Chỉ là ghềnh đá thiên tạo không lớn lắm và cũng không hiểm trở lắm, bên trên có miếu thờ nho nhỏ về quy mô, đơn sơ về bày trí, nhưng Dinh Cậu (thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang) lại được mệnh danh là danh thắng của Đảo Ngọc với vẻ đẹp như huyền thoại...
3 hòn đảo xinh đẹp ở Kiên Giang cho kỳ nghỉ 2.9 |
Nam Du hoang sơ tuyệt đẹp trong ảnh \'Dấu ấn Việt Nam\' |
Đẹp với vị trí "độc"
Dinh Cậu là danh xưng rút gọn của Gành (ghềnh) Dinh Cậu, tức gành đá độc lập nằm ven mép biển, tọa lạc tại thị trấn Dương Đông, bên trên có cái “dinh” (loại hình kiến trúc tâm linh) thờ “cậu”. Tuy có quy mô không lớn lắm, nhưng gần như tất cả mọi du khách đặt chân đến Đảo Ngọc đều phải “ngước nhìn” Dinh Cậu bởi sự độc đáo của vị thế “có một không hai”.
Cận cảnh khối đá hình chú heo rừng hùng dũng lao xuống biển chiến đấu với kình ngư. |
Từ Dinh Cậu, du khách sẽ mãn nhãn với việc ngắm mặt trời lặn xuống biển. |
Bãi cát trắng dưới chân gành luôn tấp nập du khách nô đùa với sóng biển. |
Tọa lạc ngay cửa sông Dương Đông, nhìn từ xa, Gành Dinh Cậu đẹp như bức tranh thủy mặc với phần đầu vắt lên bờ biển cát trắng trài dài đến mút tầm. Càng đến gần, Gành Dinh Cậu càng thêm cuốn hút bởi vẻ đẹp của những hình thù ký thú của những phiến đá được bàn thiên nhiên kiên trì và dày công đục tạc từ hàng trăm năm qua.
Tại đây, du khách không chỉ no mắt với phiến đá hình chú cá sấu đang quẫy đuôi, mà còn có cả chú lợn rừng đầu đàn đang hùng dũng lao xuống biển như muốn đẩy lùi loài kình ngư để bảo vệ đồng loại... Thật khó có cảm giác nào lý thú hơn khi tận mắt nhìn hình ảnh mặt trời đỏ ối từ từ buông mình vào lòng biển như cậu bé chuẩn bị đánh giấc say nồng sau một ngày rong chơi mệt nhoài…
Đẹp như "huyền thoại"
Lưu truyền, Dinh Cậu được cất lần đầu vào thế kỷ 17 do cư dân miền Trung vào đây định cư bằng nghề đi biển, dựng lên với vật liệu đơn sơ, quy mô nho nhỏ với mong muốn tạo ra nơi cầu may mắn trước mỗi chuyến ra khơi. Trải qua thời gian, ngôi thờ được trùng tu, tôn tạo và cất mới như ngày nay bằng vật liệu kiên cố và bày trí có phần chăm chút hơn.
Để lên đến Dinh Cậu, du khách đi qua 29 bậc thang uốn lượn và ẩn mình giữa các hộp đá cheo leo đầy bí ẩn dưới bóng cổ thụ có hình thù lạ mắt. Dọc con đường quanh co này, du khách như lạc bước vào thế giới sóng nhạc trước khi đặt chân lên Dinh được bày trí những đôi liễn ghi câu đối tri ân bằng chữ Hán như:
“Vạn cổ anh linh thông tứ hải Chấn phong bình lượng bảo lương dân”Tạm dịch:“Ngàn xưa anh linh vang bốn biển, (Dinh Cậu) như bình phong bảo vệ người dân”.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người quan tâm, nhớ mãi Dinh Cậu hơn chính là sức hút bí ẩn bên trong của tên gọi. Đã có không ít nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cất công tìm hiểu nhưng đến nay, bí ẩn này vẫn chưa được giải mã một cách thấu đáo...
Kiến trúc dinh thờ Cậu trên đỉnh Gành Dinh Cậu. |
Cận cảnh kiến trúc thờ Cậu. |
Có thuyết cho rằng, Dinh Cậu thờ vị Cậu là vị thần phù hộ người đi biển. Theo lưu truyền, xưa kia, nhiều ngư dân ra khơi gặp sóng dữ đã mãi mãi không về. Đột nhiên họ thấy một mỏm đá dần dần nổi lên nơi cửa biển. Dân đảo cho là núi thiêng nên lập miếu thờ để cầu mong thần linh che chở trước tai ương biển cả. Tin lành đồn xa dần dần hình thành nên tục thờ cúng tại mỏm đá này và đặt tên là Dinh Cậu.
Cũng có thuyết cho rằng Dinh Cậu thờ ông “Cậu” có công chăm sóc miếu Long Vương - tiền thân của nơi thờ Cậu ngày nay. Tương truyền, đầu thế kỷ XX có một người đàn ông lạ xuất hiện tại ngôi miếu Long Vương ở khu vực Dinh Cậu ngày nay. Lúc đầu, ông tá túc trong miếu, tự làm các công việc quét dọn, nhang đèn. Ông tịnh khẩu, không nói chuyện mà chỉ ra dấu nên không ai biết quê quán, gốc gác ở đâu. Mọi người chỉ đoán ông là người từ đất liền ra đảo tìm chốn tu hành.
Một thời gian sau, ông không ở trong miếu nữa mà chui xuống hang dưới lòng hòn đá lớn bên dưới đỉnh gành, quy ẩn. Ông dùng đá tự lấp cửa hang. Nhiều người lo ông chết đói đã đem cơm chay đến đặt trước cửa hang nhưng đến ngày sau vẫn thấy còn nguyên. Ông ẩn tu suốt 2 năm liền.
Một ngày nọ, người ta thấy ông ra khỏi hang, trở lên miếu Long Vương tiếp tục công việc thủ từ. Lần xuất hiện này, ông chịu nói chuyện nhưng rất kiệm lời. Mỗi khi mở miệng, ông thường tiên tri hậu vận cho những người đến đây Long Vương lễ bái, hoặc trong các buổi cúng, ông lên đồng ban phát bùa cầu an, phát tài. Từ đó, dân quanh vùng gọi ông là "Cậu".
Có thể hợp lý và chưa hợp lý, nhưng dẫu sao những tương truyền về danh xưng Dinh Cậu đã góp phần tạo nên vẻ đẹp như huyền thoại cho điểm đến không thể bỏ qua trên Đảo Ngọc.
https://laodong.vn/di/dinh-cau-dep-nhu-huyen-thoai-551911.ldo