Có một quan điểm kinh tế học được nhiều người chấp nhận, rằng giáo dục cũng là một dạng đầu tư. Các bậc phụ huynh đầu tư vào giáo dục cho con cái - vốn rất tốn kém hiện kim - như mọi dạng đầu tư khác, cũng để đổi lấy lợi tức trong tương lai. Lợi tức này thường được đo bằng tiền. Hoặc là sự tự hào và hài lòng.
Trong nhiều năm, các nhà kinh tế học đã sử dụng quan điểm này để đo suất sinh lợi giáo dục tại nhiều quốc gia. Ví dụ, Esther Duflo tính được rằng những đứa trẻ Indonesia trong thập kỷ 70 được học trường mới do tổng thống Suharto xây, đến tuổi trưởng thành sẽ có mức lương cao hơn 8% cho mỗi năm được đi học thêm. Con số này gần bằng suất sinh lời giáo dục tại Mỹ.
Nhưng nền giáo dục Việt Nam đang mang một vấn đề dị biệt: nó được thiết kế để hướng tới các kỳ thi, và khả năng sinh lời của giáo dục đến từ việc anh có điểm cao trong các kỳ thi hay không.
Lợi tức của giáo dục ở Việt Nam, thực chất là lợi tức của điểm thi.
Và bởi vậy, thị trường giáo dục cũng đáp ứng thiết kế này. Những người lớn tập trung “đầu tư” cho các kỳ thi theo nhiều cách. Có người dùng tiền. Có người dùng quyền lực. Có người dùng quan hệ. Số đông khác, tỏ vẻ công bằng hơn, đầu tư bằng việc hăng hái gầy dựng các lò luyện thi khổng lồ.
Vài năm trước, một trường trung học nổi tiếng của TP HCM tự hào tuyên bố: chúng tôi đã thiết kế một chương trình riêng để phục vụ chuyên biệt cho việc các em thi đại học. Báo đài đưa tin. Thày cô hồ hởi khuếch trương tư tưởng. Giáo dục như vậy mới hiệu quả. Đằng nào học chẳng là để thi.
Tôi cũng đã từng ngồi trong một lò luyện thi ở Hà Nội – một trong những lò luyện nổi tiếng nhất của thí sinh khối V thời kỳ ấy. Đông đúc, chật chội, và tất nhiên ở đó, thì “giáo dục” mang một sắc thái quái gở. Thày giáo đi qua mỗi học sinh từ một đến hai phút, nhìn vào bài tập, và nói liến thoắng về các thủ thuật. Thủ thuật, chứ không phải kiến thức. Đề cao thủ thuật là phương pháp luận của hầu hết các cuộc thi, từ gameshow truyền hình, Hoa hậu Việt Nam, tuyển dụng cho đến đại học.
Tôi bỏ sau vài ngày, dù đã đóng tiền, và trượt đại học năm ấy. Và điều đáng ngạc nhiên, là trong những ngày “học lớp 13”, ngồi thu mình bên bàn tự học trong một cơn xấu hổ triền miên, tôi mới phát hiện ra rằng trong suốt những tháng ngày “ôn thi” trước đó, có rất nhiều kiến thức cơ bản mình chưa từng được dạy.
Nói chung, đầu tư cho thi cử khác với đầu tư cho giáo dục. Thi cử chỉ là một phần hẹp của giáo dục. Hoặc có thể không liên quan: người ta không cần đầu tư cho giáo dục để vượt qua một kỳ thi. Đặc biệt là nếu họ có thể nhắn tin số báo danh cho thành viên ban khảo thí.
Một ví dụ về logic cung cầu đơn giản, là khi trình độ thầy cô được đo đếm bằng tỷ lệ học sinh có điểm thi cao, thì bản thân họ cũng sẽ phải đầu tư hòng tạo ra nguồn cung này. Nhân, Lễ, Nghĩa, Tín,… là tùy tâm, vì mấy cái này không thi. Trách thầy cô rất khó. Vì vốn thầy nào luyện thi giỏi sẽ được xã hội tưởng thưởng hậu hĩnh.
