- Người dân đăng ký BHXH tự nguyện online ra sao?
- Từ 1/11, các cơ quan BHXH TP.HCM sẽ tiếp nhận trực tiếp hồ sơ thủ tục hành chính
Sau khi hết tuổi lao động và không tham gia BHXH bắt buộc nữa thì vẫn có thể tham gia BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm để được nhận lương hưu.
Nhiều độc giả thắc mắc, người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, làm sao để được nhận lương hưu?
Theo khoản 4 Điều 2 Luật BHXH, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Về phương thức đóng BHXH tự nguyện, có thể lựa chọn một trong các phương thức sau: Đóng hằng tháng, ba tháng/lần, sáu tháng/lần, 12 tháng/lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau (nhưng không quá năm năm). Ngoài ra, có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Luật BHXH quy định mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Muốn nhận lương hưu cao nhất, NLĐ phải đóng bao nhiêu năm BHXH?
Theo quy định tại Điều 56 và Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lương hưu của người lao động được xác định theo công thức chung sau đây:
Lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng Bảo hiểm xã hội.
Trong đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội (đối với người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc) hoặc thu nhập tháng đóng Bảo hiểm xã hội (đối với người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện) sẽ phụ thuộc vào tiền lương hoặc thu nhập đóng hằng tháng của người lao động và có nhân với hệ số trượt giá tương ứng.
Tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ được tính theo số năm đóng Bảo hiểm xã hội nhưng mức tối đa chỉ là 75%.
Theo đó, mức hưởng lương hưu tối đa của người lao động là 75% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng Bảo hiểm xã hội sau khi đã được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng.
Về cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nữ, lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1 tháng 1 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;
Theo quy định này, tương ứng với số năm đóng Bảo hiểm xã hội nhất định thì tỷ lệ hưởng của mỗi người lao động sẽ là khác nhau. Lao động nữ phải đóng Bảo hiểm xã hội ít nhất 30 năm để hưởng mức lương hưu tối đa.
Theo Điểm c Khoản 2 Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và Điểm c Khoản 2 Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam từ năm 2022 được xác định như sau: Đóng Bảo hiểm xã hội 20 năm được tính hưởng 45%.
Sau đó, thêm mỗi năm được tính thêm 2%. Như vậy, từ năm 2022 trở đi, lao động nam muốn hưởng lương hưu tối đa phải đóng Bảo hiểm xã hội ít nhất 35 năm.
Về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, tuổi nghỉ hưu của nhóm đối tượng này được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Do đó, sang đến năm 2022, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường sẽ có sự thay đổi như sau:
Lao động nam: Từ đủ 60 tuổi 6 tháng (Tăng 3 tháng so với năm 2021).
Lao động nữ: Từ đủ 55 tuổi 8 tháng (Tăng 4 tháng so với năm 2021).