Tháng 9, một nam sinh viên bị đuổi khỏi lớp học online tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Một nam sinh khác cãi tay đôi, thách thức thầy giáo tại Trường Cao đẳng FPT… Nó cho thấy, giảng dạy online phải làm sao để vừa đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo một môi trường học tập nghiêm túc là vấn đề mà cả ngành Giáo dục và phụ huynh, học sinh đều quan tâm.
Câu chuyện nam sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật bị đuổi khỏi lớp học online dù đã được nhà trường giải quyết ổn thoả nhưng vẫn gây nên nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Nguyên nhân được biết chỉ vì học sinh này đề nghị thầy giảng lại... vì mưa to quá không nghe rõ.
Phía nhà trường đã thừa nhận sự việc phần nào đã ảnh hưởng đến tâm lý học sinh (HS), đồng thời đã đưa ra hướng xử lý phù hợp. Song vụ việc trên cũng đồng thời đặt ra vấn đề, ứng xử của giáo viên và HS trong môi trường học tập online cũng cần được nhìn nhận nghiêm túc.
ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Powers cho biết, hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đang có tình trạng chỉ lo các vấn đề chuyển tải hết nội dung bài giảng trong một tiết học ngắn ngủi mà quên đi những yếu tố cần thiết để có một lớp học online hiệu quả. Trong khi, cần phải xác định học online như là một giải pháp lâu dài trong hoàn cảnh hiện nay nên cũng cần có cách tổ chức lớp, nội quy lớp học phù hợp. Trong đó càng phải có những bộ quy tắc, kỷ luật nghiêm túc, cũng cần những ứng xử văn minh giữa thầy và trò. Nếu dạy học trực tiếp có nội quy thế nào thì trong môi trường trực tuyến cũng cần những nội quy tương đương phù hợp. Từ chuyện họp phụ huynh, thông báo nội quy trường, lớp, để HS học nội quy đến khi nào nhuần nhuyễn.
Chẳng hạn, quy định lớp học online thì tất cả HS đều phải bật camera, đồng ý hay không đồng ý và lý do vì sao? Nếu nhà trường, giáo viên chấp nhận thì cứ thế thực hiện. HS cũng vậy, đã chấp nhận ký tên vào nội quy có nghĩa là nếu làm khác thì HS đã vi phạm và tự chịu hình thức kỷ luật. Nếu không quy định rõ, có thể xảy ra nhiều tình huống đáng tiếc trong ứng xử giữa thầy và trò xảy ra như vừa qua.
Nhìn nhận ở một góc độ khác là kỹ năng giảng dạy và xây dựng tính trung thực của học trò, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 cho rằng, trước hết, việc dạy học online phải có cách ứng xử thầy - trò tương thích. Trong môi trường học trực tiếp, thầy cô có rất nhiều cách đánh giá học sinh: làm bài viết 15 phút, bài viết 1 tiết, làm bài nhóm, học dự án, kiểm tra đề mở, làm clip, sân khấu hóa, sản phẩm stem... rất phong phú. Dù hình thức nào đi nữa điều kiện đặt ra là tính trung thực, việc học trực tiếp không khó để thầy cô nhận định, và quyết định điểm số cho học sinh.
Song, việc dạy trực tuyến rất khó để thầy cô quản lý lớp, nhất là quản trị tính trung thực của người học. Vấn đề đặt ra làm thế nào để kiểm tra đánh giá bằng hình thức trực tuyến tốt nhất?
Theo thầy Phú, yếu tố giao tiếp sư phạm là một nền tảng rất lớn quyết định sự thành bại của sự nghiệp giáo dục. Trong cuộc sống, có rất nhiều thầy cô được học sinh, phụ huynh yêu kính và cũng không ít thầy cô lại làm học sinh sợ và… ghét. Điều này có thể do thầy cô dùng lời lẽ để chỉ trích và chê bai học sinh trước lớp thay vào đó, đáng ra phải có cái nhìn tích cực về học sinh cho dù đó là học sinh có cá tính. Chính góc nhìn đó là động lực để khích lệ và làm cho các em xung quanh cảm nhận để lan tỏa yêu thương với "cá nhân đặc biệt" và rồi thời gian không còn sự khác biệt, nghĩa là thầy cô trở thành trung tâm đoàn kết, yêu thương kết nối các em với nhau.
