Doanh nghiệp đòi tự chịu trách nhiệm ATTP: Không nóng vội được...

Nề nếp làm việc của Việt Nam chưa được chuẩn. Nhiều doanh nghiệp vẫn chạy theo lợi nhuận nên rất khó kiểm soát khi cho doanh nghiệp tự quyết.

Xem xét thận trọng

Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp kiến nghị Cục ATTP (Bộ Y tế) bỏ giấy phép con đồng thời cho phép các đơn vị này tự đặt tiêu chuẩn thực phẩm.

Trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Văn Xuyền, ĐBQH Thái Bình khẳng định những vấn đề liên quan đến vệ sinh, ATTP hết sức quan trọng nên các cơ quan quản lý nhà nước cần phải xem xét, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng.

ĐBQH cho rằng khó kiểm soát tốt vấn đề ATTP trong điều kiện hiện nay khi cho doanh nghiệp tự quyết. Ảnh minh họa

Theo ông Xuyền, để nhận định kiến nghị của doanh nghiệp có cơ sở hay không, cơ quan quản lý nhà nước cần phải tiến hành rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật, thủ tục hành chính. Từ đó đánh giá xem những cái nào cần thiết, cái nào có thể bỏ qua để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

“Việc này phải làm theo từng bước cụ thể. Một là doanh nghiệp phải có ý kiến, có lập luận, căn cứ về mặt thực tiễn, khoa học để chứng minh sự cần thiết của việc bỏ giấy phép con hay để doanh nghiệp tự đặt tiêu chuẩn thực phẩm.

Trong thời buổi hội nhập, có cả doanh nghiệp nội, doanh nghiệp ngoại và liên doanh nước ngoài thì chúng ta phải hòa chung vào luật quốc tế.

Khi doanh nghiệp, hiệp hội đã đưa kiến nghị thì cơ quan quản lý nhà nước như: Cục ATTP, Bộ y tế, Bộ Công Thương, cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp sẽ tiến hành kiểm tra đánh giá đồng thời có ý kiến cụ thể để báo cáo Thủ tướng”, ông Xuyền nhấn mạnh.

Phải có lộ trình, khó làm ngay

PGS.TS Bùi Thị An, ĐBQH Hà Nội khóa XIII khẳng định, về nguyên tắc, bà ủng hộ tiến tới chỉ thực hiện hậu kiểm, cơ quan nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước luật pháp. Tuy nhiên thời điểm này, bà An cho rằng chúng ta chưa thể làm được.

Theo bà An, hiện nay nề nếp làm việc của Việt Nam chưa được chuẩn. Bên cạnh nhiều doanh nghiệp chấp hành thì nhiều đơn vị vẫn chạy theo lợi nhuận, đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nhất là sau vụ việc dàn lãnh đạo VN Pharma bị đưa ra tòa xét xử vì nhập thuốc giả chữa ung thư thì những lo lắng trên ngày càng nhiều hơn.

“Vấn đề này rất lớn, liên quan trực tiếp đến mạng sống của dân, chất lượng nguồn lực và nhiều thế hệ. Do đó chúng ta phải làm theo từng giai đoạn cụ thể, không thể nóng vội được”, bà An chia sẻ.

PGS.TS Bùi Thị An nhận định, trong giai đoạn quá độ thì những người làm công việc nhà nước phải công khai, minh bạch các thủ tục cần, đảm bảo thời hạn và hỗ trợ tối đa doanh nghiệp.

Cùng với đó, phải rà soát lại tất cả các bộ luật xem còn kẽ hở nào liên quan đến chất lượng về ATTP, các sản phẩm của nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt mà doanh nghiệp lợi dụng hay không? Từ những đánh giá, thống kê trên sẽ đưa ra các biện pháp khắc phục cụ thể.

“Chúng ta cũng cần phải đánh giá xem các doanh nghiệp đã tuân thủ hết tiêu chuẩn để sản xuất thực phẩm an toàn chưa. Nếu đảm bảo hết các yêu cầu trên, đi vào quy củ, nề nếp thì chúng ta sẽ tiến hành chỉ làm công tác hậu kiểm. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước phải tạo mọi điều kiện để cải cách hành chính, dùng công nghệ thông làm cho quá trình đó nhanh nhưng vẫn rất chính xác”, bà An nói thêm.

(http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/doanh-nghiep-doi-tu-chiu-trach-nhiem-attp-khong-nong-voi-duoc-3342020/)

Theo Hà Hoàng/Báo Đất Việt