Thực tế chuyện thuê nhà, thuê phòng khách sạn hoặc thuê điểm karaoke để tổ chức “tiệc ma túy” không phải mới mà hiện tượng này đã xuất hiện từ hàng chục năm trước. Tuy nhiên, do có kẽ hở pháp lý nên việc xử lý hình sự các hành vi này gặp nhiều khó khăn. Cho đến nay, việc xử lý hành vi “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa đồng nhất nên tính răn đe pháp luật chưa cao.
“Tiệc ma túy” - trào lưu thách thức pháp luật của dân “bay lắc”
Gần đây, Công an nhiều địa phương của cả nước liên tục phát hiện vụ việc tổ chức, chứa chấp, sử dụng ma túy tập ... |
Tổ chức tiệc chiêu đãi… ma túy không còn là hiện tượng đơn lẻ nữa mà có vẻ như đã trở thành một trào lưu của dân “bay lắc” nhiều địa phương, trong đó có nhiều người trẻ, hoạt động ngày càng phổ biến, thách thức pháp luật.
Trong vụ việc có liên quan đến “tiệc ma túy” mà Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) đang tập trung điều tra cho thấy, trong số 56 đối tượng tụ tập sử dụng ma túy bị bắt quả tang không chỉ có nam nữ thanh niên là người ở Khánh Hòa mà còn có các đối tượng đến từ các địa phương: Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Ninh Bình và Hà Nội; không phải chỉ có người Kinh, còn có cả thiếu nữ là người dân tộc thiểu số và hầu hết đều thuộc thế hệ 9X.
Trừ số đã được sử dụng, số tang vật còn lại tại hiện trường là 5,2038g ma túy loại Ketamine và 2,9024g ma túy loại MDMA. Cùng với việc khởi tố, bắt tạm giam Trần Anh Tuấn và Đường Quốc Thuận về tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”, Công an TP Nha Trang tiếp tục đấu tranh làm rõ hành vi sử dụng ma túy của các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.
Nhìn nhận vấn đề từ góc độ pháp lý, nhiều chuyên gia cho rằng chính là do luật pháp vẫn còn kẽ hở nên việc xử lý hình sự các hành vi thuê nhà, thuê phòng để tổ chức “tiệc ma tuý” gặp nhiều khó khăn, hoặc thiếu tính răn đe.
Một số đối tượng trong số 56 nam, nữ thanh niên tụ tập sử dụng ma túy bị Công an TP Nha Trang bắt quả tang. |
Ngày 10/9, trao đổi với PV Báo CAND, một cán bộ Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cũng nhìn nhận thực tế này, kể một số vụ việc từng được phát hiện rên địa bàn, cho biết: “Khi bị phát hiện, hầu hết các đối tượng đều khai nhận mình hùn tiền nhau để mua ma túy và thuê địa điểm sử dụng chứ không ai đứng ra tổ chức cả. Người cho thuê nhà, thuê phòng cũng vậy, họ một mực khẳng định mình không hề biết các đối tượng thuê phòng để sử dụng ma túy nên rất khó để xử lý hành vi tổ chức sử dụng ma túy”.
Một vụ việc khá điển hình trước đây là băng cướp do Đoàn Lê Hậu (ngụ quận 10, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu với số lượng đàn em lên đến gần 50 đối tượng. Sau khi có tiền từ bán tài sản cướp giật, chúng mua ma túy, loa, amly… rồi thuê phòng khách sạn để tự chiêu đãi bằng “tiệc ma túy”, lắc lư điên cuồng theo điệu nhạc. Có những khách sạn chúng đến thuê hàng chục lần nhưng khi bị phát hiện, chủ khách sạn chỉ cần khai “không biết”, “không hay” là thoát tội. Nếu có, họ chỉ bị xử phạt hành chính về các hành vi khác như: Không giấy phép kinh doanh, người thuê không có giấy tờ tùy thân...
Việc xử lý hành vi “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” đang gặp khó do quy định của pháp luật vẫn chưa chặt chẽ, thiếu thống nhất, dẫn đến tính răn đe chưa cao. Không ít chủ nhân “tiệc ma túy” thường bám vào yếu tố này, một mực giữ lời khai theo hướng: “Tôi mua ma túy về sử dụng trong tiệc rồi để đấy, bạn bè tôi tự lấy sử dụng chứ tôi không rủ rê”.