Thứ nữa, thầy cô phải có sự cởi mở để đón nhận ý kiến phản biện của học sinh. Phải kiên nhẫn và thiện chí lắng nghe khi các em trình bày một vấn đề dù biết nó sai ngay từ đầu. Tránh dùng những cụm từ làm đứt quãng dòng cảm xúc của học sinh như: "ngồi xuống, mở miệng ra là biết sai rồi!", "nói sai còn nói to!”… Những lời vô cảm này khiến học sinh sẽ chọn giải pháp "im re". Như vậy chính thầy cô đã làm không khí lớp học thụ động, không phát huy tính phản biện thiếu kỹ năng trong cuộc sống. Yếu tố khen giữa thầy cô với trò nhằm tạo tâm lý tốt khi đó học sinh dễ dàng tiếp nhận lời chia sẻ khi các em làm chưa đúng. Không nên có thái độ dứt khoát “đóng hết các cửa” không cho các em có cơ hội sửa sai. Phương pháp này là phương pháp “ngõ cụt”, phản cảm, phản giáo dục chỉ khoét sâu khoảng cách với học sinh.
Trong lớp học thầy cô còn phải làm chủ cảm xúc và phải là người cầm trịch các hoạt động giáo dục. “Tuyệt đối không để xảy ra xung đột trong các hoạt động giáo dục”. Phản biện một cách hùng hồn khác hoàn toàn tranh cãi gay gắt. Thầy cô phải đặt vấn đề, gợi ý những câu hỏi để dẫn học sinh theo dòng cảm xúc suy nghĩ của mình. Khuyến khích phương pháp làm việc nhóm, đây là phương pháp hay trong cách dạy trực tuyến, giúp các em kết nối với nhau, chia sẻ thông tin hình thành rất nhiều kỹ năng. Việc sinh hoạt nhóm để hướng dẫn các em đọc tài liệu trên Internet. Nhiều ngày hình thành thói quen và các em ắt sẽ đam mê khi biết cách lấy, chọn lọc thông tin.
Cũng theo thầy Phú, chính 3 yếu tố trên duy trì trong một giờ giảng của giáo viên nhằm giúp hình thành các kỹ năng và phẩm chất trung thực của học sinh, như thế tự thân các em sẽ mang đến các sản phẩm như thầy cô mong đợi. Với môn giáo dục công dân, thầy cô yêu cầu học sinh ghi clip 3 phút thuyết minh về thực hiện 5K ở gia đình. Môn văn thì rất nhiều đề tài trong cuộc sống để các em viết nghị luận.
Thầy Phú phân tích, thầy cô giảng dạy học online không thể nào thăng hoa như giảng dạy trực tiếp. Trước một màn hình laptop, giáo viên cũng như người nghệ sĩ biểu diễn không có khán giả. Mọi lời giảng, sự sáng tạo đều thông qua một màn hình trước mặt, phải đặt mình vào người đối diện sẽ có cách ứng xử phù hợp. Chưa kể, trong bối cảnh dịch bệnh, đằng sau mỗi chiếc camera ở lớp học trực tuyến là mỗi hoàn cảnh khác nhau, không ít HS gặp tổn thương, mất mát. Thầy cô giáo khi giảng dạy nên đặt vấn đề tâm lý HS làm quan trọng; cư xử cần nhẹ nhàng, thấu hiểu… “Vì thầy cô chứ không ai khác sẽ làm ra sản phẩm của giáo dục dựa vào chính năng lực của nhà giáo”, thầy Phú nhấn mạnh.
Huyền Nga