Thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, sáng 27/5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị áp dụng hình thức xử phạt "thiến hóa học" với loại tội phạm này.
Đại biểu Phương cho biết, qua tiếp xúc với cử tri, nhiều người đã nhắc đến vấn đề xâm hại trẻ em. Ai cũng rùng mình, bức xúc, căm phẫn, ám ảnh và mong muốn sớm phát hiện, bắt, truy tố và xử lý nghiêm khắc với đối tượng xâm hại trẻ em.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương |
"Chúng ta không ngờ được các đối tượng xâm hại trẻ em phần lớn lại là người thân quen, thậm chí là bố mẹ ruột với những thủ đoạn dã man, lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của trẻ em để phạm tội, có tội phạm lặp đi lặp lại nhiều lần là ông nội, cha ruột xâm hại bé gái, dọa sẽ giết cháu, nếu dám nói sự thật”, đại biểu tỉnh Quảng Bình nói và khẳng định việc Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em là rất cần thiết.
Theo đại biểu Phương, qua giám sát đã làm rõ thực trạng vi phạm và thực tiễn xử lý, xem xét sửa đổi, điều chỉnh văn bản pháp luật để xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, như việc nhiều quy định về tội ấu dâm chưa rõ ràng, chưa có phòng xử án thân thiện, chưa có cơ chế điều tra phù hợp với đối tượng trẻ em, chưa có sự đồng thuận của chính gia đình nạn nhân…
Từ phân tích nêu trên, đại biểu Quảng Bình đề nghị, Chính phủ Chính phủ và các cơ quan liên quan cần làm tốt công tác tuyên truyền và tăng cường hiệu lực của pháp luật trong thực tế.
Cụ thể, ông Phương đề nghị mở rộng hình thức phạt như thiến hóa học, nâng mức xử phạt hành chính lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại, ghi tội danh vào hồ sơ lý lịch để răn đe các đối tượng xâm hại, chống xu hướng tái phạm cao, đảm bảo an toàn cho trẻ em.
"Hình thức thiến hóa học đã có nhiều nước trên thế giới làm. Nếu đưa hình thức này vào chế tài xử phạt, tôi dự đoán ít nhất sẽ giảm được 50% số vụ xâm hại tình dục trẻ em", ông Phương nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần nghiên cứu để trình Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng và bổ sung hình phạt các tội danh liên quan đến xâm hại trẻ em.
Báo cáo dài 58 trang của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về phòng, chống xâm hại trẻ em được Quốc hội thảo luận trực tuyến trong phiên họp ngày 27/5.
Những con số biết nói trong báo cáo đem lại cho các đại biểu một bức tranh toàn cảnh về thực trạng xâm hại trẻ em gây nhức nhối lâu nay, song cũng mang lại nhiều cảm xúc, từ đau đớn, xót xa đến căm phẫn.
Trong giai đoạn từ 2015 đến 2019, có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác.
Trong các vụ xâm hại này, phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ.
Phóng viên (t/h)
Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống