năng lượng, năng lượng mới; sản phẩm, nguyên vật liệu mới, mở rộng kinh doanh và thương mại quốc tế…
Trên cơ sở những nền tảng đã tạo dựng được, những giải pháp đã đề ra và định hướng chiến lược thời gian tới, toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động Petrovietnam cố gắng nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, thống nhất, đồng bộ, đồng hành, phát huy tốt nhất năng lực, sở trường, đóng góp cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển, vươn xa. Trong tâm khảm của người lao động dầu khí, “biết ơn” là nét đặc trưng trong giá trị cốt lõi “nghĩa tình” của văn hóa Petrovietnam. Chính vì vậy, song song với phát triển sản xuất, Petrovietnam luôn ý thức trách nhiệm cao thực hiện an sinh xã hội, với tinh thần tự nguyện tạo phúc, an dân. Từ đó mỗi người lao động Dầu khí tự tin nắm bắt cơ hội và luôn cảm thấy tự hào vì sự góp sức cho ngành, cho xã hội và cho đất nước. Chúng ta tin tưởng lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, chỉ đạo, bảo vệ những người lao động dầu khí chân chính, tạo điều kiện cho Petrovietnam xây dựng một môi trường quản trị chuyên nghiệp, phát triển xứng tầm, luôn xứng đáng là trụ cột của nền kinh tế đất nước, thực hiện đúng sứ mệnh “Năng lượng cho phát triển” và “Góp phần xây dựng, phát triển Tổ quốc Việt Nam hùng cường”
Petrovietnam cần tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn chiến lược, huy động được sức mạnh tổng hợp trong thực thi nhiệm vụ, với quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; giữ vững, phát huy đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm; chú trọng và tăng cường công tác đầu tư, nghiên cứu và phát triển để tận dụng các cơ hội mới, có các sản phẩm mới, nhất là trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực thực hiện, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc; phát huy tính tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình, dám nghĩ, dám làm, chủ động, kịp thời, không trông chờ, ỷ lại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
https://pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/2677e26b-1a8b-426f-98d8-7ab8b8a8b846