Đề xuất khởi động lại dự án xây dựng dữ liệu hộ tịch

Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch được phê duyệt từ năm 2015 với kinh phí 1.290 tỷ đồng, nhưng đến nay Bộ Tư pháp mới được cấp 18 tỷ đồng.

Ngày 23/4, tại hội nghị tổng kết đề án 896 về đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, Thứ trưởng Tư Pháp Nguyễn Khánh Ngọc đề xuất Phó thủ tướng Trương Hòa Bình xem xét, chỉ đạo các đơn vị cấp vốn để Bộ này sớm xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch.

Chi phí dự án bao gồm các hạng mục xây dựng phần mềm; chuyển đổi dữ liệu lịch sử, dữ liệu giấy sang dữ liệu điện tử; đào tạo, tập huấn người sử dụng, thuê hạ tầng công nghệ thông tin... "Do thiếu vốn, Bộ mới được cấp 18 tỷ đồng để xây dựng thí điểm trung tâm hộ tịch ở 4 tỉnh, thành là Đà Nẵng, Hải Phòng, TP HCM và Nghệ An", ông Ngọc nói.

Đề xuất khởi động lại dự án xây dựng dữ liệu hộ tịch

Giấy khai sinh của trẻ em ở TP Hà Nội cấp qua liên kết hộ tịch tư pháp phường và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an. Ảnh: Bá Đô

Thời gian qua, một số địa phương đã chủ động đầu tư hạ tầng cơ sở dữ liệu về hộ tịch. Đến tháng 3/2021 cả nước đã cấp 14,7 triệu giấy khai sinh và 3,2 triệu đăng ký kết hôn trên hệ thống hộ tịch của các địa phương. Tuy nhiên, dữ liệu này chưa kết nối đồng bộ với trung tâm của Bộ Tư pháp vì trung tâm không được nâng cấp, không đủ khả năng lưu trữ, chia sẻ dữ liệu.

Theo Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân, các thông tin trong hộ tịch điện tử là đầu vào và chiếm hơn một nửa trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì vậy lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng, cùng với việc xây dựng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Chính phủ cần ưu tiên, có thể phân bổ một phần nguồn vốn để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia hộ tịch, qua đó đảm bảo dữ liệu luôn được cập nhật.

Đề xuất khởi động lại dự án xây dựng dữ liệu hộ tịch

Hiện nay một số địa phương đã kết nối với cổng của Bộ Tư Pháp để đăng ký hộ tịch, giấy khai sinh trực tuyến. Ảnh: Chụp màn hình

Trước đề xuất của Bộ Tư pháp, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm xem xét, bố trí vốn cho dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch.

"Đây là dự án cấp bách, cần làm ngay để kết nối, chia sẻ dữ liệu với Bộ Công an; nếu không bố trí được vốn trung hạn sẽ phải lấy nguồn từ các dự án khác", Phó thủ tướng Trương Hoà Bình nói.

Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch có chung các trường thông tin với dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, như họ tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh; dân tộc, quốc tịch, quê quán...; điểm khác nhau là dữ liệu hộ tịch có thêm các trường thông tin về khai sinh, kết hôn, ly hôn, giám hộ, nhận cha, mẹ, con, thông tin khai tử, quốc tịch... Các trường thông tin này được cơ quan tư pháp, hộ tịch từ cấp phường, xã thu thập, bổ sung hàng ngày để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là Cơ sở dữ liệu được lập trên cơ sở tin học hóa công tác đăng ký hộ tịch, nhằm lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân được đăng ký bằng thiết bị số, trong môi trường mạng, thông qua phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung.

Các thủ tục liên quan đến hộ tịch, được Bộ Tư Pháp đảm nhiệm hiện nay gồm: Đăng ký giấy khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn...

Ủng hộ tịch thu xe "thây ma", nghèo không có nghĩa được quyền vi phạm pháp luật Ủng hộ tịch thu xe "thây ma", nghèo không có nghĩa được quyền vi phạm pháp luật
119 người Vân Kiều di cư từ Lào sang được cấp hộ tịch 119 người Vân Kiều di cư từ Lào sang được cấp hộ tịch
Khó tịch thu xe của tài xế say xỉn Khó tịch thu xe của tài xế say xỉn
/ vnexpress.net