Đến Ba Lan, Tổng thống Mỹ ngợi ca “Kiev vẫn đứng sừng sững và tự do”

Tổng thống Joe Biden ngày 21/2 khẳng định Mỹ và các đồng minh sẽ “không dao động” về việc hỗ trợ người dân Ukraine, đồng thời cảnh báo về “những ngày khó khăn phía trước” trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine sắp tròn một năm.

1000-1677019939633
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Ba Lan. Ảnh AP.

Một ngày sau chuyến thăm bất ngờ tới Kiev, ông Biden đã có bài phát biểu tại nước láng giềng Ba Lan, trong đó ông ca ngợi các đồng minh ở châu Âu vì những nỗ lực trong năm qua và gửi một thông điệp rõ ràng tới Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng “NATO sẽ không bị chia rẽ, và chúng tôi sẽ không ngừng nghỉ-”.

“Một năm trước, thế giới đã chuẩn bị cho sự sụp đổ tại Kiev. Tôi có thể khẳng định: Kiev đứng vững. Kiev đứng vững một cách tự hào. Đứng sừng sững và quan trọng nhất là Kiev vẫn tự do”, ông Biden phát biểu trước hàng nghìn người bên ngoài Lâu đài Hoàng gia Warsaw. Năm ngoái, vài tuần sau khi các lực lượng Nga bắt đầu tấn công Ukraine, ông Biden đã lên án gay gắt ông Putin cũng tại khu vực này.

Bài phát biểu của ông Biden diễn ra một ngày sau chuyến đi không báo trước của ông tới Kiev, nơi ông gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và đi bộ trên đường phố khi còi báo động không kích vang lên.

Chuyến thăm của ông Biden được đánh giá là một lời trấn an về các cam kết của Mỹ cho các đồng minh trong giai đoạn cuộc chiến ngày càng phức tạp hơn. Trong ngày 21/2, ông Biden đã có cuộc gặp với Tổng thống Moldova Maia Sandu cũng như với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.

Trong các cuộc gặp, Tổng thống Mỹ khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh tại châu Âu, “một điều đơn giản, cơ bản nhưng rất quan trọng”.

Trong ngày 22/2, ông Biden sẽ gặp lại Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cùng với các nhà lãnh đạo khác của “Bucharest Nine”, bao gồm các nước thành viên ở khu vực phía đông của liên minh quân sự NATO.

Trong khi ông Biden ở Ba Lan, Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng Moscow sẽ đình chỉ việc tham gia vào hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại với Mỹ, Hiệp ước START mới. Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân tầm xa mà các quốc gia có thể triển khai và hạn chế việc sử dụng tên lửa có thể mang vũ khí hạt nhân.

 
Duy Tiến / CAND