Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lưu giáo trình "Developing Chinese" có bản đồ "đường lưỡi bò" từ 3-4 năm và năm nay mới cho sinh viên sử dụng.
Ngày 4/11, tại trụ sở Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (phố Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), bà Đào Thị Thúy Hằng, Phó trưởng khoa Trung - Nhật, giải thích bộ giáo trình "Developing Chinese" gồm ba cuốn Elementary Comprehensive Course (Tổng quan), Elementary Listening Course (Nghe) và Elementary Reading and Writing Course (Đọc - Viết) do sinh viên thực tập mang về cách đây 3-4 năm.
Khi đó, nhóm sinh viên của trường sang Bắc Kinh (Trung Quốc) thực tập theo chương trình đào tạo. Trước khi sang, giảng viên của khoa dặn nếu thấy giáo trình nào nội dung hay, khoa học thì mang về khoa làm tài liệu. "Các em đã mua về bộ giáo trình của Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh và chúng được lưu lại ở khoa làm tài liệu tham khảo kể từ đó", bà Hằng nói.
Hai cuốn giáo trình bị thu hồi. Ảnh: Dương Tâm |
Theo bà Hằng, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, khoa Trung - Nhật đem những cuốn giáo trình thuộc bộ "Developing Chinese" ra cho sinh viên mới vào trường năm học 2019-2020 "dùng thử". Giáo trình được photo lại từ cuốn gốc do sinh viên mang về, được Trung tâm phát hành sách của trường bán. Khoa chưa bao giờ đặt vấn đề bản quyền với Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh về việc đưa cuốn giáo trình vào giảng dạy vì "không có kinh phí".
Song song với việc cho sinh viên "dùng thử", cuối tháng 9, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ra quyết định lập Hội đồng lựa chọn giáo trình với 5 thành viên để tiến hành phê duyệt. Khi đọc bài 7 của giáo trình Đọc - Viết, Hội đồng phát hiện ra có bản đồ đường lưỡi bò. "Lúc đó, sinh viên mới học đến bài 4 nên chúng tôi quyết định thu hồi và cố gắng xử lý nhanh, tránh để các em tiếp xúc với thông tin này", bà Hằng nói.
Về việc xem xét và phê duyệt giáo trình, bà Hằng cho hay, trên góc độ học thuật, Hội đồng thẩm định sẽ xem bố cục mỗi bài học, cách sắp xếp giải thích ngữ pháp. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định không mở từng trang ra mà xem mục lục trước để nắm bố cục, chủ đề từng bài, sau đó sẽ kiểm tra ngẫu nhiên một số bài xem ngữ pháp, cách đặt câu, bài tập có ổn hay không.
Phó trưởng khoa Trung - Nhật cho biết với các giáo trình khác, Hội đồng thẩm định luôn xem xét trước rồi mới ra quyết định dùng. Nhưng bộ giáo trình này khoa đã quyết định cho sinh viên dùng thử vì "năm nay số lượng sinh viên đông, khoa muốn nhân cơ hội này để cải tiến và nâng cao chất lượng".
"Khoa Trung - Nhật xin chịu trách nhiệm vì trong quá trình tìm hiểu giáo trình có sai sót. Chúng tôi đã quá tập trung vào nội dung giảng dạy từ vựng, ngữ pháp, kết cấu bài học mà không chú ý đến hình vẽ", bà Hằng nói.
Thông tin do bà Hằng đưa ra có nhiều điểm mâu thuẫn với phần giải thích của cấp trên là Trưởng khoa Bùi Văn Thanh. Trả lời VnExpress ngày 3/11, ông Thanh cho biết giáo trình được đưa về khoa sau khi giảng viên và sinh viên nhà trường sang Bắc Kinh tập huấn, thấy giáo trình hay, ngữ pháp và cách đặt câu logic hơn những cuốn cũ ở khoa.
Theo ông Thanh, khoa Trung - Nhật đã thành lập Hội đồng khoa học xem xét, đánh giá để đưa vào sử dụng. Sau khi kiểm duyệt, Hội đồng thấy sách không vi phạm gì về đường lối chính trị hay các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo. Ông Thanh thừa nhận do bản đồ có "đường lưỡi bò" là hình minh họa nhỏ nên hội đồng đã không phát hiện ra.
Nguyễn My, sinh viên năm nhất ngành Ngôn ngữ Trung, cũng cho hay không được nhà trường khuyến cáo giáo trình đang trong quá trình dùng thử mà chỉ đăng ký mua cùng lớp theo danh sách giáo trình do khoa cung cấp. "Chúng em nhận được thông báo thu hồi từ tuần trước, nhưng trường chỉ nói để kiểm tra. Hai hôm nay, chúng em mới biết do sách có điều bất ổn", My nói và cho biết thêm đã học hết bài 5 và bước sang bài 6 của những cuốn giáo trình đó.
Bản đồ "đường lưỡi bò trong giáo trình Đọc - Viết "Developing Chinese". Ảnh: Dương Tâm |
Về số lượng giáo trình phát hành, ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết trường đã bán 716 cuốn Đọc - Viết và Nghe "Developing Chinese", giá mỗi cuốn 30.000 đồng. Đến hôm nay, số lượng thu hồi là hơn 1.000 (gồm nhiều cuốn sinh viên tự photo), tất cả được lưu giữ ở khoa Trung - Nhật.
Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội yêu cầu khoa Trung - Nhật thu hồi triệt để giáo trình có bản đồ "đường lưỡi bò" phát cho sinh viên và giảng viên trước khi ra quyết định tiêu hủy.
Liên quan đến giáo trình có "đường lưỡi bò" phi pháp, Phòng an ninh chính trị nội bộ (PA03), Công an Hà Nội hôm nay đã làm việc với Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
"Đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" do Trung Quốc ngang nhiên vạch ra, đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò".
Trong cuốn Đọc và viết sơ cấp 1 "Developing Chinese" do Đại học Kinh doanh và Công nghệ lưu trữ, bản đồ mô tả lãnh thổ Trung Quốc có thêm "đường lưỡi bò" được in to, rõ nét. Ở cuốn Nghe sơ cấp 1 "Developing Chinese", hình ảnh in nhỏ hơn. |
Dương Tâm
Sử dụng giáo trình có "đường lưỡi bò": Công an Hà Nội làm việc với trường
Phòng an ninh chính trị nội bộ PA03, Công an Hà Nội vừa làm việc với Đại học Kinh doanh và Công nghệ về cuốn ... |
Giáo trình trường đại học có bản đồ "đường lưỡi bò"
Bản đồ có "đường lưỡi bò" được in trong trang 36 cuốn Đọc sơ cấp 1 "Developing Chinese" của Đại học Kinh doanh và Công ... |