Phóng viên Hải An là một phượt thủ được nhiều người biết với biệt danh "Quỷ cốc tử". Trong 15 năm, anh đã đặt chân đến nhiều điểm đến và lần này anh đến Triều Tiên.
21h ngày 21/9, tôi đã trải qua 7 giờ chờ đợi đằng đẵng ở sân bay Quảng Châu. Màn hình tivi ở phòng chờ không ngừng chiếu những hình ảnh xung quanh cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Vài ngày trước, Tổng thống Trump đã gọi người lãnh đạo Triều Tiên là “gã tên lửa” và đe doạ sử dụng biện pháp hạt nhân. Đáp lại, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ám chỉ một cuộc tấn công hạt nhân với hậu quả tàn khốc.
Thông tin càng nóng tôi càng háo hức đến Triều Tiên thật nhanh. Trong thế giới hơn 6 tỷ người này, chỉ có một số người ít ỏi có cơ hội in dấu chân ở đây. Thật may, tôi là một trong số đó.
Thông tin du lịch Triều Tiên gần như là zero
Ba tháng trước, tôi ngồi trong phòng máy lạnh ở Sài Gòn nhưng đổ mồ hôi với những thông tin về du lịch Triều Tiên. Chẳng có gì nhiều ngoài một vài bộ ảnh của các nhiếp ảnh gia quốc tế. Họ luôn cho biết chỉ chụp những thứ được phép, một số bức ảnh bị xoá lúc xuất cảnh.
Ngược lại, điều dễ dàng thấy nhất khi tìm kiếm từ khoá Triều Tiên trên Internet là những cuộc khủng hoảng ngoại giao hay các cuộc thử tên lửa. Tôi cứ có cảm giác như cả thế giới hướng mắt về đất nước này nhưng cuối cùng họ chẳng biết gì cả. Tôi cũng vậy.
20 giờ từ Sài Gòn tới Triều Tiên Để tới được quốc gia bí ẩn xứ Bắc Hàn, hai du khách Việt Nam phải bay từ TP.HCM tới Trung Quốc rồi tiếp tục các chặng để qua biên giới hai quốc gia này.
Trong nỗ lực tìm kiếm, tôi liên lạc với một phóng viên người Singapore. Aram Pan là một phóng viên ảnh, người sáng lập của dự án DPRK 360 nhằm đưa những hình ảnh từ bên trong Triều Tiên ra thế giới. Aram đã cho tôi một số lời khuyên về những nơi cần đến, cách thức đi và trên hết là đi như thế nào để an toàn. Một phượt thủ, người cũng từng đến Triều Tiên hỗ trợ tôi lên lịch trình cho chuyến đi.
Rắc rối tiếp theo của tôi là chi phí cho chuyến đi khá cao, thậm chí, đắt đỏ hơn cả đi Châu Âu. Nếu đi 3-4 ngày, chi phí khoảng 45 triệu/người và trải nghiệm một cách gấp rút. Còn nếu đặt tour 7 ngày 6 đêm thì phải chi ít nhất 55 triệu (chưa tính chi phí từ Việt Nam đến biên giới Triều Tiên). Đây thật sự là trở ngại lớn khiến nhiều du khách phải đắn đo.
Tour đi Triều Tiên có nhiều hình thức cho du khách chọn như khám phá Bình Nhưỡng, DMZ – Bàn Môn Điếm, Khai Thành, Nampo, núi Kumgang. Các điểm đến này khác nhau ở chỗ thời gian dài hay ngắn và có thêm những điểm phụ trong lịch trình hay không.
Vị Giám đốc một công ty du lịch của Trung Quốc liên lạc để nộp giấy tờ xin visa Triều Tiên cho hai khách người Việt Nam. Nộp lúc 15h thì đến 7h hôm sau visa được cấp. |
Trung Quốc: Cửa ngõ duy nhất vào Triều Tiên
Để đến được Triều Tiên, con đường duy nhất là đi qua biên giới Trung Quốc. Visa Triều Tiên được cấp sau 10 đến 15 ngày.
Theo quy định của chính phủ Triều Tiên, tất cả khách du lịch bắt buộc phải mua tour nếu muốn tham quan đất nước này. Triều Tiên nói không với du lịch tự do. Cách dễ dàng nhất là thông qua các công ty du lịch của Trung Quốc.
Sau rất nhiều đắn đo, tôi quyết định chọn một công ty có văn phòng đặt tại thành phố biên giới Đan Đông (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc). Công ty này được quản lý bởi cảnh sát Đan Đông nên cũng khá yên tâm.
Vé chuyến đi và visa nhập cảnh Triều Tiên. |
Nhưng khó khăn tiếp tục tới ngay thông tin đầu tiên họ cung cấp. Theo quy định hiện nay Trung Quốc chỉ cấp thị thực xuất nhập cảnh một lần (single visa) nên nếu muốn quay về Việt Nam khi vào Triều Tiên tôi phải nộp hồ sơ tại Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Bình Nhưỡng. Từ đó xin visa lần nữa mới có thể nhập cảnh và bay về Việt Nam.
