Diego Forlan - gã du mục vươn lên từ lời hứa với chị gái

Khi bắt đầu sự nghiệp ở tuổi 16, Forlan có lẽ chẳng hình dung được anh sẽ lang bạt từ Anh, Tây Ban Nha, Italy đến Brazil, Ấn Độ, Hong Kong.

Kitchee là đội bóng cuối cùng trong sự nghiệp chơi bóng của Forlan. Ảnh: Reuters.

Hôm 7/8, ở tuổi 40, Forlan tuyên bố giải nghệ. Nhìn lại 21 năm thi đấu chuyên nghiệp của anh, nhiều chuyên gia cho rằng phẩm chất đặc biệt của Forlan, bên cạnh kỹ năng chơi bóng, là ý chí mạnh mẽ đến khó tin. Đã có nhiều cầu thủ nản chí sau khi không thể chứng tỏ được mình tại một đội bóng lớn tầm cỡ Man Utd. Nhưng Forlan là ngoại lệ - anh hai lần giành Giày Vàng châu Âu và hai danh hiệu Vua phá lưới La Liga sau khi rời sân Old Trafford. Cũng không ít cầu thủ tính chuyện dưỡng già khi bước qua ngưỡng tuổi 30. Và Forlan vẫn là ngoại lệ, khi anh giành giải Cầu thủ hay nhất, Vua phá lưới World Cup 2010 ở tuổi 31, rồi cùng tuyển Uruguay vô địch Copa America một năm sau đó.

Suốt sự nghiệp quần đùi áo số, Forlan đã đối mặt với vô số chướng ngại vật, những nỗi thất vọng chán chường. Nhưng anh vẫn lầm lũi bước về phía trước. Bởi với Forlan, bóng đá không chỉ đơn thuần là một cái nghề.

Lời hứa với người chị

Nhìn vào thống kê 274 bàn qua 698 trận ở cấp CLB và 36 bàn qua 112 trận ở cấp độ đội tuyển quốc gia, ít ai nghĩ rằng chân sút cự phách Forlan có lúc suýt trở thành... VĐV quần vợt. Gia đình Forlan vốn có truyền thống về bóng đá. Người cha Pablo của anh từng khoác áo tuyển Uruguay dự World Cup 1974, trong khi ông ngoại Juan Carlos Corazo từng làm HLV tuyển Uruguay trong thập niên 1960.

Forlan cũng theo truyền thống với trái bóng của cha ông, nhưng là trái bóng... nỉ. Theo tờ New York Times, cho tới năm 13 tuổi, Forlan vẫn được đào tạo để trở thành một tay vợt. Song một biến cố đã vĩnh viễn thay đổi suy nghĩ của anh: chị gái Alejandra gặp tai nạn thập tử nhất sinh vào năm 1991. Vụ va chạm ô tô khiến bạn trai của Alejandra tử vong, trong khi cô phải nhập viện với phí điều trị đắt đỏ, khiến gia đình Forlan phải chạy vạy khắp nơi.

Một người bạn thân của ông Pablo Forlan, huyền thoại Diego Maradona đã trực tiếp đứng ra thu xếp khoản viện phí cho Alejandra. Chứng kiến cách một cầu thủ bóng đá thành danh có thể kiếm được nhiều tiền như thế nào và giúp đỡ những người xung quanh ra sao, Forlan quyết chí chọn con đường bóng đá. Người chị Alejandra hồi tưởng: "Điều đầu tiên Diego nói với tôi khi tôi tỉnh lại trên giường bệnh là nó sẽ trở thành một cầu thủ nổi tiếng, kiếm ra đủ tiền để tôi có thể được những bác sĩ giỏi nhất thế giới chữa trị".

Vụ tai nạn từng khiến ggười chị Alejandra nguy kịch là động lực lớn, thôi thúc Forlan tiến lên trong bóng đá.

Khác với các ngôi sao bóng đá thế hệ 7x vốn ăn tập bóng đá từ nhỏ với định hướng sự nghiệp rõ ràng, Forlan khởi đầu muộn hơn rất nhiều. Anh bắt đầu ở tuổi 13, đá trận chính thức đầu tiên trong sự nghiệp cho Independiente (Argentina) năm 18 tuổi, hai năm sau khi sang thử việc và bị CLB Nancy của Pháp từ chối.

Trong bốn năm khoác áo Indiependiente, Forlan đạt hiệu suất ấn tượng với một cầu thủ trẻ: 40 bàn qua 91 trận. Các tuyển trạch viên của bóng đá Anh không thể bỏ qua tài năng trẻ này và tới kỳ chuyển nhượng tháng 1/2002, Forlan lần thứ hai tới châu Âu để khoác áo Middlesbrough. Independiente đồng ý bán Forlan với giá 6,9 triệu bảng (8,4 triệu USD) cho CLB Anh với tổng cộng 18 đợt thanh toán và thương vụ này chỉ còn thiếu chữ ký của cầu thủ người Uruguay.

