- Đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT 2% từ 01/7/2025 đến 31/12/2026
- Cục Thuế (Bộ Tài chính) yêu cầu toàn hệ thống đẩy nhanh giải quyết hoàn thuế GTGT
Đại biểu đề nghị Quốc hội quy định trách nhiệm của cơ quan thu thuế và thuế giá trị gia tăng (VAT), bởi lúc thu thuế rất dễ nhưng lúc hoàn rất khó khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc.
Chiều 28/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết liên quan đến chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Theo dự thảo, Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng được giảm 2% thuế VAT với hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng, đồng thời kéo dài chính sách này đến hết năm 2026. Trước đó, chính sách giảm 2% thuế VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), đã được áp dụng từ đầu năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2025, theo nghị quyết của Quốc hội.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đồng tình với đề xuất giảm đến hết 31/12/2026 để giúp doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, có định hướng chiến lược và quyết sách tốt hơn cho kế hoạch kinh doanh.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân. (Ảnh: Media Quốc hội).
Đại biểu Thân cũng đề nghị Quốc hội bổ sung vào nghị quyết về trách nhiệm của cơ quan thu thuế VAT và cơ quan hoàn thuế VAT. "Hiện nay, vấn đề này đang gây nhiều bức xúc trong doanh nghiệp. Bởi vì lúc thu thì rất dễ nhưng lúc hoàn thuế thì rất khó", ông Thân nêu thực trạng.
Vì thế, theo đại biểu đoàn Thái Bình, cần phải sòng phẳng về trách nhiệm trong pháp luật. Khi doanh nghiệp chậm nộp thuế VAT thì bị phạt, vậy cơ quan chức năng Nhà nước nếu muộn trả hoàn thuế thì cũng phải chịu trách nhiệm tương tự.
Đồng tình với việc giảm thuế VAT song đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá khoa học việc làm này sẽ ảnh hưởng thế nào đến GDP.
“Việc giảm thuế VAT rất tốt nhưng có thể khiến ngân sách Nhà nước giảm thu tới hơn 40.000 tỷ đồng. Trong khi số tiền này có thể chi tiêu cho đầu tư phát triển hoặc giúp đỡ người nghèo hoặc đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa”, đại biểu Huân nêu.
Theo ông Huân, việc đánh giá khách quan sẽ giúp đại biểu Quốc hội có cái nhìn toàn cảnh về lợi ích và hạn chế của chính sách giảm thuế, từ đó đưa ra quyết định phù hợp, tạo sự yên tâm cho cả doanh nghiệp được giảm và không được giảm.
Ngoài ra, ông Huân cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét tình trạng một số cơ quan Nhà nước, một số địa phương sử dụng vốn ngân sách nhưng nợ thuế VAT của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhiều năm không đòi được VAT lại nợ lại cơ quan quản lý thuế đóng trên địa bản đó.
“Các cơ quan thuế của tỉnh nọ nợ tỉnh kia, doanh nghiệp đứng giữa. Tình trạng này càng phức tạp khi sáp nhập tỉnh thành, các cơ quan cũ không còn, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ không đòi được khoản thuế đó. Nguyên nhân không phải do tắc trách mà do khi xây dựng danh mục dự án, bố trí vốn, các cơ quan có thể không bố trí đến khoản VAT nên các ban quản lý dự án không có cơ sở để thanh toán cho doanh nghiệp. Việc này dẫn đến các khoản nợ kéo dài nhiều năm, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, đại biểu Huân dẫn giải.
Đại biểu đề nghị nhân dịp Quốc hội xem xét giảm thuế VAT, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu giải pháp đưa vào Nghị quyết nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng doanh nghiệp phải đi đòi nợ thuế ở các địa phương.
Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Khánh Thu (Thái Bình) cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế thế giới lại biến động khó lường, ảnh hưởng đến khả năng bảo đảm các mục tiêu xuất khẩu thì chính sách giảm 2% thuế VAT được coi là một trong số những chính sách tài khóa có tác dụng kích thích tăng tiêu dùng.

Đại biểu Trần Khánh Thu. (Ảnh: Media Quốc hội).
Đại biểu dẫn chứng năm 2022, mặc dù số tiền ngân sách giảm thu do hỗ trợ người dân và doanh nghiệp qua việc giảm thuế VAT 51.400 tỷ đồng nhưng ngân sách Nhà nước năm sau tăng cao hơn năm trước và đều thu vượt dự toán.
"Thực tế chứng minh, việc kiểm soát được lạm phát đã tạo dư địa để thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng, linh hoạt, gia tăng đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Như vậy, Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% với hầu hết hàng hóa, dịch vụ kể từ năm 2022 đến nay rất có ý nghĩa", nữ đại biểu nhìn nhận.
Góp ý về đối tượng được giảm thuế, đại biểu đoàn Thái Bình cho biết, dự thảo Nghị quyết đã mở rộng hơn nhưng vẫn còn 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ vẫn phải chịu thuế GTGT 10%. Đại biểu đề nghị cân nhắc giảm thuế VAT xuống 8% đối với hoạt động tín dụng, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn, giúp ngân hàng mở rộng hoạt động tín dụng.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2025 sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 39.500 tỷ đồng và khoảng 82.200 tỷ đồng trong năm 2026.
“Việc giảm thuế GTGT đương nhiên sẽ làm giảm thu ngân sách, nhưng sẽ kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính phủ, Bộ Tài chính cũng sẽ có chính sách tài khoá phù hợp để bù đắp cho việc hụt thu này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Thắng cho biết, riêng đối với các dịch vụ của hoạt động tài chính, Ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm không thuộc đối tượng phải chịu thuế VAT, luật cũng không quy định nên không phải giảm.
https://vtcnews.vn/dbqh-cham-nop-thue-thi-bi-phat-co-quan-thue-cham-hoan-thue-thi-sao-ar945751.html