Nếu xui xẻo, không xin được visa tôi sẽ bị mắc kẹt tại Triều Tiên. Lúc đó tôi sẽ phải chọn giải pháp bay thẳng từ Bình Nhưỡng, nối chuyến ở Bắc Kinh rồi mới về Việt Nam. Tuy không vướng thủ tục nhập cảnh nhưng chi phí vé máy bay đội lên rất cao.
Chạm đến Triều Tiên
Hành trình của tôi bắt đầu từ Sài Gòn vào sáng 21/9. Tôi để lại ống kính tele vì nghe nói thiết bị này bị cấm ở Triều Tiên. Thay vào đó, balo của tôi lèn đầy mì gói. “Biết đâu, đồ ăn cũng kỳ lạ như những thông tin về đất nước này”, tôi nghĩ.
21h tối, sau 7 giờ chờ đợi ở sân bay Quảng Châu loa thông báo máy bay đến muộn 2 giờ. Tôi cảm giác như sự kiên nhẫn của mình đang đến giới hạn thử thách. Nếu muộn hơn, có thể tôi sẽ lỡ chuyến tàu từ Thẩm Dương và kéo theo đó là hàng loạt trục trặc khác. Đến Triều Tiên, có lẽ là điều tôi thật sự không muốn bỏ lỡ trong đời.
Vào những thời khắc đầu tiên của ngày thứ 2, máy bay cuối cùng đã hạ cánh xuống Thẩm Dương. Tốn 120 tệ (khoảng 400.000 đồng) taxi đưa tôi đến ga Thẩm Dương, chờ chuyến tàu lúc 5h30 sáng. Thành phố Đan Đông chỉ cách đó 1 giờ đồng hồ nhờ chuyến tàu có cao tốc chạy đến 300km/h.
Chiều đó công ty du lịch Trung Quốc thu tiền tour để chuyển cho phía Triều Tiên và làm thủ tục xin visa (giấy tờ gồm hộ chiếu, 2 ảnh 4x6 cm). Mọi việc thuận lợi, nộp hồ sơ 15h, 7h sáng hôm sau đã có visa. Đó là một tờ giấy rời thay vì dán vào hộ chiếu như nước khác. Khi du khách nhập cảnh quân đội sẽ kiểm tra và thu lại lúc xuất cảnh, không có bất cứ con dấu nào được đóng vào quyển hộ chiếu.
Trước giờ phút lên tàu liên vận quốc tế tôi kiểm tra lại một lần và quyết định xóa sạch hình ảnh, gỡ tất cả những ứng dụng liên lạc bên trong máy điện thoại. Những người đã đi Triều Tiên, công ty du lịch và một vài người bạn đồng hành đều cảnh báo tôi rất kỹ trước chuyến đi. Điện thoại không được lưu các hình ảnh liên quan đến Thiên Chúa Giáo, Hàn Quốc, Mỹ, không được lưu hình ảnh “mát mẻ”, ảnh có tính chính trị và không có nội dung ca ngợi hay tuyên truyền về bất cứ quốc gia nào khác…
Triều Tiên đã ở rất gần.
Chuyển hành lý từ công ty du lịch ra xe để đến ga tàu Đan Đông đi Bình Nhưỡng. |
Công nhân nhà ga cúi mình kiểm tra gầm xe lửa. |
Hai du khách Việt trên chuyến tàu qua sông Áp Lục
10h sáng 23/9, vị giám đốc công ty du lịch tiễn chúng tôi lên chuyến tàu đi Bình Nhưỡng. Không giống tàu cao tốc hiện đại từ Thẩm Dương đi Đan Đông, tàu đi Bình Nhưỡng cũ kỹ giống loại tàu Thống Nhất ở Việt Nam những năm 1990.
Đi cùng tôi còn có một hành khách Việt Nam nữa là bạn Minh. Công ty du lịch chuẩn bị sẵn cho chúng tôi một phần ăn trưa.
Hành khách và người Việt đồng hành cùng tác giả thích thú chụp ảnh kỷ niệm bên bảng hiệu của chuyến tàu liên vận đặc biệt này. Hai chữ bên trái là "Bình Nhưỡng" và bên phải là "Đan Đông". |
Vị giám đốc dặn đi dặn lại không được tự ý làm bất cứ điều gì ở Triều Tiên. Những câu chuyện du khách phương Tây bị giữ lại tôi đã đọc khá nhiều nhưng vị giám đốc kể có một du khách Trung Quốc tự ý ra ngoài đường vào ban đêm cùng với camera quay lén, sau đó người này không thấy quay về nữa. Câu chuyện cũng khiến tôi nổi gai ốc và lo lắng.
