Tôi có thói quen hay ngồi uống cafe một mình, nhất là khi đang bí trong tư duy về một vấn đề nào đó. Quán được chọn là cà phê sách trong tầng hầm của một tòa nhà nằm phía sau khuôn viên Thư viện Quốc gia Hà Nội, chỗ ngồi gần với sách nên có vẻ bình yên hơn.
Một chiều đông của Hà Nội trước Tết vừa rồi, tôi ngồi đó, một góc kín đáo. Bỗng có hai anh bạn quen phát hiện ra tôi rồi chuyển sang ngồi cùng. Một anh hăng hái bàn ngay về bản luận tội mà Viện Kiểm sát vừa đọc hôm đó tại phiên tòa xét xử vụ án nguyên chủ tịch thành phố Đà Nẵng cùng các cán bộ dưới quyền và một doanh nhân. "Ghê thật, theo cáo trạng thì họ đã lấy đi của Nhà nước tới 22 nghìn tỷ Đồng từ đất đai và công sản", anh nói, "đúng là nhiều người ở ta trở thành đại gia nhanh chóng chỉ nhờ đất công".
Anh thứ hai có vẻ trầm tĩnh hơn. Theo anh, tính giá trị thất thoát của vụ án tại thời điểm khởi tố vụ án như Viện Kiểm sát là một cách, nhưng cũng cần lưu ý tới ý kiến của các bị can về cách tính giá trị đất đai và công sản sao cho đảm bảo công bằng. Nếu giá trị này được tính tại thời điểm giao, thuê đất thì số tiền tham nhũng đâu lớn đến thế. Trước tòa, bị cáo Trần Văn Minh, cựu chủ tịch Đà Nẵng nói: "Viện kiểm sát mang giá hiện nay so với thời điểm năm 2011 để quy buộc gây thất thoát. Giả sử 10 năm nữa mới lôi chúng tôi ra xét xử thì thiệt hại phải tăng lên đến 230.000 tỷ đồng?"."
Anh ta cho rằng vẫn có gì đó chưa thực đủ căn cứ pháp lý để xác định giá trị thất thoát. "Công bằng là một việc, nhưng quan trọng hơn là người bị tội và tất cả nhân dân phải tâm phục, khẩu phục lời buộc tội mới đạt được tiêu chí của một nền tư pháp hiện đại", anh nói.
Đúng vậy, một doanh nhân nhỏ nhoi, khởi nghiệp bằng gia công đồ nhôm, tục gọi là "Vũ Nhôm", mà trở thành đại gia "hét ra lửa", có tài sản khó đếm được, lại còn can dự cả vào bộ máy chính quyền cấp tỉnh, chỉ nhờ vào thủ pháp tinh quái "vẫy vùng công sản thành tư sản", quả là bất công bằng. Trên thế giới, người ta cũng xác lập một nguyên tắc chống tham nhũng là "của cải sinh ra từ tài sản bất minh là bất minh". Tôi góp thêm ý kiến như vậy để kết thúc ý định bất thành của một buổi cà phê một mình.
Nhưng trên đường về nhà tôi vẫn tư duy về câu chuyện hai anh bạn gặp gỡ tình cờ vừa rồi đã đặt ra, cần xem rõ đầu cuối như thế nào trong pháp luật Việt Nam. Một vài phóng viên cũng gọi điện hỏi ý kiến tôi xem nên hiểu phán quyết về vụ án này như thế nào cho phải lẽ.
Tôi về, tìm hiểu kỹ mọi tài liệu. Có thể thấy đây là vụ án lớn liên quan tới việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền vi phạm pháp luật trong giao, cho thuê đất công và tài sản công gắn liền với đất cho tư nhân hướng theo việc tạo lợi ích cho tư nhân và gây thiệt hại cho Nhà nước. Các hành vi vi phạm pháp luật của các bị can xảy ra từ 2006 tới 2014 gắn với 29 đơn vị bất động sản thuộc công sản và 10 dự án đầu tư sử dụng đất để phát triển bất động sản vào mục đích kinh doanh tại Đà Nẵng.