Bước ngoặt bất ngờ xảy ra vào phút chót khi Man Utd nhảy vào và đề nghị trả Independiente 6,9 triệu bảng và thanh toán một lần. Sau bốn tiếng đàm phán và được các quan chức Man Utd chào mời bằng điều khoản cá nhân hậu hĩnh hơn đề xuất của Middlesborough, Forlan quyết định khoác áo "Quỷ Đỏ".

Ngày 22/1/2002, anh ký hợp đồng bên cạnh Sir Alex Ferguson, và chỉ một tuần sau đó, anh đá trận ra mắt Man Utd khi vào sân thế chỗ... Ole Gunnar Solskjaer. Man Utd hôm đó hạ Bolton 4-0, nhưng Forlan không ghi bàn. Anh tịt ngòi không chỉ ở trận cầu đó, mà còn im tiếng suốt phần còn lại của mùa giải, dù được trao cơ hội tại cả Ngoại hạng Anh lẫn Champions League.

Phải trải qua 8 tháng liền với 27 trận đấu, Forlan mới ghi bàn đầu tiên cho Man Utd. Đó là những phút cuối trận vòng bảng Champions League, khi "Quỷ Đỏ" đang dẫn Maccabi Haifa 4-2 và được hưởng một quả phạt đền. Forlan chủ động bước lên xin David Beckham để được thực hiện quả penalty và vỡ òa cảm xúc sau khi đưa trái bóng vào lưới.

Forlan thực hiện quả đá phạt đền vào lưới Maccabi Haifa, ghi bàn đầu tiên trong màu áo Man Utd. Ảnh: Reuters.

Những tưởng bàn thắng kể trên sẽ giúp tiền đạo người Uruguay "thông nòng". Nhưng mọi chuyện không hề suôn sẻ. Trong hơn hai năm khoác áo Man Utd, anh chưa khi nào đem lại cảm giác tin cậy như chân sút chủ lực Van Nistelrooy hay thậm chí "siêu dự bị" Solskjaer. Hai ký ức người hâm mộ "Quỷ Đỏ" nhớ nhất về anh là cú đúp vào lưới Liverpool tháng 12/2012, và màn mừng bàn thắng cuồng nhiệt trước Southampton.

Sau khi ghi bàn nâng tỷ số lên 2-1 ở phút 85, Forlan cởi phăng áo. Khi trận đấu tiếp diễn, anh chưa kịp mặc xong áo và khiến người hâm mộ hò reo thích thú khi cởi trần chạy theo đuổi bóng từ đối phương. Đó là các khoảnh khắc ấn tượng nhất của Forlan trong màu áo đỏ, khi số lượng bàn thắng anh đem tới không đáp ứng được yêu cầu từ Sir Alex. Sau 98 trận đấu với chỉ vỏn vẹn 17 bàn, Forlan tạm biệt sân Old Trafford để sang Tây Ban Nha khoác áo Villareal. 

Từ đây, sự nghiệp của anh mới bắt đầu cất cánh

Khi chiêu mộ Forlan, Villareal có lẽ không nghĩ rằng sẽ có một món hời, với giá 3,2 triệu euro (3,54 triệu USD). Forlan ghi bàn ngay trận ra mắt trước Valencia và trở thành một hiện tượng của mùa giải 2004-2005. Anh ghi hàng loạt bàn thắng quan trọng, trong đó có tới năm bàn vào lưới gã khổng lồ Barca. Nhờ chuỗi bàn thắng ấn tượng của Forlan, Villareal lần đầu tiên trong lịch sử giành vé dự Champions League khi mùa giải kết thúc.

"Món hàng hớ" của Man Utd kết thúc mùa giải đầu tiên trên đất Tây Ban Nha với 25 bàn sau 39 trận, nhiều hơn tám bàn so với tổng số bàn thắng của anh trong hai mùa khoác áo "Quỷ Đỏ". Vượt qua những chân sút lừng danh như Ronaldo, Fernando Torres hay Samuel Eto’o, Forlan giành giải Pichichi cho cầu thủ ghi bàn nhiều nhất La Liga, đồng thời chia sẻ giải Chiếc giày Vàng châu Âu cùng Thierry Henry của Arsenal.

Chiếc Giày Vàng châu Âu năm 2005 đánh dấu bước đột phá đầu tiên trong sự nghiệp của Forlan. Ảnh: AFP.