Trước đây, tại điểm b, tiểu mục 7.3, mục 7, phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT ngày 24-12-2007 của Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao và Bộ Tư pháp quy định: Người nghiện ma tuý cho người nghiện ma tuý khác cùng sử dụng trái phép chất ma tuý tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý”.
Thông tư 08/2015/TTLT sau đó đã bãi bỏ quy định vừa kể trên trong khi đó, Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP (Nghị quyết 02) ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao (thể hiện tại điểm đ khoản 2 Mục II - quyết nghị về trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể, trong đó có trường hợp trên) vẫn còn giá trị pháp lý. Theo một luật sư, nếu theo Nghị quyết này, hành vi tổ chức “tiệc ma tuý” không phạm tội theo quy định Điều 256 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hơn nữa, căn cứ theo Điều 21 và Điều 25 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015, việc áp dụng pháp luật trong xét xử phải nghiên cứu vận dụng theo hướng dẫn của Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán.
Vấn đề bất cập đặt ra ở đây chính là người bán ma tuý cũng là con nghiện ma tuý, sau khi bán xong lại cho con nghiện ma tuý sử dụng ngay tại địa điểm thuộc quyền sở hữu... của mình hoặc sử dụng cùng thì xử lý như thế nào? Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, đa số đối tượng bán ma tuý cũng là con nghiện, bán ma tuý cho con nghiện khác và cho sử dụng tại nơi ở của mình để kiếm lời phục vụ cho việc nghiện của mình hiện nay vẫn là phổ biến.
“Do quy định của pháp luật còn chưa chặt chẽ nên đã xảy ra tình trạng đối tượng sau khi bị bắt lại được… thả, khiến các đối tượng vi phạm coi thường pháp luật, dễ bề tái phạm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng người nghiện ma túy tại cộng đồng”, một cán bộ điều tra cho biết.
Khó khăn trong việc xử lý hành vi tổ chức sử dụng ma túy là thế nhưng vần đề mà các địa phương bức xúc nhất vẫn chính là công tác quản lý người nghiện hiện nay, cụ thể là việc đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc. Năm 2001, Quốc hội có Nghị quyết 16 cho phép TP Hồ Chí Minh đưa người nghiện đi cai tập trung, không phân biệt có nơi cư trú ổn định hay không. Từ đó đến năm 2007, thành phố đã đưa được hơn 30.000 người nghiện đi cai nghiện.
Tình hình ANTT nhờ đó được ổn định, tội phạm giảm đáng kể. Tuy nhiên, sang năm 2008, khi thành phố không còn được phép đưa toàn bộ con nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tình hình ANTT phức tạp trở lại, con nghiện gây án khá lộng hành.
Chính từ thực tế này mà cuối năm 2014, Quốc hội mới có Nghị quyết 77 cho phép thành phố triển khai đề án đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc nhưng cũng chỉ giới hạn với đối tượng không có nơi ở ổn định.
Mặt khác, Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 quy định, không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với con nghiện có nơi cư trú ổn định, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn (thời hạn từ 6-12 tháng) mà vẫn còn nghiện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong thời gian nói trên, con nghiện sử dụng ma túy một cách thoải mái, tự tin dự các… “tiệc ma túy” mà không sợ bị lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Điều này dẫn đến nguyên nhân là vì sao trong các lần kiểm tra quán bar, vũ trường… cơ quan chức năng phát hiện hàng chục, hàng trăm con nghiện nhưng rồi chỉ ít hôm lại thấy số con nghiện này ung dung trở lại vũ trường.
Trong một nghiên cứu về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, ThS Nguyễn Thị Minh Phương - Cục Quản lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) từng kiến nghị, cần bỏ quy định người nghiện ma tuý có nơi cư trú ổn định phải áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước khi áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhằm bảo đảm sự công bằng, thống nhất trong chính sách xử lý đối với người nghiện ma túy.
“Tiệc ma túy” - trào lưu thách thức pháp luật của dân “bay lắc”
Gần đây, Công an nhiều địa phương của cả nước liên tục phát hiện vụ việc tổ chức, chứa chấp, sử dụng ma túy tập ... |