Chứng khoán Mỹ lên đỉnh cao kỷ lục mới và đã tăng hơn 20% kể từ đầu năm. Điều đáng sợ nhất đối với nước Mỹ được cho là đã qua đi và đây lại là cơ sở có thể khiến cuộc chiến Mỹ-Trung kéo dài.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ vừa ghi nhận một kỷ lục mới. Chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 trong phiên đầu tuần 28/10 (đêm qua giờ Việt Nam) tăng mạnh lên trên mức 3.039 điểm.
Đây là mức điểm cao kỷ lục mới của chỉ số bao phủ toàn bộ TTCK Mỹ. Với mức điểm kỷ lục này, S&P500 đã tăng hơn 20% tính từ đầu năm và ghi nhận một cú bứt phá ngoạn mục sau cú bán tháo mạnh hồi tháng 8 vừa qua.
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh lên mức kỷ được cho là nhờ sức cầu tiêu dùng và một nền kinh tế “khá tốt”. Theo đó, sức cầu đứng ở mức cao nhờ một thị trường lao động khỏe mạnh, thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm qua, trong khi lương của người lao động tăng.
Trên CNBC, theo Richard Fairbank - CEO của Capital One, nền kinh tế Mỹ hưởng lợi từ đợt tăng thuế trong năm ngoái của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Và đây chính là lý do đã thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Một điều đáng lưu ý là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý mới cho thấy các doanh nghiệp đều làm ăn khá tốt. Nó khiến nỗi lo ngại về một đợt suy thoái - lặp lại theo chu kỳ 10 năm - đã biến mất.
Donald Trump ghi dấu, chỉ số chứng khoán S&P500 lên cao lịch sử. |
“Chúng tôi không thấy bất kỳ một chỉ báo nào về một đợt suy thoái diện rộng ở phía chân trời”, CEO của Zions Bancorp, ông Harris Simmons chia sẻ trên CNB. Gần như tương tự, CEO của People’s United Financial, Jack Barnes cũng khẳng định không cảm thấy rằng nước Mỹ đang “trên bờ của một cuộc suy thoái”.
Nỗi sợ lớn nhất của thị trường tài chính Mỹ cũng như thế giới qua đi, lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ tăng mạnh và những tín hiệu đình chiến thương mại Mỹ-Trung đã khiến chứng khoán Mỹ lên đỉnh lịch sử.
Một điều cũng được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng là khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất lần thứ 3 trong năm nay trong cuộc vào cuối tháng này. Một mức lãi suất thấp hơn sẽ mang thêm động lực cho nền kinh tế Mỹ.
Triển vọng của nền kinh tế Mỹ đã được chuyển từ nỗi lo hồi đầu năm về khả năng “suy thoái” sang tình trạng “tăng trưởng chậm hơn nhưng ổn định”.
Hồi giữa tháng 10, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể trong vấn đề thương mại và thừa nhận việc chấm dứt thương mại sẽ tốt cho nền kinh tế cả hai bên cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Donald Trump khoe chứng khoán cao lịch sử và việc hạ thủ lĩnh IS. |
Nỗi lo về cuộc chiến Mỹ-Trung vẫn còn
Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại song phương. Ông Trump cũng hy vọng thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được ký kết vào thời điểm hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Chile vào giữa tháng 11/2019.
Mặc dù kỳ vọng vào triển vọng thương mại Mỹ-Trung đã lớn hơn nhưng mâu thuẫn giữa 2 cường quốc này vẫn còn lớn. Những thỏa thuận đạt được vừa qua và có thể sẽ được ký kết được xem là một sự đình chiến.
Việc chứng khoán Mỹ lại đỉnh cao kỷ lục được cho vẫn chủ yếu là từ những tín hiệu tốt từ doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ.
Ở chiều ngược lại, theo Reuters, Trung Quốc đang đối mặt với một sự suy giảm kinh tế “rất nghiêm trọng”. Tăng trưởng GDP trong quý 3 xuống chỉ còn 6%, yếu hơn dự báo và thấp nhất trong vòng ít nhất 27 năm rưỡi.
Theo Bloomberg, một báo cáo của Tổng cục thống kê Trung Quốc công bố hôm 27/10 cho thấy, lợi nhuận của ngành công nghiệp Trung Quốc giảm tiếp tục sụt giảm, với mức đi xuống 5,2% trong tháng 9.
Tăng trưởng của Trung Quốc suy giảm liên tục trong các quý gần đây vì cuộc chiến chiến thương mại Mỹ-Trung và nỗ lực ghìm thắt chặt tín dụng của Trung Quốc.
Ông Donald Trump đứng trước nhiều áp lực trong nước. |
Sau 2 năm thương chiến, Trung Quốc thực sự đã rơi vào tình trạng khó khăn. Vị thế của ông Tập Cận Bình bị giảm sút nghiêm trọng vì kinh tế sụt giảm và nhiều vấn đề xã hội khác.
Về phía Mỹ, nền kinh tế Mỹ không phải không có ảnh hưởng, nhưng ở mức ít nhìn thấy hơn. Một thỏa thuận tạm thời giữa Mỹ và Trung lúc này là rất cần thiết đối với ông Trump và ông Tâp. Ông Trump cần một nền kinh tế và chứng khoán hồng hào hơn để đối phó với Đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử vào 2020.
Những cam kết lần này đã giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm. Trung Quốc buông “vũ khí” hạn chế nhập nông sản Mỹ, vũ khí tỷ giá, trong khi ông Trump ngừng đẩy cuộc chiến leo thang bằng việc không nâng thêm thuế.
Hai bên gần như đã đạt được thỏa thuận hoàn chỉnh về vấn đề tiền tệ và dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, những vấn đề gai góc nhất vẫn còn đó.
Trên thực tế, cho tới thời điểm này, Mỹ và Trung vẫn chưa chính thức ký thỏa thuận giai đoạn 1. Trong khi giai đoạn 2 được đánh giá còn khó khăn hơn rất nhiều. Giai đoạn 2 sẽ đề cập tới những mâu thuẫn lớn nhất giữa 2 bên. Đó là việc giải quyết các cáo buộc của Mỹ về đánh cắp sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc.
Đây là những vấn đề mà đối với ông Trump là buộc phải giải quyết và đó mới là thỏa thuận “toàn diện” mà ông Trump mong muốn. Nhưng đó lại là những vấn đề mà Trung Quốc luôn né tránh và được xem là lằn ranh đỏ của Bắc Kinh, là điểm đáng lo sợ nhất của chính quyền ông Tập Cận Bình.
M. Hà
Donald Trump phủ đám mây đen, đe doạ niềm tự hào của Trung Quốc
Sau hơn 70 năm tăng trưởng nhanh, nền công nghiệp đầy tự hào của Trung Quốc đang chững lại và được dự báo sẽ còn ... |