Đó không phải lần duy nhất trong sự nghiệp Forlan có vinh dự trên. Mùa hè 2007, Atletico Madrid bỏ ra 21 triệu euro (23,25 triệu USD) để đưa Forlan về thay thế chủ công Torres chuyển sang Liverpool. Anh tiếp tục ghi những bàn thắng quan trọng để giúp Atletico lọt vào Champions League lần đầu tiên trong thế kỷ 21. Mùa giải 2008-2009 là thời điểm Forlan bùng nổ với 32 bàn sau 33 trận và lần thứ hai đoạt cú đúp danh hiệu Pichichi cùng Chiếc giày Vàng châu Âu. Anh cũng là người cuối cùng dành được Pichichi trước kỷ nguyên của hai quái kiệt Cristiano Ronaldo và Lionel Messi. Trong sáu mùa giải liên tiếp sau đó, Messi và Ronaldo thay nhau thống trị các kỷ lục ghi bàn với hiệu suất cao tới khó tin.

Lần hiếm hoi có một người chen giữa hai siêu nhân kể trên trong bảng thứ tự Pichichi là Luis Suarez của mùa giải 2015-2016 với 40 bàn. Suarez cũng là một người Uruguay và là một trong những chứng nhân trực tiếp cho sự xuất sắc của Diego Forlan tại World Cup 2010. Khi giải đấu lớn nhất hành tinh khởi tranh tại Nam Phi, Suarez vẫn là một tiền đạo hứa hẹn và được xem như đàn em của Forlan - lúc này đã sang tuổi 31.

Chân sút của Atletico vừa trải qua một mùa giải thành công rực rỡ với 28 bàn, trong đó có sáu bàn tại Europa League để đưa đội nhà lên ngôi vô địch. Trong trận chung kết Europa League trước Fulham, Forlan ghi cả hai bàn giúp Atletico thắng 2-1, còn bản thân được bầu làm Cầu thủ hay nhất trận. Những tưởng đó sẽ là đỉnh cao của Forlan trong năm 2010, song tiền đạo này tiếp tục mang lại những bất ngờ. Từ một đội bóng không được đánh giá quá cao trước giải, Uruguay thẳng tiến vào bán kết với điểm tựa là hàng công xuất chúng. Nếu Suarez cho thấy sự tinh quái trong lối chơi và sẵn sàng dùng tiểu xảo chơi bóng bằng tay trước Ghana, thì Forlan lại là linh hồn trong mọi đường lên bóng của đội bóng Nam Mỹ.

Anh cho thấy những phẩm chất của một tiền đạo hàng đầu thế giới: chạy không biết mệt, sút tốt bằng cả hai chân và nhạy cảm với bàn thắng. Trừ bàn thắng từ chấm phạt đền trước chủ nhà Nam Phi, cả bốn bàn còn lại của Forlan tại World Cup 2010 đều là những siêu phẩm. Anh sút xa tung nóc lưới Nam Phi và Hà Lan, đá phạt kỹ thuật hạ gục Ghana và tung người vô-lê vào lưới Đức trong trận tranh giải Ba. Không chỉ xuất sắc trong lối chơi, tinh thần rực lửa và những bước chạy không biết mệt mỏi của Forlan đã truyền cảm hứng cho toàn bộ tuyển Uruguay và những người say mê bóng đá tấn công.

Tại một giải đấu mà người ta kỳ vọng những siêu sao Messi và Ronaldo tỏa sáng, lão tướng Forlan lại là người bước lên bục vinh quang cá nhân. Anh nhận giải Quả Bóng Vàng cho cầu thủ hay nhất giải, và Vua phá lưới World Cup 2010, cũng như bàn thắng đẹp nhất giải với pha bay người dứt điểm vào lưới tuyển Đức.

Huyền thoại bóng đá Uruguay

Năm 2010 còn tiếp diễn ngọt ngào với Forlan khi anh cùng Atletico Madrid đoạt Siêu Cup châu Âu nhờ chiến thắng trước Inter Milan. Chỉ một năm sau đó, Forlan sang Italy khoác áo chính Inter với kỳ vọng thay thế Eto’o. Nhưng lần này, anh không thể tái hiện thành công như khi lấp đầy khoảng trống của Torres tại Atletico trước kia. Trong 20 trận cùng Inter, Forlan ghi vỏn vẹn hai bàn.

Khi bị Inter sớm chấm dứt hợp đồng và chuyển tới Internacional của Brazil, Forlan khẳng định trên Goal: "Tại Inter, tôi đã phải chơi một vị trí mà tôi chưa từng chơi trước đó. Giờ tôi hy vọng rằng mình sẽ lại được chơi vị trí sở trường là tiền đạo tại đây".

