Đổi thay trên dãy Trường Sơn: Giã từ nghi thức đâm trâu

Nghi thức đâm trâu không chỉ phản cảm mà còn làm đồng bào đã nghèo còn nghèo hơn. Người Cơ Tu ở Quảng Nam đã tiên phong từ bỏ nghi thức này

Từ trung tâm huyện Tây Giang, chúng tôi vượt hơn 20 km ngược vào làng Tưr (xã Dang, huyện Tây Giang) tham dự lễ khánh thành nhà gươl (nhà truyền thống) mới của dân làng. Tiếng trống k’thu giòn giã, giữa nhà gươl làng bếp lửa rực hồng, xung quanh đó là rượu cần, cơm lam - sản vật đã sẵn sàng để đón khách. Chúng tôi được mời vào nhà gươl, ngồi với những vị có uy tín nhất trong làng. Câu hát ngân dài theo đêm… Khách say theo lời hát, theo men rượu cần ngọt dịu cùng ánh lửa bập bùng chờ sáng mai khai hội ăn trâu.

Hội làng nay đã đổi thay!

Sáng sớm, khi sương còn giăng trên khắp sườn đồi, tiếng trống k’thu lại vang lên, mọi người đã tề tựu dưới sân nhà gươl. Già làng Hốih Bói bước ra khỏi đám đông, mạnh mẽ tiến đến chỗ con trâu đã được buộc kỹ trước gươl làng thực hiện một số nghi thức trước khi chậm rãi lấy một ít máu nơi đầu mũi trâu để cúng.

doi thay tren day truong son gia tu nghi thuc dam trau

Người Cơ Tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã từ bỏ nghi thức đâm trâu tại các lễ hội

Thanh niên trong làng ngay sau đó quây lấy con trâu đưa đi mổ thịt rồi giao cho "g’mơrây" - một đội hậu cần được phân công từ đêm trước có nhiệm vụ chế biến món ăn mời khách. Không một nhát đâm nào được thực hiện, không có vết máu phun ra từ những nhát giáo chọc thẳng vào cổ trâu khiến con vật đau đớn, giãy giụa rồi chết từ từ trong sự reo hò của những người tham gia lễ hội như ở các buổi lễ đâm trâu tại những địa phương khác hay chính ngôi làng này trước đây. Hội làng nay đã đổi thay!

Chủ trương "không đâm trâu" được bà con chấp thuận ngay trong một lễ hội mang tính nội bộ của làng Tưr - một trong những địa bàn cách trở ở Tây Giang - không khỏi làm chúng tôi ngạc nhiên. Già làng Hốih Bói nói chuyện không đâm trâu là chủ trương của huyện, là một thay đổi cần thiết khi ngày càng có nhiều du khách tìm về với lễ hội truyền thống của Tây Giang. "Bỏ đâm trâu vì bà con thấy chủ trương của huyện là đúng, là cần thiết. Không còn đâm trâu nhưng vẫn cùng ăn, cùng hát múa, cùng sống với nhau như một nhà và cũng vui như ngày trước mà" - già Hốih Bói vui vẻ nói.

Thấy không phù hợp nên bỏ

Ông Bríu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, cho biết để vận động được người dân bỏ nghi thức tồn tại cả ngàn đời qua không hề dễ. "Vừa qua, thấy dư luận báo chí nhiều nơi cho là không phù hợp nên huyện chủ trương bỏ tập tục phản cảm ở địa phương. Hơn nữa, mục tiêu của Tây Giang là phát triển du lịch, nếu khách tới mà thấy cảnh rùng rợn vậy ai mà dám quay lại. Để tạo sự đồng thuận, trước tiên, huyện tổ chức hội thảo lấy ý kiến các già làng, trưởng thôn, những người có uy tín trong làng. Ban đầu không chỉ người dân mà chính các cán bộ huyện cũng phản ứng gay gắt. Sau đó được giải thích, vận động thì dần dần người ta mới hiểu. Ở đây chúng tôi bỏ nghi thức thọc giáo vào trâu thôi. Khi có lễ hội lớn, những nghi thức khác vẫn giữ" - ông Liếc chia sẻ.

