Ngày 5-11, ĐH Kinh doanh và Công nghệ sẽ xem xét trách nhiệm các cá nhân liên quan đồng thời có phương án tiêu huỷ toàn bộ số giáo trình in “đường lưỡi bò” vừa bị phát hiện.
Liên quan đến sự việc này, ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho biết, cơ quan Công an đã đến làm việc với nhà trường. Lực lượng chức năng đã thu hồi một số cuốn giáo trình để phục vụ quá trình xác minh, làm rõ. Dự kiến ngày 5-11, trường sẽ xem xét trách nhiệm cá nhân liên quan cũng như chính thức có phương án tiêu huỷ toàn bộ giáo trình này
Giáo trình Đọc sơ cấp 1 “Developing Chinese” được sử dụng cho giảng viên, sinh viên Khoa Tiếng Trung và Tiếng Nhật trường ĐH Kinh Doanh và Công nghệ từ đầu năm học nhưng đến nay mới phát hiện có bản đồ in “đường lưỡi bò”.
Phó Chủ nhiệm Khoa tiếng Trung-Nhật Đào Thị Thuý Hằng cho biết tổ bộ môn khoa học của khoa này rà soát nội dung của cuốn giáo trình trên trước khi đưa vào giảng dạy. Kết quả cho thấy không có nội dung nào sai lệch về chính trị hay đề cập về tranh chấp biển đảo.
ĐH Kinh doanh và Công nghệ thừa nhận sai sót khi đưa giáo trình tiếng Trung vào giảng dạy
Tuy nhiên, bà Hằng thừa nhận, tổ chuyên môn đã sai sót khi mới chỉ chú trọng vào phần dạy từ vựng, ngữ pháp, kết cấu bài học mà không chú ý về hình ảnh trong sách. “Sau khi thu hồi, khoa cho tất cả sinh viên chấm dứt không dùng. Chúng tôi đang sử dụng biên soạn và sử dụng bài giảng khác cho sinh viên”- bà Hằng cho biết.
Đây là giáo trình dạy và học tập dành cho sinh viên năm nhất khoa Trung - Nhật. Khi sử dụng, sinh viên phát hiện nên báo với lãnh đạo khoa và nhà trường. Theo phản ánh của sinh viên, bài 7 (trang 36) của cuốn giáo trình này có in hình bản đồ Trung Quốc kèm “đường lưỡi bò” ôm gần trọn biển Đông. Quá trình thu hồi các giáo trình có in hình "đường lưỡi bò" phi pháp này được thực hiện từ tuần trước. Cho đến nay số lượng sách thu hồi lên đến gần 1.000 cuốn. Khoa tiếng Trung - Nhật phải hoàn thành việc thu hồi này trước ngày 20/11/2019.
"Đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" do Trung Quốc tự đặt ra, đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.