Phong trào "No Japan" không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp Nhật mà còn ảnh hưởng tới cả các chủ cơ sở kinh doanh người Hàn Quốc.
Một biểu ngữ chống Nhật được treo tại quận Jung-gu, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap. |
Từ sáng sớm đến tối muộn, Lee Sang-joon lúc nào cũng đứng tại cửa hàng tiện lợi 7-Eleven do ông làm chủ ở Bucheon, thành phố vệ tinh của Seoul, Hàn Quốc, để chào đón khách hàng. Lee đã sở hữu và điều hành nhiều thương hiệu cửa hàng tiện lợi nhượng quyền khác nhau suốt 15 năm qua, nhưng những ngày này, ông đang gặp vận xui.
Vận xui đến với ông khi hàng nghìn người Hàn Quốc bắt đầu tẩy chay hàng Nhật Bản từ đầu tháng 7, khi chính phủ Nhật đột ngột ra quyết định hạn chế xuất khẩu ba loại hóa chất quan trọng được các công ty Hàn Quốc sử dụng trong sản xuất điện thoại di động và màn hình điện tử.
Các hạn chế mới, về cơ bản làm trì hoãn quá trình xuất khẩu sang Hàn Quốc, đã thổi bùng làn sóng chống Nhật ở Hàn Quốc dưới tên gọi "No Japan". 7-Eleven thuộc một công ty Mỹ nhưng không ít người Hàn Quốc nhầm nó là thương hiệu của Nhật.
Với Lee, điều đầu tiên ông cảm nhận được là sụt giảm doanh số. "Công việc kinh doanh của tôi bị ảnh hưởng đáng kể bởi làn sóng tẩy chay và có lẽ tình trạng này sẽ còn tiếp diễn. Toi cảm thấy như vậy từ lúc phong trào 'No Japan' khởi phát. Tôi vẫn có thể tồn tại, nhưng một số sản phẩm nhất định chắc chắn đang bị tẩy chay. Doanh số bia và rượu Nhật sụt giảm rất mạnh", Lee cho hay.
Nhật Bản và Hàn Quốc đã có lịch sử căng thẳng lâu dài. Nhật Bản xâm lược và chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945. Việc Nhật Bản thời kỳ này sử dụng lao động cưỡng bức và "phụ nữ mua vui" luôn là vấn đề nhạy cảm trong mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Nhiều người Hàn Quốc không hài lòng với những lời xin lỗi từ chính phủ Nhật Bản và không ít người tin rằng các tập đoàn Nhật phải thể hiện sự ăn năn bằng cách bồi thường cho nạn nhân. Cuộc xung đột đã kéo dài suốt hàng thập kỷ nhưng vài tháng qua trở nên căng thẳng hơn và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thương mại.
Hồi tháng 6, Tòa Thượng thẩm Seoul ra phán quyết yêu cầu Công ty Gang thép Nhật Bản bồi thường gần 86.400 USD cho 7 công dân Hàn Quốc bị ép lao động 12 tiếng mỗi ngày trong thời gian từ năm 1942 đến 1945. Chỉ vài ngày sau phán quyết, Nhật Bản thông báo quyết định hạn chế xuất khẩu, viện dẫn lý do bắt nguồn từ "các mối lo ngại an ninh quốc gia".
Tokyo cho rằng những hóa chất này có thể được dùng để chế tạo vũ khí và giới chức Nhật lo ngại Hàn Quốc bằng cách nào đó có thể cung cấp chúng cho Triều Tiên. Seoul kịch liệt bác bỏ những cáo buộc từ phía Tokyo.
"Không có bất kỳ cơ sở nào cho nỗi lo lắng về an ninh quốc gia mà Nhật Bản nêu ra", Sohn Kiyoun, giáo sư thương mại quốc tế tại Đại học Quốc gia Incheon, Hàn Quốc, bình luận. "Nhật Bản không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho thấy vấn đề an ninh quốc gia mà họ gặp phải liên quan tới chính phủ Hàn Quốc và các công ty Hàn Quốc... Động thái của họ dường như bắt nguồn từ tranh cãi về vấn đề lao động cưỡng bức".