Theo ông Liếc, chủ trương không đâm trâu được huyện áp dụng chính thức từ tháng 6-2016. Từ thời điểm đó đến nay, trên địa bàn huyện chỉ một thôn có xảy ra tình trạng đâm trâu. Riêng dịp Tết vừa rồi, tất cả 90 làng Cơ Tu ở Tây Giang đều không tổ chức đâm trâu.

Ông Liếc cho biết để giám sát việc giảm nghèo và nghi thức đâm trâu, huyện Tây Giang kiểm soát vật nuôi bằng cách đánh số. Người dân mua hoặc bán trâu, bò đều phải báo cho chính quyền, vậy nên khó có ai lén lút tổ chức đâm trâu mà không bị lộ.

Cần sự đồng bộ

Từ xa xưa, người Cơ Tu ở những cánh rừng hiểm trở giữa đại ngàn Trường Sơn. Khi có đau ốm, mất mùa, thiên tai, dịch bệnh... dân làng đều cho đó là do Giàng nổi giận. Để cúng Giàng, người Cơ Tu đi sang các làng yếu hơn, làng thù địch để săn người, lấy máu hiến tế cho thần linh. Sau năm 1950, khi có cách mạng về, tục "săn máu người" dần thay đổi. Đồng bào Cơ Tu chuyển sang nghi thức đâm trâu lấy máu tế Giàng và thần linh. Nghi thức đâm trâu được thực hiện ở hầu hết các dịp quan trọng như lập làng mới, đón xuân hay có dịch bệnh, thiên tai và thậm chí cả cưới hỏi.

Ông Liếc nói một thời người dân lạm dụng việc đâm trâu và dường như họ đâm trâu là để khoe của. Nhiều người rất nghèo nhưng vẫn vay mượn tiền để đâm trâu nên cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói cứ đeo bám.

Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết trong nghị quyết về xây dựng nông thôn mới, huyện đã đặt ra 9 điều nên làm và 5 điều cấm, trong đó có cấm nghi thức đâm trâu. Tuy thế, ông Liếc cho rằng bỏ nghi thức đâm trâu cũng như các tập tục không phù hợp khác cần sự vào cuộc đồng bộ của tỉnh, các địa phương chứ riêng Tây Giang thì rất khó.

Ông Liếc kể vừa qua, một thanh niên ở Tây Giang lấy vợ ở xã A Ting (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam). Nhà gái yêu cầu phải tổ chức đâm trâu nhưng địa phương nhất quyết không cho, cuối cùng thanh niên này phải đưa trâu xuống nhà gái để thực hiện theo yêu cầu. "Vừa rồi 3 huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang có họp với nhau và đưa vào biên bản cam kết các huyện sẽ thống nhất bỏ dần các tập tục lạc hậu. Có như vậy mới hy vọng dân thoát nghèo" - ông Liếc nhìn nhận.

5 không ở Tây Giang

Nghị quyết của Huyện ủy Tây Giang phấn đấu xây dựng các thôn trong huyện đạt 9 có, 5 không. Trong đó, 5 không gồm: Không trông chờ ỷ lại, không phá rừng, săn bắn động vật hoang dã; không nhà tạm bợ, không bị đói, chi tiêu lãng phí, tiệc tùng linh đình; không mê tín dị đoan, không cưới khi chưa đủ tuổi, không cho của 2 bên gia đình, không lấy nhau cận huyết thống; không tổ chức đâm trâu, giết bò khi cưới vợ gả chồng; không bỏ học, không theo đạo trái phép, không tệ nạn xã hội, tranh chấp đất đai...

doi thay tren day truong son gia tu nghi thuc dam trau Đưa người chết trở về

L.T.S: Bên cạnh những phong tục độc đáo, dưới tán rừng Trường Sơn vẫn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu khiến chất lượng sống ...

http://nld.com.vn/thoi-su/doi-thay-tren-day-truong-son-gia-tu-nghi-thuc-dam-trau-20171110212314347.htm

/ Trần Thường/nld.com.vn