Doanh nghiệp có thể mua điện tái tạo trực tiếp không qua EVN

Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án mua bán điện trực tiếp là qua đường dây riêng hoặc qua lưới điện quốc gia (tức là qua EVN).

Đề xuất năng lượng tái tạo có thể được bán trực tiếp không qua EVN

Đề xuất năng lượng tái tạo có thể được bán trực tiếp không qua EVN

Bộ Công Thương vừa hoàn thiện Dự thảo 1 Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) và đang tiếp tục lấy ý kiến, tiếp thu hoàn thiện trước khi trình Chính phủ.

Theo đó, bên mua là tổ chức, cá nhân dùng điện sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên, lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng từ 500.000 kWh. Còn phía nguồn cung ứng là các nhà máy năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) nối lưới, công suất trên 10 MW. Hộ gia đình chưa được mua bán trực tiếp.

Tại dự thảo, Bộ Công Thương xây dựng mô hình mua bán điện trực tiếp theo hai phương án, gồm qua đường dây riêng và lưới điện quốc gia (tức qua EVN).

Trường hợp tổ chức, cá nhân mua điện trực tiếp từ nhà máy năng lượng tái tạo qua đường dây riêng, họ sẽ không bị giới hạn các điều kiện về công suất, sản lượng, cấp điện áp đấu nối. Hợp đồng mua bán, giá điện sẽ do hai bên tự thỏa thuận. Điều kiện là các nguồn điện phải nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, cũng như quy hoạch tỉnh và có giấy phép điện lực.

Đối với hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, dự thảo Nghị định chia thành 3 mục với các đối tượng tham gia mua bán điện khác nhau là: Mua bán điện giữa đơn vị phát điện và EVN thông qua thị trường giao ngay; Mua bán điện và thanh toán giữa khách hàng sử dụng điện lớn và Tổng công ty Điện lực; Mua bán điện và thanh toán giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế DPPA để tổng hợp, tiếp thu hoàn thiện và trình Chính phủ trước ngày 30-4-2024.

Hà Linh / ANTĐ