Đi tìm Bùi Tiến Dũng của ngày xưa

Kể từ sau VCK U23 châu Á ở Thường Châu cách đây gần 3 năm trước, cuộc sống của Bùi Tiến Dũng đã thay đổi theo chiều hướng tốt lên rất nhiều. Nhưng ngược lại, phong độ của anh lại xuống dốc không phanh.

Từ “zero” đến “hero”

Năm 2016, HLV Hoàng Anh Tuấn triệu tập một cái tên lạ trước thềm giải U21 Nations Cup 2016 ở vị trí thủ môn. Không ai biết đến Bùi Tiến Dũng ở thời điểm đấy. Cùng lắm, người ta chỉ nhớ đến thủ môn sinh năm 1997 này vì là anh trai của Bùi Tiến Dụng.

Khởi điểm vô danh là thế nhưng Bùi Tiến Dũng cũng nhờ vậy mà thi đấu một cách đầy vô tư. Tại VCK U19 châu Á 2016, phong độ với phản xạ xuất thần của Dũng “gôn” đóng một vai trò quan trọng để giúp U19 Việt Nam đi vào lịch sử với tấm vé dự U20 World Cup 2017. Ngay cả giải đấu trên đất Hàn Quốc, dù U20 Việt Nam sớm chia tay ngay từ vòng bảng nhưng Tiến Dũng vẫn là một trong những điểm nhấn đáng để người ta kỳ vọng trong tương lai.

Không phải chờ đợi quá lâu. VCK U23 châu Á 2018 có thể xem là một giải đấu để đời của Bùi Tiến Dũng. Đặc biệt là ở vòng tứ kết và bán kết trước U23 Iraq và U23 Qatar, Tiến Dũng trở thành nỗi ám ảnh với các chân sút đội bạn bởi những tình huống cứu thua xuất sắc ở loạt luân lưu. Cho đến bây giờ, Tiến Dũng vẫn rất có duyên trong mỗi lần đối mặt với chân sút đội bạn trên chấm 11 mét. Nhưng kỹ năng của một thủ môn không thể cứ gói gọn trong những quả đá phạt đền.

Sau VCK U23 châu Á 2018, Bùi Tiến Dũng là người hùng của bóng đá Việt Nam. Anh không còn là người vô danh như chính bản thân mình cách đây 2 năm về trước. Cuộc sống của một chàng trai dân tộc nghèo khổ, từng có lúc tay tứa máu vì đi kéo cây bán lấy tiền học phí thay đổi 180 độ. Những bản hợp đồng tiền tỷ đến với Tiến Dũng. Tất nhiên, Tiến Dũng không phải diện “phá gia chi tử”. Anh không vung tiền trong những cuộc vui thú thâu đêm cùng các chân dài bốc lửa. Tiến Dũng dành tiền để cải thiện cuộc sống của gia đình. Anh dùng tiền mua nhà, đầu tư kinh doanh. Cũng vì thế, Tiến Dũng “tĩnh” hơn, lựa chọn một cuộc sống với quan điểm nhẹ nhàng hơn cho bản thân mình. Với Tiến Dũng, VCK U23 châu Á 2018 có thể xem là vận may đổi đời thật sự cho anh, cho em trai Bùi Tiến Dụng và cho cả gia đình mình nữa.

Bùi Tiến Dũng liên tục bị “hạ giá” vì những sai lầm đáng trách.

Liệu Bùi Tiến Dũng đã hết duyên với bóng đá?

Tiến Dũng thực sự đã bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Và chính sự bằng lòng ấy có thể hiểu như một sự chấp nhận trong tài năng có sự giới hạn khi làm thủ môn nơi Tiến Dũng. Như đã phân tích, Tiến Dũng từng thắng rất nhiều cầu thủ giỏi trên chấm 11 mét. Nhưng kỹ năng của một thủ môn không thể cứ chờ mãi đến khi bắt phạt đền để thể hiện bản thân. Và 90 phút trên sân, bóng không bằng giờ đứng yên trên chấm 11 mét.