Lee Sang-joon, chủ cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ở thành phố Bucheon, Hàn Quốc. Ảnh: The World. |
Người dân Hàn Quốc khởi động chiến dịch "No Japan" bằng cách xây dựng một ứng dụng điện thoại và trang web liệt kê các sản phẩm, nhãn hiệu Nhật Bản, đi kèm sản phẩm, nhãn hiệu thay thế của Hàn Quốc.
Đến nay, hơn 200 siêu thị và cửa hàng tạp hóa Hàn Quốc đã loại bỏ các sản phẩm Nhật Bản khỏi kệ hàng. Doanh số bán bia Nhật đã giảm 21-24% tại hai chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn ở Hàn Quốc. Doanh số bán hàng của Toyota giảm 32% so với năm ngoái, trong khi mức giảm của Honda là 34%.
Nhãn hàng may mặc Nhật Bản Uniqlo cho biết doanh số đã giảm 40%. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy cứ 10 người Hàn Quốc thì có 6 người tham gia phong trào tẩy chay hàng Nhật Bản. Một nhà hàng ở Busan thậm chí còn đăng biển không tiếp khách Nhật.
"Tác động có vẻ rất lớn", giáo sư Sohn nhận xét. "Tôi nghĩ chiến dịch tẩy chay hiện nay có thể mang đến những tác động sâu rộng hơn những gì chính phủ Hàn Quốc dự đoán ban đầu".
Một cửa hàng bán đồ tráng miệng Nhật Bản, yêu cầu giấu tên vì lo sợ doanh số tiếp tục sụt giảm, cho biết khách hàng của họ đã giảm 25% trong tháng 7. Chủ cơ sở này không đồng tình với các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản, song "không dám bình luận vì rất nhiều khách hàng Hàn Quốc đã bỏ đi nơi khác".
Lee cho hay rất nhiều khách hàng không biết cửa hàng tiện lợi của ông không phải thương hiệu Nhật Bản. Thực tế, các cửa hàng 7-Eleven Hàn Quốc do công ty Korea Seven điều hành với 80% cổ phần do Tập đoàn Lotte Hàn Quốc nắm giữ. Sự hiểu lầm này khiến không ít chủ sở hữu các thương hiệu nhượng quyền Hàn Quốc hứng chịu thiệt hại.
"Nhiều khách hàng tới quầy thu ngân và phàn nàn với tôi về việc bán các sản phẩm xuất xứ từ Nhật. Số khác tin rằng 7-Eleven là của Nhật nên quyết định không tới đây mua sắm nữa", Lee nói. "Tất cả những sản phẩm Nhật Bản ở đây đều là hàng tồn. Sau khi bán hết, tôi sẽ không đặt thêm nữa. Tôi cũng phải tham gia vào chiến dịch tẩy chay thôi".
Miếng dán bên trong một xe taxi ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ghi thông điệp "Đừng đến Nhật Bản, đừng mua sản phẩm từ Nhật Bản". Ảnh: The World. |
Vũ Hoàng (Theo Global Post)
Hàn Quốc cân nhắc thắt chặt hạn chế du lịch tới Nhật Bản
Hàn Quốc hôm 11/8 tuyên bố sẽ thắt chặt hạn chế du lịch tới Nhật Bản nếu điều này cần thiết để bảo vệ sự ... |
Nhật Bản tháo ngòi nổ xung đột thương mại với Hàn Quốc?
Nhật Bản đã phê duyệt việc xuất khẩu chất cản quang cực tím mạnh sang Hàn Quốc, 1 trong 3 mặt hàng bị ảnh hưởng ... |
Quận trung tâm thủ đô Hàn Quốc tràn ngập biểu ngữ chống Nhật
Chính quyền quận Jung-gu ở Seoul hôm nay cho treo hơn 1.000 biểu ngữ chống Nhật khi căng thẳng thương mại song phương leo thang. |
Hàn Quốc bỏ thi Hoa hậu Quốc tế vì tổ chức tại Nhật Bản
Ngày 5/8, tổ chức Hoa hậu Hàn Quốc thông báo không cử thi sinh thi Miss International 2019 vì làn sóng chống Nhật Bản tại ... |
Người Hàn sục sôi trong chiến dịch tẩy chay Nhật Bản
Lee Kyung Eon và bạn chấp nhận trả 135 USD tiền phạt hủy vé máy bay, vì không muốn đi du lịch tới Nhật, quốc ... |