Đi tìm lời xin lỗi trên mạng xã hội

Lời xin lỗi thực sự trở thành một thứ xa xỉ. Thậm chí số người trúng Vietlott có khi còn nhiều hơn số lời xin lỗi xuất hiện trên Facebook.

Câu chuyện mẹ của cậu bé 15 tuổi kéo đàn trên phố đi bộ tố lực lượng chức năng quát tháo con chị, truy hỏi giấy phép đã gây bão dư luận với hàng trăm, hàng nghìn bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội.

Cụ thể mẹ cậu bé viết rằng: "Kính gửi anh Hà Mạnh Hùng và các anh công an Quận Hoàn Kiếm!

Tôi đăng dòng trạng thái này kính gửi lời xin lỗi sâu sắc tới các anh vì sự việc tôi đưa lên Facebook cá nhân tối ngày 28 tháng 7 năm 2017.

Do nóng vội và thương con một cách mù quáng, tôi đã đăng tải thông tin xúc phạm lực lượng an ninh các anh về sự việc diễn ra khi mà tôi là người không có mặt ở đó. Điều đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới các anh, làm ảnh hưởng uy tín và danh dự của các anh.

Tôi xin được chính thức rút lại lời nói thiếu căn cứ của tôi và xin được xin lỗi các anh. Sau khi đăng tải dòng trạng thái này, tôi sẽ trực tiếp đến gặp các anh để xin lỗi.

Đây là sai lầm bộc phát không đáng có, tôi kính mong các anh thông cảm và lượng thứ.

Tôi cũng xin được gửi lời xin lỗi chân thành tới cộng đồng mạng. Tôi đã lấy quá nhiều thời gian của các bạn và làm phiền các bạn. Rất mong được các bạn bỏ qua.

Bạn bè trong danh sách bạn bè Facebook của tôi làm ơn không đưa ra bất kì bình luận nào bênh vực tôi hay bình luận về dòng trạng thái này vì tôi đã làm một việc sai trái.

Tôi xin chân thành cảm ơn!".

Chỉ sau 48 tiếng, mẹ cậu bé đã công khai nhận sai và xin lỗi khiến nhiều người đang hừng hực ý kiến phản ứng lực lượng chức năng đã thành ra… việt vị.

di tim loi xin loi tren mang xa hoi

Lời xin lỗi thực sự trở thành một thứ xa xỉ. Thậm chí số người trúng Vietlott có khi còn nhiều hơn số lời xin lỗi xuất hiện trên Facebook (Ảnh minh họa).

Tôi cố gắng đi tìm những bài viết đanh thép lên án trước đó để xem có ai đăng status xin lỗi vì “chửi nhầm” không nhưng tuyệt nhiên không thấy (hoặc họ để lời xin lỗi ở chế độ riêng tư nên tôi không đọc được chăng?).

Câu chuyện cả đám thanh niên đánh hai phụ nữ bán tăm nghi là bắt cóc trẻ em nhưng đến khi đăng đàn xin lỗi lại chỉ có là những người… già.

Hay nhiều câu chuyện khác đã và đang diễn ra trên mạng xã hội, thật khó để tìm ra những lời xin lỗi. Liệu có phải việc xin lỗi một ai đó là thật khó với nhiều người. Đặc biệt là những người tay nhanh hơn não???

Với tâm thế dùng mạng xã hội như một trò chơi, người ta dễ dàng a dua theo một quan điểm, dễ dàng cổ xuý cho bất cứ trào lưu nào, chỉ dựa trên cảm tính cá nhân, hoặc lợi ích trực tiếp mà không cần quan tâm tới khả năng chịu trách nhiệm đối với hậu quả từ hành vi trên mạng xã hội của bản thân.

Sự thiếu vắng trách nhiệm của người dùng mạng xã hội khiến họ có thể lớn tiếng xúc phạm, chửi mắng bất cứ ai, chỉ dựa trên định kiến, hoặc tình cảm của mình. Họ cũng có thể làm lây lan nỗi sợ hãi, thù ghét, sử dụng bạo lực đối với đồng loại bởi những ý nghĩ của bản thân, thông qua suy diễn ác ý, hoặc ngây thơ, của cá nhân.

Hàng ngày, trên Facebook, người ta share hàng trăm, hàng ngàn những tin tức, những bài viết từ giật gân câu khách (mà chẳng cần để ý xem nguồn tin đó chính xác không, đáng tin cậy không, miễn là nó hot, câu like, câu views hoặc chỉ đơn giản là thích thì share) đến những bài viết thóa mạ nhau, những bài “bóc phốt” này nọ (như vụ bán trà đá bằng nước rửa chân)… Để rồi khi có thông tin chính thống thì những người share thậm chí chẳng xóa link đi chứ đừng nói là xin lỗi. Chúng ta cứ tùy tiện coi Facebook chỉ là thùng rác. Miễn phí mà, có phải không? Nên đưa gì lên chả được. Đúng sai chả quan tâm.

Lời xin lỗi thực sự trở thành một thứ xa xỉ. Thậm chí số người trúng Vietlott có khi còn nhiều hơn số lời xin lỗi xuất hiện trên Facebook. Ai mà thèm để ý đến việc xin lỗi vì lỗi là tại… nguồn tin sai chứ chẳng liên quan gì đến tôi- kẻ truyền tiếp cái tin đó đi khắp nơi. Lỗi chẳng bao giờ thuộc về chúng tôi cả. Thì lấy gì chúng tôi xin lỗi???

Những vụ “hoang tin” thì cứ mỗi lúc một nhiều lên như vụ ở Yên Hòa, Cầu Giấy vừa mới đây thôi. Kẻ bị đánh là kẻ trộm cắp nhưng khi lên mạng thì lại thành kẻ bắt cóc trẻ em. Người ta cứ thế mà share đi khắp nơi. Nhưng khi báo chí vào cuộc tìm hiểu và đưa ra sự thật rằng đó không phải là kẻ bắt cóc đâu thì… chả ai share tin đó cả. Là bởi người ta thích tin bắt cóc bị đánh hơn là kẻ trộm cắp bị đánh chăng?

Ai đó có thể nói về quyền riêng của mỗi người với Facebook của họ. Nhưng nếu cái quyền riêng ấy khiến người khác khốn đốn thì tôi thấy nó vẫn ác ác làm sao ấy. Khi mà ngoài cách đưa lên Facebook, chúng ta hoàn toàn có thể có một vạn tám nghìn cách khác kia mà? Nếu lòng ta, tâm ta muốn mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn. Không thể tạo ra 1 cuộc chiến tranh để cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn nếu như chúng ta còn nhiều cách khác. Là tôi nghĩ thế!

Trong số những ai đang tay nhanh hơn não và miệng bị đóng vôi lời xin lỗi kia ơi, các bạn có con cái chưa? Và nếu mai này có con, các bạn có dạy con nói lời xin lỗi không? Hay lại dạy con “đánh chừa cái đất, đánh chừa cái ghế làm con ngã này”? Có lẽ, đã đến lúc môn giáo dục công dân trong trường cần nhiều hơn nữa việc dạy trẻ nói lời xin lỗi, học cách xin lỗi chứ trông chờ vào các bậc cha mẹ dạy con xin lỗi ở cái thời đại tung toé này hẳn là quá khó!

/ nguoiduatin.vn