Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng giá nước đắt hay rẻ cần đặt trên một mặt bằng và không thể cùng người Hà Nội nhưng ở Đông trả một giá, Tây một giá.
Liên quan tới thông tin giá nước 10.246 đồng/m3 của Công ty CP nước mặt Sông Đuống, trong đó dân được cho là phải gánh hộ doanh nghiệp lãi vay 2.000 đồng/m3, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trả lời phỏng vấn VTC News bên hành lang Quốc hội.
- Nhà máy nước sông Đuống dù chưa đi vào hoạt động chính thức nhưng khiến dư luận xôn xao vì giá nước tạm tính 10.246 đồng/m3, cao hơn và phần giá cao hơn này được dùng để trả lãi vay hơn 4.000 tỷ đồng của dự án, thưa ông?
Thứ nhất, tôi thấy dư luận rất bức xúc bởi vì ở đây sẽ nảy sinh so sánh. Giá nước đắt hay rẻ thì cần đặt trên một mặt bằng. Không thể cùng một người Hà Nội nhưng ở phía Đông thì hưởng một giá, phía Tây lại hưởng một giá. Nhà máy này bán giá này, nhà máy kia bán giá khác. Như vậy thì quản lý của Nhà nước về giá như thế nào để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng? Đây là vấn đề người ta phải đặt ra.
Nhà máy nước sạch này lấy nước trực tiếp từ sông Đuống. Cửa lấy nước được đặt cách nhà máy gần 5km. |
- Đại diện Hà Nội có giải thích phí lãi vay tính vào giá nước là 20% (khoảng 2.003 đồng/m3) và giá cao để bù lỗ, thưa ông?
Giải thích là giá cao là để bù đắp phần lỗ là coi thường xã hội. Câu chuyện lỗ lãi là câu chuyện của nhà máy. Còn ở đây là vấn đề bảo vệ người tiêu dùng. Anh bắt người tiêu dùng trả lỗ cho anh hay sao? Nếu như thế thì tốt nhất không nên vận hành nữa.
Nhà máy sông Đuống đã chuyển 34% cổ phần cho người nước ngoài. Vấn đề này liên quan tới vấn đề an ninh nước. Ở đây đã thu được 2.000 tỷ đồng. Vấn đề đặt ra là giá đầu tư, tổng giá trị đầu tư vào nhà máy có thực sự đúng với thông tin hiện nay hay không, hay chỉ bằng nửa gói đã bán, đã bù đắp được. Tôi rất sợ các vấn đề mà người dân đặt ra không được trả lời đàng hoàng, đầy đủ sẽ dẫn đến người dân đặt vấn đề này với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Thành phố Hà Nội phải bảo đảm được người dân Hà Nội không thể bị bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào lôi họ vào vòng luẩn quẩn và phải chịu sức ép từ một đơn vị.
- Việc Công ty CP nước mặt Sông Đuống bán 34% cổ phần cho đại gia Thái Lan càng làm người dân lo ngại việc đảm bảo an ninh nguồn nước cho Thủ đô, thưa ông?
Hiện nay, vấn đề xã hội hóa rồi quốc tế hóa là một vấn đề xu thế. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều cử tri, người ta rất băn khoăn về việc để người nước ngoài chiếm hữu, sở hữu, khống chế một số dịch vụ thiết yếu của nền kinh tế quốc dân, mà ở đây là nước sạch.
luu binh nhuong |
Đây là địa bàn Thủ đô, không chỉ liên quan tới người tiêu dùng thông thường mà người tiêu dùng còn là các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước hay du khách quốc tế.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng
Họ lo ngại nếu chúng ta không tự chủ được vấn đề này, các cơ sở đứng ra xây dựng các dự án này chỉ vì câu chuyện vì lợi nhuận đặt ra rồi rút và bàn giao lại.
Vì vậy, việc quy định về người nước ngoài phải hết sức chặt chẽ đối với các dịch vụ thiết yếu này. Đặc biệt việc lựa chọn ai, quá trình giao dịch ấy như thế nào, tỷ lệ bao nhiêu, công tác quản lý để đảm bảo không có sự cố xảy ra như thế nào. Tất cả phải được pháp chế hóa. Nếu chúng ta không có thể chế hay kiểm soát vấn đề này, người chịu hậu quả đầu tiên là người dân chứ không phải cơ quan Nhà nước.
- Sau vụ nhiễm độc nước sông Đà, người dân Thủ đô rất buồn vì cách quản lý an ninh nguồn nước của Hà Nội. Giờ lại có thông tin, nhà máy nước sông Đuống chưa đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Bộ Xây dựng. Liệu Hà Nội có phải xem xét lại dự án này kỹ lưỡng hơn, thưa ông?
Về nguyên tắc, dự án nước sông Đuống phải được kiểm định đầy đủ, đảm bảo đúng tiêu chuẩn mới đưa vào để vận hành sử dụng và cung cấp nước sạch cho người dân.
Còn dự án nước sông Đà đã đủ tiêu chuẩn. Còn sự cố mới đây không phải do họ gây nên mà là do có người hại họ.
Theo tôi, cần phải xử lý cán bộ quản lý Nhà nước, không thông báo kịp thời hay không tỏ thái độ, rất chậm chạp, lúng túng trong quá trình quản lý.
- Lãnh đạo Hà Nội cần làm gì để giải tỏa lo lắng bất an của người dân Thủ đô sau hàng loạt sự cố vừa qua, thưa ông?
Theo tôi, trước hết phải trả lời được những điều mà người dân đặt ra. Chủ tịch UBND là người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước người tiêu dùng Hà Nội về hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trên địa bàn Hà Nội để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt đây là địa bàn Thủ đô. Không chỉ liên quan tới người tiêu dùng thông thường mà còn là đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước hay du khách quốc tế.
Do đây là vấn đề an ninh nên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phải cam kết trước Đảng, Nhà nước, nhân dân về an ninh nguồn nước, phải thể hiện được quan điểm, hành động với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành pháp để xử lý các sai phạm xảy ra chứ không được phép bao che cho các sai phạm, bao che cho các câu chuyện hại nhau, lợi ích nhóm và các thủ đoạn tàn độc mà cần phải chỉ đạo các cơ quan vào cuộc để xem xét.
Đó là chức trách của đồng chí Chủ tịch UBND và theo tôi trách nhiệm của người đứng đầu là quan trọng nhất. Chứ không nên đổ lỗi cho các phòng, ban, sở. Xét cho cùng họ chỉ là các cơ quan tham mưu.
Chiều 12/11, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, lãnh đạo sở ban ngành Hà Nội giải thích về những vấn đề liên quan đến giá nước sạch sông Đuống cao hơn nhà máy nước sạch Sông Đà.
Phản hồi về mức giá tạm tính của Công ty mặt nước sông Đuống ở mức hơn 10.200 đồng/m3, cao hơn các nhà máy nước sạch khác, lãnh đạo Sở Tài chính khẳng định tất cả đều được tính theo quy định hiện hành, không tính sai nhưng "phải tính đúng, tính đủ".
Ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết thêm rằng, người dân phải gánh cả chi phí lãi vay vào khoảng 20% (2.003 đồng) cho mỗi mét khối nước sạch sông Đuống. Bởi để xây dựng nhà máy, công ty này đi vay tới 80% (gần 4.000 tỷ đồng) trong tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.
Giá bán lẻ nước sinh hoạt hiện nay chỉ khoảng 7.900 đồng/m3.