Địa phương mở rộng xét nghiệm SARS-CoV-2, không chờ Bộ Y tế

“Dịch lần này tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước gấp 2- 3 lần. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để làm chậm lại sự lây lan của dịch”- GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nói tại buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo Sở Y tế 63 tỉnh, thành trong cả nước ngày 2.8.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 của cư dân sống tại Chung cư Thái An 2 (quận 12, TPHCM). Ảnh: Anh Nhàn

Các địa phương chủ động trong việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, không chờ đợi

Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết, ước tính đến thời điểm này, thành phố có khoảng hơn 72.000 trường hợp từ Đà Nẵng về. Hà Nội đã thực hiện test nhanh cho gần 50.000 người. Hiện nay, TP.Hà Nội vẫn còn trên 19.000 người đã đăng ký test SARS-CoV-2 nhưng chưa được thực hiện do thành phố không còn các bộ kit test nhanh.

Về năng lực xét nghiệm, thống kê bước đầu trong số 600 cơ sở có ký hợp đồng với bảo hiểm xã hội có 10 đơn vị có khả năng làm được xét nghiệm PCR, trong đó có 3 bệnh viện tư nhân. Tối đa công suất của tất cả các đơn vị trên địa bàn là 3.000 xét nghiệm một ngày. 

Ngành Y tế Hà Nội đề nghị Bộ Y tế cấp thêm test nhanh để sàng lọc tiếp những trường hợp trở về từ Đà Nẵng; thông báo danh sách các đơn vị có khả năng cung cấp sinh phẩm xét nghiệm, về giá, tránh tình trạng mỗi địa phương một giá để các đơn vị tham khảo khi mua sắm; đề nghị Bộ chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ khẩn trương tập huấn để đảm bảo an toàn sinh học cho các phòng xét nghiệm.

Trước những kiến nghị của TP.Hà Nội, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội chủ động tập huấn về an toàn sinh học cho tất cả các đơn vị trên địa bàn, không đợi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Về test nhanh, quyền Bộ trưởng cũng khẳng định, Trung ương không cấp test nhanh, mà khuyến khích làm xét nghiệm PCR. Tất cả những đơn vị có ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội trên địa bàn phải thực hiện được xét nghiệm này. Về vấn đề giá, Hà Nội phải tự hướng dẫn các đơn vị mua sắm sinh phẩm để xét nghiệm, không mua tập trung.

Quyền Bộ trưởng đề nghị các phương chủ động trong việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, không chờ đợi. Các cơ sở có đủ điều kiện đó có thể là nhà nước, có thể là tư nhân, có thể là khối y tế dự phòng, quân đội... Phải mở rộng ngay việc xét nghiệm, không nhất thiết phải thực hiện được mới làm. Ví dụ như BVĐK Medlatec sẵn sàng thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho Hà Nội với mức giá không cần cao hơn.

Bên cạnh đó, GS Nguyễn Thanh Long cũng cho biết Hà Nội mở rộng diện giám sát cộng đồng, Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng Hà Nội cần phải triển khai cả xét nghiệm PCR đối với những trường hợp có chỉ định PCR, không chỉ test nhanh.

“Các địa phương khác cũng như vậy, TPHCM, Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng triển khai xét nghiệm COVID-19 thì đã có ngân sách nhà nước sẽ chi trả, chứ không chỉ riêng ngân sách bảo hiểm. Trước kia chỉ có nhà nước, giờ có thêm ngân sách BHYT để phục vụ cho việc này”- ông Long nhấn mạnh và đề nghị các địa phương chủ động trong việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, không chờ đợi.

Tránh tình trạng người dân đến xét nghiệm nơi này từ chối, nơi kia từ chối

Theo thông tin từ Quyền Bộ trưởng, Đà Nẵng là thành phố du lịch năng động, lượng người đi đến rất lớn, có khoảng 1,4 triệu người đã từng đi đến Đà Nẵng trong 1 tháng qua (1-29.7), riêng với khu vực 3 bệnh viện thì có tới 800.000 lượt người đến. 

“Dịch lần này tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước gấp 2- 3 lần. Vì vậy, Bộ Y tế hành động rất quyết liệt, đề nghị các địa phương tăng tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để làm chậm lại sự lây lan của dịch”- GS Long nhấn mạnh. 

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói: Phải khoanh vùng càng nhanh càng tốt. Càng nhanh càng có hiệu quả để khống chế ổ dịch Đà Nẵng.

Quyền Bộ trưởng đề nghị Sở Y tế phải tập huấn ngay cho các cơ sở y tế trên địa bàn về cách thức lấy mẫu, về biện pháp phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế và những biện pháp phòng chống dịch khác nữa.

Thứ 2, ông Long đề nghị các cơ sở y tế có ký hợp đồng với Bảo hiểm xã hội, con số này khoảng 2.500 cơ sở, đều phải tiến hành xét nghiệm COVID-19 bằng nhiều hình thức là tự xét nghiệm hoặc lấy mẫu gửi về cho các cơ sở có đủ điều kiện.

“Đối tượng xét nghiệm đã thống nhất, trong Hướng dẫn của Bộ Y tế rất rõ, đối tượng rất rộng. Chúng tôi muốn xét nghiệm càng sớm càng tốt để phát hiện ra ổ dịch sớm chừng nào khống chế tốt chừng ấy. Song song với việc mở rộng xét nghiệm trong các khối khám bệnh chữa bệnh, thì các các cơ sở vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm giám sát cộng đồng” - ông nói. 

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, các địa phương cần thống kê ngay các cơ sở y tế có đủ năng lực xét nghiệm cả PCR và test nhanh để thông báo cho cơ quan BHXH địa phương để cơ quan BHXH nắm được, từ đó chủ động trong việc có thể phối hợp thực hiện. Chúng tôi cũng đã yêu cầu BHXH các địa phương thực hiện theo đúng công văn của Bộ Y tế và hướng dẫn các địa phương tạm thời có 2 mã thanh toán cho 2 chi phí xét nghiệm này, hiện đã cập nhật trên hệ thống giám định để có thể thanh toán tạm ứng cho các cơ sở y tế.

Tăng kỷ lục COVID-19, Philippines cập nhật chiến lược chống dịch
Thái Bình: Cách ly xã hội huyện Hưng Hà từ 0h ngày 2.8
Hà Nội: Thiếu 20.000 bộ test SARS-CoV-2 cho người trở về từ Đà Nẵng

 

/ laodong.vn