Buồng tôi ngồi có 6 giường, 2 giường của chúng tôi và 4 giường còn lại của người Trung Quốc. Do bất đồng ngôn ngữ nên chúng tôi không thể trò chuyện được, chỉ gật đầu cười chào nhau. Bỗng 1 bác người Trung Quốc hát bài Giải phóng Miền Nam bằng tiếng Việt khiến tôi sửng sốt và vỗ tay theo. Chúng tôi đã chụp ảnh lưu niệm cùng nhau, bác còn viết cho tôi một vài dòng lưu niệm. Bác tên là Trương Ngô Minh, người Đông Lăng, tỉnh Sơn Đông.
Tàu rời ga chừng 3 phút đã đến cầu trên sông Áp Lục. Đi qua cây cầu này là Triều Tiên. Qua ô cửa, tôi nhìn thấy cây cầu gãy bị máy bay ném bom F-80 Mỹ đánh sập trong chiến tranh 1951 nhằm cắt đứt nguồn tiếp viện của Trung Quốc và Triều Tiên. 4 nhịp phía bên Trung Quốc rực rỡ cờ, nhiều du khách đứng trên cầu còn vẫy tay chào đoàn tàu. Phía Triều Tiên chỉ có những mố cầu han gỉ chỏng chơ.
Tiếng rít của tàu trên đường ray báo hiệu thành phố Đan Đông náo nhiệt đã ở lại phía sau. Triều Tiên đang vào mùa gặt, những đồng lúa kéo dài hàng trăm km từ biên giới dọc đến tận thủ đô Bình Nhưỡng. Hầu hết người dân gặt bằng tay, dùng xe đạp, máy cày đời cũ kỹ để chở lúa về. Những ngôi làng nhỏ, những khu phố nhỏ cũ kỹ lướt qua khung cửa. Người lớn, trẻ em xếp hàng vẫy chào khi đoàn tàu chạy qua.
Cây cầu Hữu Nghị Trung - Triều hay còn gọi là Áp Lục Giang Đại Kiều hiện là con đường duy nhất để vào Triều Tiên từ Đan Đông. Cầu được xây dựng năm 1943 ngay bên cạnh chiếc cầu gãy do Mỹ đánh sập trong cuộc chiến tranh liên Triều năm 1951. Cầu chỉ dành cho xe lửa và ôtô, cấm xe máy và người đi bộ.
Hiện nay, 4 nhịp cầu gãy được Chính phủ Trung Quốc cho khai thác du lịch. Trong ảnh là điểm cuối của nhịp cầu thuộc Trung Quốc. Trụ móng cầu phía xa thuộc lãnh thổ Triều Tiên.
Vé tham quan cầu là 30 nhân dân tệ (khoảng 100.000 đồng). Du khách có thể chụp ảnh lưu niệm, xem các thông tin về cây cầu ngày xưa bằng hình ảnh trên tivi treo thành cầu.
Một chốt gác quân sự gần nhà ga nhập cảnh vào biên giới Triều Tiên. Người lính tuần tra bên ngoài đoàn tàu khi tàu dừng làm thủ tục nhập cảnh. |
Tác giả trên hành trình từ Việt Nam đến Triều Tiên. |
Triều Tiên ngoài cửa sổ rất khác biệt với những hình ảnh đẹp đẽ thường thấy trên báo chí. Không phải những tòa nhà cao chất ngất, những đại lộ thênh thang mà thay vào đó, những ngôi làng nhỏ, mái thấp với vài chục hộ dân theo từng cụm. Hàng chục người nhễ nhại mồ hôi làm đường hết sức thủ công bằng cuốc xẻng, xà beng, những dụng cụ thô sơ từ thế kỷ trước.
Trên tàu có cả người Triều Tiên. Cách nhận biết họ dễ dàng nhất là chiếc huy hiệu có đeo hình 2 vị lãnh đạo Triều Tiên. Họ thường im lặng, tránh vào một góc khuất, hoặc ngồi im ở vị trí của mình, không ồn ào, không giao lưu trò chuyện với bất kỳ ai. Tôi nhìn thấy sự dè chừng trong mắt họ.
Tàu đến gần ga Bình Nhưỡng, những tòa nhà cao tầng bắt đầu xuất hiện, tuy cũ kỹ nhưng khá sạch sẽ. Đường phố cũng hiện dần ngoài ô cửa, rất ít phương tiện di chuyển, có xe điện, xe bus, nhưng phần lớn là xe đạp và đi bộ. Mọi người rất vội vã, và im lặng.
(còn tiếp)
Thiên đường du lịch kiêm bãi thử tên lửa của Triều Tiên
Một thành phố cảng ở đông nam đất nước là nơi lưu giữ ký ức mùa hè đẹp đẽ của nhiều người Triều Tiên. Đó ... |
Khám phá Triều Tiên chỉ với 600.000 đồng?
Triều Tiên là một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới nhưng theo ghi nhận của báo Anh, khách du lịch có thể ... |
https://news.zing.vn/phuot-den-trieu-tien-dat-nuoc-bi-an-nhat-the-gioi-post785035.html