Viện Kiểm sát đã trưng cầu giám định tư pháp của các bộ có liên quan gồm Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm rõ hành vi vi phạm các văn bản quy phạm pháp luật. Họ cũng dựa vào kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương tại thời điểm khởi tố vụ án để xác định giá trị công sản. Đây chính là những căn cứ pháp lý để buộc tội các bị can. Tội nặng hay nhẹ cũng là chỗ này.
Viện Kiểm sát đã buộc tội các bị cáo "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại Điều 219 và tội "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" quy định tại Điều 229 của Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2017. Tội tham nhũng không được đề cập, do không đủ chứng cứ về hành vi tham nhũng. Rất tiếc, Bộ Luật hình sự hiện hành nói trên có khá nhiều điều quy định về đất đai, công sản với giá trị quy thành tiền để buộc tội nhưng cũng không nói rõ việc quy thành tiền theo nguyên tắc nào và tại thời điểm nào, lúc giao đất hay lúc khởi tố.
Theo suy luận pháp luật hợp lý, giá trị quyền sử dụng đất và công sản gắn liền phải được tính theo giá trị thị trường, vì nhà nước hoàn toàn có thể thu được giá trị này khi đưa ra đấu giá trên thị trường. Viện Kiểm sát đã thực hiện xác định giá trị theo nguyên tắc này, và chắc chắn đại đa số ý kiến cũng đồng tình như vậy. Vấn đề còn lại, cơ quan công quyền nên xác định giá trị tài sản tại thời điểm nào, hệ thống của chúng ta đang có hai luồng ý kiến khác nhau.
Khoản 3, Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định "Tài sản tham nhũng là tài sản có được từ tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng". Quy định này có thể hiểu rằng mọi của cải sinh ra từ tài sản có được từ tham nhũng đều được coi là tài sản tham nhũng. Sự thực, áp dụng quy định này cho vụ án nói trên cũng không chuẩn vì vụ án không bị buộc tội tham nhũng. Vậy, lại đành phải tìm cách suy luận sao cho hợp lý hơn.
Theo kinh tế học và thống kê học, mọi giá trị quy thành tiền đều phải quy về mặt bằng giá tại cùng một thời điểm. Như vậy, cách tính giá trị thất thoát tài sản công của Viện Kiểm sát là chưa hợp lý khi tiền đã nộp được tính tại thời điểm nộp tiền nhưng giá trị đất đai và tài sản công gắn liền lại tính tại thời điểm khởi tố vụ án.
Để hợp lý, cần quy giá trị tiền "Vũ Nhôm" đã nộp trước kia về thời điểm khởi tố vụ án, tức là cộng thêm được khoảng mươi phần trăm lãi suất theo năm của ngân hàng vào số tiền đã nộp tính theo thời gian kể từ lúc nộp tiền tới thời điểm khởi tố vụ án. Kể ra, tính như vậy thì giá trị thất thoát cũng giảm hơn nhưng không giảm được nhiều lắm, vì tỷ lệ tăng giá bất động sản tại Đà Nẵng cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng.
Loay hoay với câu chuyện, tôi quên mất Luật Đất đai 2013. Điều 114 quy định: "Bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong trường hợp tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai". Theo đó, mọi thất thoát về đất đai tại vụ án "Vũ Nhôm" phải được tính theo bảng giá đất do UBND thành phố Đà Nẵng quy định, thấp hơn giá trị thị trường rất nhiều. Bảng giá đất tại thời điểm khởi tố vụ án cũng chỉ tăng ngang với lãi suất ngân hàng so với bảng giá đất tại thời điểm nộp tiền trước đây.
Tôi có cảm nhận rằng, việc hình thành Luật Đất đai 2013 như thể thấy trước câu chuyện đất công sẽ bị thất thoát trong quản lý đất đai, nên mới tồn tại quy định sao cho cán bộ có sa cơ cũng thành chuyện nhỏ.
Đặng Hùng Võ