Và khi đó, những điểm yếu nơi Bùi Tiến Dũng bắt đầu lộ ra, nổi bật nhất là khả năng đọc trận đấu, phán đoán tình huống và xác định điểm rơi. Thống kê gần nhất là ở 2 trận vừa qua tại Cúp quốc gia, Bùi Tiến Dũng đã thủng lưới tới 7 lần. Trong số đó, Tiến Dũng mắc 2 sai lầm đáng trách. Phân tích kỹ càng hơn, ở trận thua 1-5 của TP.HCM trước Hà Nội FC, tình huống dẫn đến bàn thua đầu tiên xuất phát từ việc Tiến Dũng băng ra nhưng xử lý động tác tay không tốt. Bên cạnh sự nhát bóng (Tiến Dũng nhắm chặt mắt) thì anh cũng không hề dang rộng tay để thu hẹp góc sút đối phương như lý thuyết. Thay vào đó, Tiến Dũng lại thu 2 tay về phía dưới như một phản xạ bảo vệ bản thân thay vì bảo vệ cầu môn đội nhà. Và từ đó, Tiến Dũng đã để Văn Quyết đoạt được bóng và chọc thủng lưới.

Đó không phải là lần đầu tiên Tiến Dũng mắc sai lầm. Ở trận đấu với Bà Rịa - Vũng Tàu, bàn thua thứ 2 của TP.HCM cũng cho thấy Tiến Dũng sai lầm ra sao. Thay vì anh băng ra bắt đúng điểm rơi của trái bóng thì Tiến Dũng lại bay người cho có lệ. Nói là thế bởi khoảng cách từ vị trí bóng chạm đầu của cầu thủ Bà Rịa - Vũng Tàu ghi bàn đến điểm mà Tiến Dũng đổ người còn cách nhau cả mét.

Đấy là chưa kể những sai lầm mà Tiến Dũng trải qua ở SEA Games 2019 hay VCK U23 châu Á 2020. Điều đó khiến cho niềm tin nơi thủ môn này bị giảm đi đáng kể. Nói về chính sai lầm của mình, Tiến Dũng từng lý giải và thừa nhận: “Lúc mới tập bóng đá, tôi chơi trung vệ và có lúc được đẩy lên đá tiền đạo. Mãi đến năm 16 tuổi, lúc đội trẻ Thanh Hoá thiếu người bắt gôn, cựu thủ môn Nguyễn Thanh Tuấn thấy tôi có chút năng khiếu nên đã xếp vào chơi vị trí này và gắn bó luôn đến bây giờ. Ở Việt Nam có khá nhiều thủ môn xuất phát điểm muộn và cũng không được đào tạo chuyên sâu như tôi nên lấy lý do ấy để biện minh cho những sai lầm của mình e không ổn. Sai lầm của thủ môn trong một trận đấu rất khó lý giải, có thể là do mất tập trung, do hoàn cảnh, hoặc nhiều yếu tố trên sân tác động. Ngay những thủ môn lừng danh trên thế giới cũng không ít lần phạm những sai sót rất sơ đẳng và cũng chẳng thể giải thích vì sao. Thật sự đến giờ tôi cũng không rõ tại sao lại có thể phạm những sai lầm liên tiếp như vậy, vì cầu thủ ai cũng muốn phải thi đấu thật tốt. Nhiều lúc tôi tự hỏi, có phải do ít được thi đấu thường xuyên, do áp lực và cũng có thể là từ sự hưng phấn quá mức khiến đôi lúc bản thân bị mất tập trung, nhưng đều cảm thấy không thỏa đáng, bởi sai lầm đều do bản thân mà ra chứ không nên biện minh gì cả”.

Thủ môn là một nghề đặc thù mà tính ổn định quyết định cả thành bại sự nghiệp của họ. Chỉ cần 1-2 sai lầm trong một giai đoạn thôi, họ hoàn toàn có thể bị đẩy lên băng ghế dự bị. Và với HLV Park Hang Seo, Tiến Dũng lúc này cũng không còn là cái tên được ông ưu tiên trao cơ hội nữa. Có lẽ, Tiến Dũng đã hết thời. Và cay đắng hơn, anh đang tự bằng lòng với những gì mình đang có, khi có cố gắng hơn nữa cũng không thể khỏa lấp những sai lầm sơ đẳng vì không được đào tạo bài bản khi còn trẻ.

PV

Liên tiếp mắc sai lầm nghiêm trọng, thủ môn Bùi Tiến Dũng hết thời? Liên tiếp mắc sai lầm nghiêm trọng, thủ môn Bùi Tiến Dũng hết thời?
Mẫu tây nóng bỏng là bạn gái của thủ môn Bùi Tiến Dũng Mẫu tây nóng bỏng là bạn gái của thủ môn Bùi Tiến Dũng

/ cand.com.vn