Chỉ khi lợi tức của giáo dục đến từ bản thân việc giáo dục, xã hội mới đầu tư cho “giáo dục toàn diện”. Tức là đề cao bản thân việc học, đề cao việc con em chúng ta thu nhận được những gì trên ghế nhà trường, có kỹ năng mềm không, có khả năng phản biện hay tư duy độc lập không, có biết chơi thể thao không, kiến thức có liên quan trực tiếp đến chất lượng sống sau này không. Còn nếu lợi tức của giáo dục đến từ điểm thi, thì mọi kêu gọi về “giáo dục toàn diện” đều trở thành viển vông.
Nhưng cả xã hội vẫn đang đồng lòng thiết kế để hệ thống giáo dục hướng tới việc thi cử. Các trường trung học và đại học tuyển sinh thuần túy bằng điểm thi. Các cơ quan, đặc biệt là cơ quan công, tuyển dụng thuần túy nhờ bằng cấp. Thậm chí là thiết kế chính sách cũng đưa chuyện bằng cấp làm điều kiện kinh doanh nhiều lĩnh vực khiến người dân khó hiểu.
Thoát ra khỏi hệ sinh thái điểm thi rộng lớn này, đang là điều bất khả với hầu hết phụ huynh, học sinh, thầy cô.
Trong hệ sinh thái ấy, khả năng sinh lời của giáo dục rất mơ hồ. Ở Hà Giang, tôi gặp những đứa trẻ tuyệt vọng. Chúng lớn lên trên núi, mỗi ngày đi bộ qua cả chục cây số đường mòn chênh vênh từ khi mặt trời chưa mọc, để đến trường. Một cuộc đầu tư gian khổ. Nhưng cuộc đầu tư ấy, kéo dài 5 năm, 7 năm, mà không kết thúc ở một kỳ thi, thì cũng vứt hoàn toàn.
Chúng sẽ ở lại bản, loay hoay với những mảnh ruộng bậc thang hoặc bị ép lấy chồng từ tuổi 15. Nhiều năm gian khổ để đi học, nhưng đời chúng sẽ không khác gì so với đời những đứa trẻ không được đi học ngày nào, ngoại trừ biết ký nhận vốn vay cho vùng đặc biệt khó khăn (mà cha mẹ chúng phải điểm chỉ). Lý do là chúng không đến được với những-kỳ-thi-ấy, lấy được những tấm bằng thần thánh ấy, vì quá nghèo, quá xa.
Rốt cục, trong những ông bố bà mẹ nghèo nơi ấy hình thành câu hỏi khó trả lời: học đến lớp tám thì khác gì so với học hết lớp năm, nếu xét đến chi phí khổng lồ và khả năng sinh lợi mông lung?
Nếu lợi tức của giáo dục vẫn tập trung vào các kỳ thi, vào tấm bằng, thì người ta sẽ còn xoay xở ra trăm phương ngàn kế để “đầu tư” cho cái mã chứng khoán “điểm thi” kia. Chứ không hẳn là đầu tư cho giáo dục.
Chủ tịch Đại học FPT “vạch rõ” điểm thi bất thường tại Điện Biên, Kon Tum, Lai Châu
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học FPT Lê Trường Tùng cho biết: Kết quả phân tích dữ liệu theo tổ hợp xét tuyển ... |
Bắt tạm giam Vũ Trọng Lương do nâng điểm hơn 300 bài thi tốt nghiệp
Sáng nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt Vũ Trọng ... |
Điện Biên, Kon Tum, Lai Châu xuất hiện nghi vấn về điểm thi
Sau Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, nhiều tỉnh thành khác cũng xuất hiện nghi vấn về điểm thi THPT quốc gia 2018 khi phân ... |