Giới sử gia xứ sương mù đã dày công khám phá nhân thân của một trong những điệp viên Xôviết kỳ cựu nhất, người từng theo học rồi tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Oxford danh tiếng trọn cả thập niên 30 thế kỷ trước. Đó là Giáo sư Arthur Wynn 1910-2001, vị chuyên gia khả kính thuộc Bộ Khoa học công nghệ Vương quốc Anh trong suốt 60 năm ròng kể từ sau Thế chiến II.
Khi được giao trách nhiệm nghiên cứu các hồ sơ lưu trữ, do cựu điệp viên Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB) Alexander Vassiliev đào tẩu sang Anh cung cấp, cặp sử gia lão luyện John Earl Haynes và Harvey Klehr chợt phát hiện ra bản báo cáo nội bộ do Trung tướng Pavel Fitin, vị Giám đốc kỳ cựu của Cơ quan NKVD (tiền thân của KGB) ký dạo đầu tháng 7.1941 gửi Dân ủy viên phụ trách Bộ An ninh Quốc gia (MGB) Vsevolod Merkulov.
Qua đó thông báo rằng điệp viên mang bí danh “Agent Scott” đang cầm đầu một mạng lưới gián điệp ở Đại học Oxford, có vai trò tương tự như nhóm “bộ ngũ” phản gián tại Trường Đại học Cambridge do điệp viên huyền thoại Kim Philby lãnh đạo.
Bản báo cáo còn cho biết chi tiết hơn, rằng Scott vốn là đảng viên đảng Cộng sản Anh, được nhân viên NKVD nằm vùng Theodore Maly tuyển mộ thành công vào đầu tháng 10-1934 qua trung gian là nhiếp ảnh gia người Anh gốc Áo Edith Tudor-Hart - nữ giao liên chủ chốt của điệp viên sừng sỏ K. Philby.
Bức ảnh tư liệu hiếm hoi về vợ chồng điệp viên A. Wynn và Peggy Moxon, cũng là những thành viên của đảng Cộng sản Anh.
Ngoài nghề sư phạm ra, Scott còn là một chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực như quang học, viễn thông, y khoa… ắt sẽ đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước trong thời gian kế cận.
Lần giở “gia phả” các thế hệ thầy trò xuất thân từ ngôi trường nổi tiếng, chẳng khó khăn gì khi khám phá người mang bí danh “Agent Scott” chính là Giáo sư A. Wynn gạo cội. Nhờ vào uy tín của mình, ông đã lần lượt giới thiệu một loạt các cộng sự viên khoa học cùng tư tưởng thiên tả tới Viện Đại học Oxford nghiên cứu, để rồi sau khi tốt nghiệp họ được phân bổ về các cơ quan trọng yếu thuộc guồng máy chính phủ.
Giới điều tra thuộc Cơ quan Tình báo đối nội Anh (MI-5) lập tức vào cuộc, chỉ sau một thời gian ngắn đã bóc trần tới 25 nhân vật thuộc “mạng lưới Scott” còn sống hoặc đã chết, chí ít 5 người trong số này từng giữ những trọng trách khác nhau. Điển hình là hai anh em nhà Floud được Scott chiêu mộ ngay từ thời sinh viên.
Người anh Bernard Floud sau này là nghị sĩ Công đảng “có máu mặt” tại Viện Dân biểu Anh. Hay Sir Andrew Cohen trở thành nhà ngoại giao cao cấp. Hoặc quý mệnh phụ Jenifer Hart từng làm việc lâu năm trong Bộ Nội vụ Hoàng gia… Ngoài ra là viên cựu Giám đốc Viện bảo tàng Nghệ thuật quốc gia mang tên “Victoria và Albert” (V&A) ở thủ đô London, cũng như một vị giáo sư đầy trọng vọng khác từng giảng dạy tại Trường Oxford mà danh tính tạm thời được MI-5 giữ kín…
Những trang hồ sơ được tiết lộ thành sách.
Điều đáng nói là mạng lưới gián điệp Xôviết tồn tại bên trong Trường Đại học Oxford mãi hai phần ba thế kỷ sau mới bị phát hiện, trong khi điệp viên cầm đầu tổ chức phản gián lợi hại này đã ra “người thiên cổ” từ lâu. Do vậy Ban lãnh đạo MI-5 chưa thể đánh giá hết mức độ thiệt hại mà A. Wynn-Scott và các điệp viên thuộc quyền đã gây ra.
Toàn cảnh Viện Đại học Oxford nhìn từ trên cao, một trong những cơ sở giáo dục lâu đời và nổi tiếng nhất ở Anh.
Tuy rằng vào đầu thập niên 1960 Peter Wright, một nhà khoa học kiêm chỉ điểm viên thuộc MI-5 đã nêu nghi vấn về sự hiện diện của một tổ chức phản gián do Moscow dày công xây dựng ở Viện Đại học Oxford, ngay sau thời điểm “bộ ngũ” gián điệp tại Viện Đại học Cambridge bị bóc trần.
Nhưng chẳng rõ vì lý do gì mà cuộc điều tra dựa theo nguồn tin của P. Wright không được MI-5 xúc tiến, khiến điệp viên cự phách Arthur Wynn vẫn bình thản duy trì cuộc sống “hai mặt” cho đến những ngày cuối đời, khi ông mất vào cuối năm 2001 tại London, hưởng thọ 91 tuổi.
Nhà báo Australia kể về hai lần được mời làm điệp viên ở Trung Quốc
Angus Grigg từng hai lần nhận được lời đề nghị trở thành người cung cấp tin cho Trung Quốc và lần nào cũng đi kèm ... |
Hồ sơ mật: Lý do điệp viên “James Bond” của Anh bị xử tử ở Nga
VOV.VN - Điệp viên chống cộng Sidney Reilly của tình báo Anh đã bị nhà nước Xô viết bắt giữ vào ngày 27/9/1925 và xử ... |