Bên cạnh đãi ngộ xứng đáng, để thu hút nhân tài, TP HCM cần tạo cơ chế và môi trường làm việc thuận lợi, đồng thời công bằng trong chính sách
Hội nghị phản biện dự thảo đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của TP giai đoạn 2018-2022 do Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức ngày 5-3 đã thu hút 18 ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự.
Coi chừng đinh dưới thảm!
"TP đang trải thảm đỏ đón nhân tài nhưng coi chừng dưới thảm có đinh" - GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Hội Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP, mở đầu hội nghị bằng một cảnh báo thẳng thắn như vậy. Dẫn chứng, GS-TS Giao nói thủ tục là những chiếc đinh lớn. Một chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài đọc đề án này xong người ta cũng ngại vì phải thực hiện nhiều thủ tục quá, đáp ứng nhiều điều kiện quá mới được tuyển chọn, trong khi chúng ta nói là thu hút nhân tài.
Đồng quan điểm, GS-TS Phan Thị Tươi, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, nói: "Nếu là tôi thì tôi cũng không làm đơn xin thi 2 vòng ứng tuyển". Theo dự thảo đề án, các ứng viên phải làm hồ sơ dự tuyển, trải qua quy trình 2 vòng tuyển chọn là sơ tuyển và sát hạch.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân: "Bên cạnh chế độ đãi ngộ xứng đáng, TP HCM cần tạo một cơ chế và môi trường làm việc thuận lợi để các nhà khoa học được tự do sáng tạo, tự do cống hiến"
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP, cho biết khoản 3, điều 6 trong Nghị quyết 54 có 2 nội dung chính. Đó là HĐND TP có quyền quyết chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức và quy định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học tài năng của TP. Theo PGS-TS Ngân, trước đây cơ chế này bị ràng buộc, bị dính các khung. Khi một nhà khoa học lên báo cáo đề tài thì buộc ký rất nhiều. Do đó, có Nghị quyết 54 khi thực hiện phải tinh gọn những thủ tục ấy. Như thế mới thu hút được người tài về làm việc cho TP.
Giám đốc Học viện Cán bộ TP nói tài chính cũng cần nhưng người làm khoa học cần nhất là môi trường làm việc. Vì vậy, bên cạnh chế độ đãi ngộ xứng đáng, TP cần tạo một cơ chế và môi trường làm việc thuận lợi để các nhà khoa học được tự do sáng tạo, tự do cống hiến.
Làm sao cho công bằng?
Vấn đề làm sao áp dụng chính sách lương cao, nhiều đãi ngộ sao cho công bằng cũng được các đại biểu đưa ra phản biện. GS-TS Giao cho rằng không nên phân biệt nhà khoa học trong nước và ngoài nước. "Hai nhà khoa học cùng làm trong một cơ quan, một công việc nhưng lương khác nhau thì không ổn. Họ phải được đối xử như nhau, người làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Chỉ nên khác là hỗ trợ cho nhà khoa học nước ngoài về ăn ở, đi lại" - GS-TS Giao kiến nghị.
TS Trương Minh Huy Vũ, ĐHQG TP HCM, lấy ví dụ: "Hai người cùng làm trong một đơn vị. Một anh được đào tạo theo chương trình 300, chương trình 500 thạc sĩ - tiến sĩ của TP nhưng lương chỉ 5 triệu đồng. Một anh được thu hút theo đề án này thì lương có thể tới 150 triệu đồng. Sự chênh lệch như thế là quá cao". TS Vũ gợi ý có thể hỗ trợ bằng cách khác trong đời sống sinh hoạt hằng ngày chứ không nhất thiết phải là lương.
Cũng góp ý về lương cho nhân tài được thu hút, GS-TS Phan Thị Tươi nói đề án quy định tiền lương hằng tháng cho 2 nhóm chuyên gia đầu ngành và lao động sáng tạo trẻ. Hai nhóm này được tính lương hệ số 9,4 và 8,8; tính ra hơn kém nhau chưa tới 1 triệu đồng. Theo bà, một chuyên gia và một người xuất sắc mới ra trường mà lương cách nhau như vậy là rất khó chấp nhận.
Chủ tịch Hội Luật gia TP Võ Thị Kim Hồng đặt vấn đề: "Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc đối tượng đề án nhưng họ cũng có nhiều công trình nghiên cứu, sáng tạo hiệu quả, đủ tiêu chuẩn theo đề án thì tính sao? Nếu họ không được chế độ đãi ngộ tương xứng thì tài năng sẽ bị thui chột".
Nói rõ thêm, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn lưu ý một trong những mục tiêu của đề án là thu hút đội ngũ lao động sáng tạo trẻ về làm tại các đơn vị, cơ quan nhà nước thì họ sẽ làm chung với cán bộ, công chức đương nhiệm. Làm cùng nhau, cùng một công việc mà lương chênh lệch thì chưa chắc tốt, nhiều khi còn tác dụng ngược.
Chọn cán bộ hay nhân tài?
Hầu hết các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng dự thảo đề án nặng tính hành chính, chưa có sự tách biệt rạch ròi giữa hai nhóm đối tượng là các chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về làm công chức viên chức trong các cơ quan nhà nước. "Tôi thấy đây là đề án tuyển chọn cán bộ chứ không phải đề án thu hút nhân tài" - GS-TS Nguyễn Ngọc Giao nhìn nhận.
Bà Võ Thị Kim Hồng kiến nghị đề án nên viết thành 2 phần riêng biệt cho 2 nhóm đối tượng trên bởi 2 nhóm đối tượng là hoàn toàn khác nhau, đóng góp chất xám cũng khác nhau. Đối với lao động sáng tạo trẻ thì phải cân đối với đội ngũ cán bộ, công chức tại đơn vị đó.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị phải tin tưởng giao cho người đứng đầu các đơn vị trong việc tuyển chọn, không nhất thiết chủ tịch UBND TP phải đứng ra làm chủ tịch hội đồng tuyển dụng trong mọi trường hợp. TP chỉ nên đề ra khung về mặt tiêu chí, quy trình thẩm định, còn lại giao cho cơ sở, vừa nhẹ cho TP vừa tăng tính chủ động, tự chủ cho cơ sở. Nếu cơ sở làm sai thì đưa thủ trưởng cơ sở đó ra "trị"!
Tiếp thu các ý kiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đỗ Văn Đạo cho biết tất cả nội dung phản biện sẽ được tiếp thu một cách đầy đủ, sau đó tổng hợp báo cáo UBND TP.
Cách thu hút nhân tài của TP HCM bị cho là \'trên trải thảm, dưới trải đinh\'
Nhiều chuyên gia giáo dục, khoa học công nghệ... mong muốn thành phố tạo môi trường thuận lợi, tự do nhất cho người tài cống ... |
Thu hút nhân tài: Dưới thảm đỏ vẫn còn nhiều... đinh!
Bên cạnh chế độ đãi ngộ xứng đáng, để thu hút nhân tài, TP HCM cần tạo một cơ chế và môi trường làm việc ... |