Inter là đội bóng châu Âu cuối cùng mà Forlan khoác áo, và trong những năm tháng cuối sự nghiệp, anh giống một gã du mục. Sau hai năm gắn bó cùng Internacional , Forlan tới Nhật Bản khoác áo Cerezo Osaka hai mùa giải rồi trở về quê nhà chơi cho Penarol. Hai mùa giải cuối sự nghiệp của Forlan diễn ra tại châu Á, lần lượt với Mumbai City rồi Kitchee.

Ước mơ được giải nghệ tại Uruguay của Forlan đã không thành, song với người dân nước này, Forlan xứng đáng được xem như một huyền thoại. Sau khi là niềm cảm hứng của năm 2010, Forlan tiếp tục đóng góp vào chức vô địch Copa America 2011 của Uruguay. Tại giải đấu mà Suarez chính thức lĩnh xướng hàng công và nhận giải Cầu thủ hay nhất, Forlan vẫn biết cách để lại dấu ấn.

Vô địch Copa America 2011 là danh hiệu tập thể lớn nhất của Forlan cùng tuyển Uruguay. 

Anh chỉ ghi hai bàn trong suốt giải đấu, nhưng đó là hai bàn thắng giúp Uruguay đánh bại Paraguay 3-0 trong trận chung kết. Hãng Reuteurs thống kê rằng các bàn thắng này giúp Forlan trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất lịch sử bóng đá Uruguay với 31 bàn, đồng thời tiếp nối truyền thống của cha ông khi cả ba thế hệ gia đình Forlan đều từng là những nhà vô địch Nam Mỹ.

Sau Copa America 2011, Forlan còn tham dự thêm một kỳ Confederations Cup 2013 và World Cup 2014. Tới tháng 3/2015, anh từ giã đội tuyển quốc gia, để lại sau lưng nhiều thành tích hiển hách với 36 bàn sau 112 trận. Dù kỷ lục ghi bàn của Forlan đã bị các hậu bối Edison Cavani và Luis Suarez vượt qua, nhưng giá trị Forlan để lại cho bóng đá không chỉ ở những bàn thắng.

Tại mọi nơi anh đi qua, Forlan đều cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực. Ngay cả tại Man Utd, những cổ viên vẫn nhớ tới anh bất chấp hiệu suất kém cỏi. Forlan hồi tưởng trên tờ FourFourTwo: "Một lần nọ, tôi cùng em trai xem trận Man Utd - Liverpool trên truyền hình tại Villareal. Cả hai chúng tôi cùng nhìn nhau với ánh mắt ngạc nhiên khi nghe tiếng hát từ trên khán đài: 'Anh ta tới từ Uruguay, anh ấy khiến những Scouser khóc thét'. Tôi không thể tin rằng CĐV Man Utd vẫn hát về tôi, khi tôi đã rời đi, và điều này khiến tôi mỉm cười suốt trận đấu đó".

Tờ New York Times nhận định rằng Forlan chơi bóng không chỉ cho bản thân. "Điều truyền động lực cho Forlan không chỉ là chơi bóng và cố ghi bàn. Anh ấy hoạt động vì quỹ thiện nguyện của chị gái nhằm tránh tai nạn tại Uruguay, là người đại diện UNICEF và còn cố gắng cải thiện cuộc sống cho người tàn tật. Forlan có thể là người bại trận hôm nay, nhưng anh là người chiến thắng của giải đấu này, và cả trong cuộc đời", báo Mỹ này viết khi Forlan dừng bước tại bán kết World Cup 2010.

Forlan là tấm gương mẫu mực về việc quyết tâm, nghị lực có thể đưa ta xa tới đâu. Bắt đầu chọn sự nghiệp bóng đá ở tuổi 13, bị từ chối ở tuổi 15 và tới 18 tuổi mới đá trận chính thức đầu tiên. Bị coi là thất bại tại Anh và chỉ chứng tỏ được tài năng ở tuổi 25. Có kỳ World Cup hay nhất sự nghiệp ở tuổi 31.

Forlan có thể là một người bước chậm, song anh không bao giờ tụt lùi.

Thịnh Joey

 

Bốn cầu thủ Thái Lan ở nước ngoài hội quân muộn
Rivaldo: 'Chơi cạnh Messi, các cầu thủ khác khó tỏa sáng mạnh nhất'
Solskjaer có 90 triệu USD mua cầu thủ trong tháng 1/2020
Ronaldo: "Cầu thủ ngày nay dễ dàng có giá 100 triệu USD"
Malaysia gọi 4 cầu thủ nhập tịch đá vòng loại World Cup 2022
/ vnexpress.net